Chiều 22/10, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán chi thường xuyên trong năm tới là 470,9 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, dự toán chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế 16,2 ngàn tỷ đồng. Cụ thể, từ 1/7/2019 thực hiện điều chỉnh lương hưu, chính sách trợ cấp người có công tăng 7%; lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng/tháng.
|
Từ 1/7/2019 thực hiện điều chỉnh lương hưu, chính sách trợ cấp người có công tăng 7%; lương cơ sở tăng từ 1,39 triệu lên 1,49 triệu đồng/tháng. |
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, cơ cấu chi NSNN dự kiến bố trí chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Tuy nhiên, một số ý kiến lo ngại, việc bố trí tăng lương cơ sở cao hơn so với các năm gần đây sẽ tạo áp lực và khó khăn hơn để giảm chi thường xuyên theo các nghị quyết của T.Ư và Quốc hội đã đề ra.
Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 18 của T.Ư 6, Chính phủ đã xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2019 bao gồm cả kinh phí thực hiện tinh giản biên chế và giao cơ chế tự chủ theo hướng cắt giảm chi lương và chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình. Ủy ban thẩm tra cơ bản nhất trí với nguyên tắc bố trí kinh phí ngân sách như Chính phủ trình. Điều này sẽ đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu chi thường xuyên theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ: Rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, có kế hoạch, biện pháp thực hành tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, tiết giảm mạnh hơn chi ngân sách; Không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công; Giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.