Luật sẽ không can thiệp việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới, song sẽ có quy định về chung sống như vợ chồng của những người khác giới.
Bỏ quy định cấm kết hôn đồng giới?
Dự thảo Nghị định mới nhất của Bộ Tư pháp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình… vừa bỏ quy định phạt người kết hôn đồng giới vì không khả thi. Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000, việc cấm hay cho phép kết hôn đồng giới vẫn đang gây tranh cãi.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cần nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với nhóm yếu thế này. Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được bãi bỏ.
|
Diễu hành ủng hộ cộng đồng người đồng tính song tính hoặc chuyển giới tại Hà Nội.
|
Tuy nhiên, việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, Luật cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người này.
Mạnh dạn hơn, viện Nghiên cứu thanh niên (đại diện Trung ương Đoàn TNCSHCM) đề xuất: “Cần thừa nhận hôn nhân đồng tính đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội”
Trái lại, ý kiến của UBND TP Hà Nội, Hải Phòng cho rằng quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với xã hội, đây cũng là một trong những vấn đề nhạy cảm, liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cầntiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.
Ngoài ra, đại diện các TAND cấp tỉnh lại ý kiến cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện về loại quan hệ này, cũng như cần có đánh giá về mặt tác động xã hội. Sau đó cân nhắc, xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan về việc nên hay không nên đưa vấn đề này điều chỉnh trong Luật HNGĐ.
Qua việc tổng hợp ý kiến, Bộ Tư pháp đã đưa ra ba phương án để sửa đổi. Ngoài hai phương án chấp nhận, hoặc cấm hôn nhân đồng giới, Bộ Tư pháp còn đề xuất phương án trung dung. Theo đó, luật sẽ không can thiệp vào việc sống chung như vợ chồng giữa những người cùng giới tính.
Tuy nhiên, luật sẽ quy định về quyền và nghĩa vụ giữa các bên cùng giới tính trong quan hệ chung sống như vợ chồng theo giải pháp quy định về việc chung sống như vợ chồng giữa những người khác giới.
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, chỉ có hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép kết hôn giữa hai người cùng giới tính. Riêng ở châu Á, chưa có nước nào thừa nhận hôn nhân đồng giới. Do đó, hướng đi phù hợp của pháp luật Việt Nam là không cấm và không can thiệp hành chính vào quan hệ chung sống của những người cùng giới tính, đồng thời có quy định về việc giải quyết về hậu quả pháp lý phát sinh từ việc chung sống này.
“Cấm” là kỳ thị
Theo tổng kết của Bộ Tư pháp, pháp luật Việt Nam nói chung và Luật HNGĐ nói riêng chưa có quy định rõ ràng về bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính, hoặc chuyển giới (LGBT). Mặt khác, khoản 5 Điều 10 Luật HNGĐ quy định cấm việc kết hôn giữa những người cùng giới tính.
Theo đó, việc sử dụng quy phạm “cấm” kết hôn đồng tính dễ tạo ra hiệu ứng định kiến xã hội đối với người đồng tính. Trên thực tế, một số cơ quan thi hành pháp luật ở một số địa phương và một bộ phận xã hội đã lấy quy định tại khoản 5 Điều 10 để giải thích cho những ứng xử có tính chất kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến LGBT nói chung, người đồng tính nói riêng trong hôn nhân và gia đình.
Qua tổng kết thi hành nhiều ý kiến cho rằng, cần nhìn nhận đồng tính là một xu hướng tính dục tự nhiên, việc thừa nhận cũng là tự nhiên, không nên ngăn cấm.
Theo quan điểm của Bộ Y tế, thực tế này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu một cách nghiêm túc và bài bản về quyền của LGBT trong hôn nhân và gia đình nói chung, quyền kết hôn của người đồng tính nói riêng. Cơ quan chức năng phải đảm bảo tính nhân bản, công bằng và bình đẳng trong công nhận, thực hiện và bảo vệ quyền con người về hôn nhân và gia đình.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE), việc kỳ thị với người đồng tính còn phổ biến, đặc biệt là qua lời nói với 95% người đồng tính nam được hỏi đã từng nghe người khác nói người đồng tính là không bình thường. Bên cạnh đó, khi bị phát hiện, 20% người đồng tính mất bạn, 15% bị gia đình chửi mắng hoặc đánh đập.
Nghiêm trọng hơn, 4,5% người đồng tính đã từng bị tấn công, 1,5% bị đuổi học, 4,1% đã từng bị đuổi ra khỏi chỗ ở và 6,5% bị mất việc.