Những câu chuyện bí ẩn về ngôi làng “ma ám” ở Hà Tĩnh

Google News

Người dân làng Vượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hết sức hoang mang và lo sợ, bởi những năm gần đây có nhiều người đang khỏe mạnh bỗng dưng phát bệnh rồi lăn đùng ra chết. Năm nào cũng có ít nhất 5-6 người làng chết đột ngột, không rõ nguyên nhân. Sau khi trong làng xảy ra những cái chết bí ẩn như vậy, nhiều người dân trong làng đã tin những lời đồn thất thiệt của thầy mo phán đất làng bị con ma bắt tội.

Nhiều người trong làng hoang mang, đã lấy lí do đi xa lập nghiệp để tránh những cái chết kì quái đó. Nhưng đó chỉ là những giả thiết đưa ra, còn nguyên nhân về những cái chết bất ngờ đó vẫn đang còn là điều bí ẩn chưa ai có thể lí giải nỗi.
Những cái chết bí ẩn
Làng Vượng Lộc bây giờ, người dân trong làng thường gọi với cái tên mới là làng Vượng Suy. Bởi gần chục năm gần đây, số người chết nhiều đến nỗi họ phải khiếp sợ. Trước những cái chết bí ẩn đó, nhiều người cho rằng, làng đã bị “ma ám”, người thì cho rằng làng động vào long mạch…nên mới xảy ra tình trạng như vậy.
Được biết, làng Vượng Lộc nằm nép mình dưới dãy núi Hồng Lĩnh có hơn 100 nhân khẩu. Người dân làng ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Mười năm trở lại đây, không hiểu vì lí do gì mà nhiều người đang khỏe mạnh bỗng nhiên đỗ bệnh chết trong một thời gian rất ngắn.
Cái không khí tang thương đó vẫn đang còn lẫn lộn trong cuộc sống mưu sinh của người dân. Tiếp xúc với người dân, họ vẫn chưa hết bàng hoàng trước những cái chết bí ẩn đó. Từ những cái chết không thể kí giải đó, họ lại tin vào những lời đồn làng bị ma ám.
“Những năm gần đây, mỗi năm đều có 5, 6 người chết không rõ bị bệnh gì. Họ đều là những người đang sống khỏe mạnh tự nhiên đổ bệnh lạ rồi chết” , ông Mai Huy C, 60 tuổi (người trong làng) cho biết.
 Những ngôi nhà bị đập phá và bỏ hoang.
Những cái chết định mệnh đó chủ yếu là những người trung tuổi. Sự việc xảy ra khiến cho nhiều người độ tuổi từ 35 đến 50 hết sức lo sợ. Anh Trần Văn T. nước mắt dàn giụa kể về cái chết của mẹ mình: “Gia đình đang yên ấm, bỗng nhiên mẹ tôi chết một cách đột ngột. Hôm đó mẹ tôi đi làm đồng về, đang ngồi nghỉ ngoài thềm thì bỗng nhiên chân tay co giật, miệng sùi bọt mép. Thấy mẹ vậy tôi hốt hoảng đưa đi viện được nửa đường thì mẹ tôi mất. Nguyên nhân cái chết của mẹ tôi cũng không rõ, trước khi mất mẹ tôi không ốm đau, không mắc bệnh gì cả”.
Không chỉ mẹ anh T. chết một cách đột ngột như vậy, mà chồng bà Nguyễn Thị M. (48 tuổi) cũng chết một cách kì lạ. Ông Q., chồng bà M. mới hơn 50 tuổi, khỏe mạnh. Ông Q. không mấy khi phải làm việc nặng nhọc. Từ việc nhà cho đến việc đồng áng bà M. đều làm hết. “Chồng tôi đang khỏe mạnh bỗng nhiên ốm nặng. Ông ấy không chịu ăn uống gì cả. Gia đình tôi đưa đi hết các bệnh viện nhưng các bác sỹ không kết luận được bệnh gì. Nghe người trong xóm mách chồng tôi bị ma ám bảo tôi đi giải. Tôi đã tìm thầy cúng về giải tà nhưng vẫn không được. Chỉ một tháng sau chồng tôi mất”.
