Chiều 27/4, tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, các cơ quan chức năng tỉnh này đã tìm ra nguyên nhân khiến hàng nghìn tấn ngao chết ở Quảng Ninh từ cuối năm 2015 đến nay.
Theo đó, năm 2015, trên địa bàn huyện Hải Hà đã thả nuôi 416 ha diện tích ngao, nghêu tại các xã Quảng Minh (176 ha, 84 hộ nuôi), xã Quảng Điền (40 ha, 30 hộ nuôi), xã Phú Hải (200 ha, chưa thống kê số hộ nuôi), trong đó chỉ có vùng nuôi xã Quảng Minh nằm trong quy hoạch nuôi nhuyễn thể của huyện.
Con giống thả nuôi là các loại nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata), ngao dầu (M.meretrix). Giống được mua từ Nam Định, Thái Bình, Trung Quốc và mua gom tại chỗ (hầu hết không có hóa đơn chứng từ mua bán, không kiểm dịch trước khi thả nuôi); cỡ giống thả 500–1.000 con/kg; mật độ thả nuôi trên 500 con/m2.
|
Người dân thu hoạch ngao ở biển Hải Hà. |
Tháng 12/2015, đã xảy ra hiện tượng ngao, nghêu nuôi chết tại các xã Quảng Minh, Quảng Điền và Phú Hải.
Theo thống kê, có 216/416 ha của 90/162 hộ tại 03 xã trên có ngao, nghêu nuôi bị chết trong thời gian từ tháng 12/2015 đến tháng 1/2016. Mức độ thiệt hại từ 20–30%, cá biệt có hộ đến trên 50% (tổng thiệt hại khoảng 2.000 tấn). Đến hết tháng 1/2016, đã không còn hiện tượng ngao chết trên địa bàn các xã nêu trên.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 4/2016, tại xã Quảng Minh có 13/81 hộ nuôi tiếp tục có hiện tượng ngao chết, diện tích khoảng 26 ha, tỷ lệ chết 20-25%, một số hộ tỷ lệ ngao, nghêu chết 50–60% (các xã khác trong huyện không phát hiện ngao nuôi chết).
Qua xác minh thực tế và kết quả giám sát dịch bệnh, quan trắc môi trường khẳng định nguyên nhân chính gây ngao chết là do mật độ thả nuôi quá dày (trên 500 con/m2), gấp hơn 5 lần khuyến cáo kỹ thuật (khuyến cáo nên thảo 80-90 con/m2 với kích cỡ giống 400-500 con/kg).
Không gian sinh sống của ngao bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, thiếu thức ăn, dẫn tới ảnh hưởng tới sức khỏe (ngao sử dụng thức ăn phù du sinh vật tự nhiên, người dân không bổ sung thức ăn cho ngao nuôi).
Mặt khác, do ngao đã đạt cỡ thương phẩm nhưng chưa thu hoạch (vì giá bán quá thấp, người dân không thu), dẫn đến tình trạng ngao chết tự nhiên gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong vùng ngao nuôi dẫn đến “lây lan” ngao khỏe bị chết theo.
Cũng trong khoảng thời gian cuối năm 2015, đầu năm 2016, Quảng Ninh bị rét hại, với mức nhiệt khu vực nuôi ngao từ 4-6 độ C, vượt quá ngưỡng chịu đựng của loài này, dẫn đến việc dễ cảm nhiễm với các tác nhân gây bệnh.
Video: Cách làm sạch ngao trước khi nấu:
Nguồn video: YouTube.