Đây được xem là nội dung được quan tâm nhất trong dự án luật Đại tướng Phùng Quang Thanh trình Quốc hội trong chiều qua 3/11.
Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích: "Nếu thực hiện thời hạn phục vụ tại ngũ 18 tháng như hiện nay thì chỉ đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội, không đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu ở cấp cao hơn vì không đủ thời gian để tổ chức huấn luyện, hợp luyện cho bộ đội. Do vậy, chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới".
|
Tân binh Nguyễn Danh Chuẩn (Đà Lạt) tự nguyện xin nhập ngũ. |
Mặt khác, trong thời gian phục vụ tại ngũ hạ sĩ quan, binh sĩ được huấn luyện cơ bản, có kỹ năng, có bản lĩnh chính trị, kỷ luật tốt, được rèn luyện sức khỏe, thể lực tốt; khi xuất ngũ được phục vụ trong ngạch dự bị chất lượng quân nhân dự bị được nâng cao; nếu có tình huống cần thiết phải huy động vào lực lượng thường trực sẽ tham gia tác chiến được ngay, không phải qua huấn luyện; hằng năm không phải tập trung huấn luyện bổ sung, giảm được ngân sách đảm bảo.
Ngoài ra, quân đội còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng khác do Đảng và Nhà nước giao: Cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công tác dân vận..., đã chiếm một phần đáng kể thời gian ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu".
Ông cho biết thêm: Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ theo quy định của Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành không đảm bảo tính thống nhất; hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân phải phục vụ hai bốn tháng, hạ sĩ quan và binh sĩ khác chỉ phục vụ mười tám tháng đã tạo ra sự không công bằng giữa hai đối tượng, ảnh hưởng đến tư tưởng của hạ sĩ quan và binh sĩ, nhất là đối với đối tượng phục vụ tại ngũ hai bốn tháng.
Hơn nữa, Luật hiện hành quy định hai thời hạn phục vụ tại ngũ khác nhau (mười tám tháng và hai bốn tháng), hằng năm phải tổ chức tuyển quân, xuất ngũ hai đợt ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ khác của quân đội, địa phương gây tốn kém về vật chất và thời gian.
Vì vậy, để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới; đồng thời nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là hai bốn tháng.