Trong làng xuất hiện nhiều cái chết đột ngột như vậy, nhiều gia đình đã cẩn thận đề phòng nhưng cũng không tránh khỏi. Bà Nguyễn Thị C. cho biết: “Thấy nhiều người đồn thổi trong làng có tà ma, tôi đã căn dặn những người thân trong gia đình đi đâu cũng phải cẩn thận. Dù đã đề phòng như vậy nhưng đứa con trai sắp cưới vợ của tôi tự nhiên gầy xọp hẳn đi mặc dù nó cũng ăn uống được. Đưa đi bệnh viện thì các bác sỹ nói không có bệnh gì. Tôi đã đưa con đi khăp nơi kể cả những bệnh viện trong Sài Gòn cho đến Hà Nội nhưng vô vọng. Sắp đến ngày cưới thì nó chết. Thật là kinh khủng” .
Người dân cho rằng, họ đã đụng đến vùng đất thiêng nên mới chết dần chết mòn như vậy. Đa số họ đều chết bất ngờ, tai nạn sông biết, chết vì giao thông, không chẩn đoán ra bệnh hoặc tự nhiên lăn đùng ra chết không kịp đi viện. “Người dân nơi đây hết sức hoang mang và lo sợ. Đây là một hiện tượng bất thường bởi trước đây vài ba năm, thậm chí cả chục năm trong làng mới có một người chết. Nhưng giờ đây thì chết liên tục, giờ ai cũng sợ, không dám ra ngoài vào ban đêm”, bà C. cho biết thêm.
Kể từ khi sự việc ấy xảy ra, người dân xung quanh không ai dám đến làng Vượng Lộc một mình vì sợ ma ám. Và nỗi ám ảnh đó cứ kéo dài thêm, cuộc sống của người dân hoàn toàn bị xáo trộn. Để tránh khỏi “lưỡi hái tử thần”, nhiều gia đình di dời chỗ ở mới. Anh Mai Huy D. (38 tuổi, người trong làng) cho hay: “Nếu không kịp thời chuyển đi thì điều tất nhiên sẽ đón nhận cái chết. Người nhiều tuổi thì đã đành, nhưng những đứa trẻ nếu đón nhận điều này thì sẽ là hiểm họa. Trong làng đã bắt đầu xuất hiện nhiều ngôi nhà vắng chủ, vườn tược bỏ hoang. Gia đình tôi cũng đang chuẩn bị chuyển đi chỗ khác”.
Những gia đình khá giả, nếu chuyển đi là chuyện đơn giản nhưng gia đình khó khăn thì chỉ biết chờ chết tại mảnh đất này. Anh Mai Huy M. (38 tuổi) phân trần: “Gia đình tôi chỉ biết ở lại đây. Bố mẹ tôi làm nông, tằn tiện, chắt góp cả đời mới xây dựng cho vợ chồng hai gian nhà gác tường, bây giờ bố mẹ đã già yếu, anh chị em cũng làm nông lấy tiền đâu mà giúp đỡ mua chỗ mới nữa. Vợ chồng trẻ mới ra ở riêng, làm ruộng, chăn nuôi cũng chẳng khấm khá gì. Nhưng ở đây, khi nào chúng tôi cũng nơm nớp lo sợ”.
 Trong làng xuất hiện nhiều cái chết khiến người dân hoang mang.
Theo người dân, từ xưa làng Vượng Lộc vẫn yên ổn, không có chuyện tai ương nào xảy ra. Nhưng từ năm 2003 đến nay, trong làng mới bắt đầu xuất hiện điều kỳ lạ này, nhiều trường hợp chết không rõ nguyên nhân. Nhiều người đã gọi là làng “Vượng suy”, chứ không còn là làng Vượng Lộc.
