|
Hiện nay, có khá nhiều người dân câu cá trên dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào ban ngày và cả ban đêm.Ảnh: Đoàn Quý |
Trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hàng ngày có từ 500- 550 cần câu, kênh Tàu Hủ- Bến Nghé có khoảng 50- 100 lưỡi câu, trong đó có sử dụng hình thức câu tận diệt như câu chùm (5-6 lưỡi/ cần câu), chài lưới…
Đây là báo cáo của Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM trong cuộc họp về vấn đề câu cá trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè và Tàu Hủ - Bến Nghé do sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM chủ trì.
Cấm một thời gian
Ông Trần Đình Vĩnh- Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản khẳng định không có tình trạng lạm sát cá như dư luận phản ánh nhưng việc đánh bắt cá tại các tuyến kênh này đang tạo ra nhiều hình ảnh phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
“TP đã chi rất nhiều tiền để cải tạo các tuyến kênh này, sau đó còn thả nhiều cá giống xuống kênh để tạo nguồn lợi thủy sản trong khi nhiều người dân lại ra sức câu sẽ gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sinh, chất lượng nguồn nước.
Đối với các dòng kênh đang phục hồi, việc thả cá còn góp phần xử lý bùn thải hữu cơ, cải thiện môi trường”, ông Vĩnh nói.
Theo ông Vĩnh, nguồn lợi thủy sản cũng cần phải được khai thác vì quá nhiều cũng không tốt cho hệ sinh thái. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, Chi cục đề xuất TP cấm khai thác cá dưới mọi hình thức để phục hồi môi trường, không chỉ hệ thống Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Nghé - Tàu Hủ mà tất cả các kênh rạch trong nội thành, ít nhất là trong 5 năm.
Tuy nhiên, đại diện sở Tư pháp cho rằng trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật đều không cấm các hình thức câu cá nói trên, do đó việc TP ban hành lệnh cấm hay xử phạt hành chính là không thể.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích, Lực lượng Thanh niên xung phong, tỏ ra băn khoăn bởi câu cá trên kênh là hình ảnh đẹp của TP: đây vừa là hình thức giải trí cho người dân TP vừa phản ánh sự bình yên và chứng minh dòng kênh đã trong sạch.
Theo ông Nhựt, nên tăng cường xử phạt hành chính một số hành vi như vứt rác, đậu xe bừa bãi hoặc
câu cá không đúng thời điểm (Luật Thủy sản có quy định về một số thời gian cấm câu đối với những loài cá nhất định)…của những người đi câu để giảm bớt tình trạng câu cá.
Không ủng hộ cấm!
Đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết, quận đã ra quân tuyên truyền và treo băng rôn vận động không câu cá dọc các bờ kênh, cách làm việc này rất có hiệu quả.
Đáp lại, đại diện sở Giao thông- Vận tải dẫn chứng: khu vực cầu Bông- đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh dựng một tấm bảng cấm câu cá khá to nhưng người dân vẫn kéo đến khu vực này câu khá nhiều.
Còn ông Nguyễn Văn Lưu - Ban Phong trào, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nhận xét, nếu dọc tuyến kênh chỗ nào cũng treo băng rôn cấm khai thác cá thì rất buồn cười, chưa nói các
địa phương khác sẽ đánh giá người dân TP không có ý thức, lúc nào cũng phải kêu gọi.
Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM Huỳnh Đăng Linh cũng không đồng ý với việc ban hành lệnh cấm. “Cứ cái gì không quản được thì cấm, còn đâu là TP văn minh. Theo tôi, các tổ chức đoàn thể nên tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nói một lần không nghe thì nhiều lần cũng phải nghe chứ”, ông Linh đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử phạt hành chính như đề xuất của ông Nhựt.
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch góp ý, nên thêm thành phần có “máu mặt” như là công an… vào lực lượng vận động những người câu cá vì theo sự chứng kiến thực tế của vị này, phương án này rất hiệu quả.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Phước Trung- Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến thành dự thảo phương án xử lý việc câu cá trên kênh để trình lên UBND TP.