Bị ma làng quở phạt?
Nói về những cái chết bí ẩn và bất thường ở làng, nhiều người dân cho rằng do ma ám. Mỗi khi có tai ương, họ lại đi bói toán và các vị thầy mo đều phán rằng làng bị ma quở phạt. Từ đó, họ suy diễn ra những câu chuyện huyền bí đến rợn người. Những cái chết liên tục và những câu chuyện ma ám nhuốm màu tâm linh, khiến nhiều người hoang mang và lo sợ.
Người dân đã nhiều lần làm đơn đến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng, với mong muốn sớm tìm ra nguyên nhân, để bà con sớm yên tâm công tác lao động sản xuất. Chị Nguyễn Thị L, tâm sự: “Bất cứ ai đến làng chúng tôi đều không dám ở lâu vì sợ đón nhận cái chết. Họ cho rằng đã vào làng sẽ bị “ám”, nên làng chúng tôi đang bị người dân các nơi “kỳ thị”, xa lánh. Nếu như không sớm tìm cách “giải thoát” cho làng, thì làng này sẽ bỏ hoang, thành địa điểm “kinh dị” nhất của tỉnh chúng tôi”.
Một người cán bộ xã cho biết, “Trong làng có nhiều người chết không rõ nguyên nhân, người dân thấy lo nên mới đi xem và hỏi thầy bói. Thầy bói phán đất làng bị ma ám nếu còn ở lại làng thì trong thời gian tới sẽ có người nữa chết. Sau khi nghe lời phán thế người dân ai không hoảng sợ về bàn nhau đập nhà, bỏ làng". Hiện, cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc điều xem thầy bói nào đã phán như vậy khiến người dân hoảng sợ dẫn đến bỏ làng và sẽ có hình thức xử lý.
Nhiều người dân không mê tín, vững chân ở lại làng cho rằng, nguyên nhân chính là do xuất hiện hàng loạt mỏ đá; lò gạch... Những vụ nổ mìn của các mỏ đá đã làm “rung trời chuyển đất” khói, bụi bao trùm xuống ngôi làng, hậu họa vẫn là người dân hứng chịu.
Một nguyên nhân nữa là khi mìn nổ sẽ làm chấn động đến lòng đất, thần thổ địa đã nổi giận và trừng phạt. Anh Trần Văn An (40 tuổi) sống gần mỏ đá cho biết: “Năm nào cũng có người chết như thế, là do ô nhiễm không khí, con người phải sống trong môi trường độc hại. Không bao lâu nữa ngôi làng này sẽ trở thành ngôi làng hoang”.
Theo một số cụ cao niên trong làng, làng nằm ở vị trí “long mạch”, phía trên là dãy nũi Hồng Lĩnh sừng sững, được xem là biểu tượng “hồn thiêng sông núi”, có một ngọn núi hình đầu rồng “chầu” xuống làng. Bởi thế, khi con người chuyển đến đây sinh sống đã xâm phạm đến lãnh thổ vùng “đất thiêng, do vậy nên bị thần linh quở phạt.
Mong sớm tìm ra nguyên nhân
Ông Võ Khánh, xóm trưởng làng Vượng Lộc cho biết, “Mười năm trở lại đây,làng Vượng Lộc có hiện tượng từ người già cho đến người trẻ đang khỏe mạnh bổng dưng đổ bệnh rồi chết. Có nhiều giả thuyết cho rằng các trường hợp chết đó là do “ma ám” nhưng đó là phỏng đoán mà thôi. UBND xã đã đến giả thích, vận động bà con yên tâm sinh sống không nên nghe những kẻ xấu tuyên truyền. Chúng tôi đang kiến nghị lên các cơ quan khoa học vào cuộc tìm ra nguyên nhân, để bà con yên tâm lao động và sản xuất.
Theo Đời sống & Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)