Cô gái Hmong tên là Lý Thị Minh, không nói sõi tiếng Việt nhưng cô không thể nào quên được ký ức đau buồn 4 năm làm dâu xứ người, kể từ cái ngày định mệnh tháng 4 năm 2011, lúc đó em mới 14 tuổi.
|
Cô dâu Việt 14 tuổi và người chồng Trung Quốc. (ảnh: VOA). |
Ngày trở về của cô dâu Việt bị bán sang Trung Quốc sau 4 năm đau đớn là một sự chạy trốn và may mắn khi cô có thể đặt chân trở lại quê nhà trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa không rõ tung tích nơi nào. Trong tâm trí em không thể nguôi ngoai được nỗi sợ hãi, lo lắng, và những chấn động tâm lý khi cố gắng thoát khỏi người chồng Trung Quốc trở về Việt Nam.
Minh bị ép gả cho người đàn ông Trung Quốc 50 tuổi, sống ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Sơn Tây và ít học. Bi kịch bắt đầu từ đấy khi 2 người bất đồng ngôn ngữ, khác biệt về văn hóa, không có tình cảm và khoảng cách tuổi tác quá lớn… khiến cô trở thành người hứng chịu sự cay nghiệt, chửi rủa và sống như nô lệ ở nhà chồng.
Nhưng sau 4 năm bị bán sang Trung Quốc, Minh giờ đây là một bà mẹ trẻ đã bỏ lại đứa con thơ chưa dứt sữa để chạy trốn khỏi người chồng Trung Quốc.
Cô dâu 14 tuổi
Chuyện xảy ra ngày 28/4 /2011, trong buổi đi chơi, Minh bị 3 thanh niên lừa và chở đến một địa điểm để bán sang biên giới.
Sau khi bị đưa sang biên giới, cô bị một “tú bà” ép phải chọn 1 trong 3 người đàn ông trong ảnh nếu không bị dọa đưa vào nhà chứa. Không thể chống cự, cuối cùng Minh phải nhận lời làm vợ một người trong ảnh tên là Pay Long Phe, lớn hơn cô vài chục tuổi. Ông Pay đã trả 9.400 USD để lấy Minh về làm vợ.
Ông Pay là một thợ xây ở vùng nông thôn nghèo, hẻo lánh thuộc tỉnh Sơn Tây có đa phần dân cư là thành phần lao động chân tay, làm thuê làm mướn kiếm sống qua ngày.
Theo báo chí Trung Quốc, những người đàn ông luống tuổi ở vùng quê nghèo ở Trung Quốc thường muốn lấy vợ Việt Nam vì: “nghe nói vợ Việt Nam hiền chăm làm”.
Nhưng số tiền như ông Pay trả được cho là khá lớn để cưới vợ. Tuy nhiên, để lấy vợ bản xứ thì những người đàn ông Trung Quốc ở nhà quê không đủ tiền.
Kế hoạch trốn về
Trở về Việt Nam khi 18 tuổi, Minh vẫn hàng ngày nhớ đứa con thơ bị bỏ lại tại nhà người chồng Trung Quốc. Nhưng cô không muốn trở lại ngôi nhà kinh hoàng đó khi cô phải sống với 8 người trong gia đình chồng. Cô phải làm lụng vất vả mà không được giữ tiền, điện thoại cô cũng không được dùng.
Ở tuổi 14, Minh đã phải chịu đựng biết bao tủi khổ trong cuộc hôn nhân cưỡng ép hơn 4 năm trời mà không một lần dám bỏ trốn vì cô được nghe kể có một trường hợp tương tự sau 2 lần vượt thoát bất thành bị bắt lại, bị đánh đập rất dã man.
Mãi đến tháng 3/2014, lần đầu tiên Minh nhờ được một phụ nữ Việt giúp thông tin với cha mẹ ruột ở Việt Nam. Từ ngày nối liên lạc được với gia đình, Minh nung nấu quyết tâm trở về.
Biết ý muốn của ông Pay bỏ tiền mua vợ chủ yếu kiếm một đứa con, Minh nghĩ chỉ có cách sinh con mới có thể được gia đình chồng tin yêu và có thể thuyết phục họ cho cô về Việt Nam thăm gia đình. Vì vậy, Minh đã cố gắng sinh cho ông Pay một đứa con.
Kế hoạch của cô diễn ra suôn sẻ khi ông Pay cho phép cô lần đầu tiên sau hơn 4 năm ở với ông được về thăm cha mẹ hôm 22/7/2015. Bước chân qua biên giới Việt Nam, Minh đã quyết định không bao giờ trở lại Trung Quốc nữa. Ngay hôm sau, cô đã gọi điện báo cho ông Pay thông báo như vậy.
Minh nói dứt áo ra đi khi con thơ hãy còn khát sữa là một quyết định hết sức đau lòng: “Tôi có nhớ tới đứa con của tôi, nhưng nghĩ lại thấy họ mua bán tôi như một món đồ chơi và một thứ vật nuôi, tôi thấy rất buồn. Tôi quyết định không về nữa.”
Tố cáo nạn buôn người
Vừa về được Việt Nam, Minh đã lập tức trình báo công an huyện Bảo Lâm và gửi đơn tố cáo lên công an tỉnh Cao Bằng về vụ bắt cóc phụ nữ-trẻ em bán sang Trung Quốc.
Theo AFP, Bộ Công an Việt Nam đã phối hợp với công an Trung Quốc tấn công tội phạm buôn người từ Việt Nam sang Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình giáo dục cho người dân ở vùng nông thôn và vùng biên giới, cũng như giáo dục nhận thức cho các cô gái trẻ ở các vùng này về việc phải cảnh giác với người lạ mặt.
AFP nhận định rằng trong năm 2014, số lượng các vụ buôn bán phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, những nhóm hoạt động chống buôn người ở Việt Nam cho biết rất khó để cảnh báo các cô gái về nguy cơ bị bán sang Trung Quốc khi người lừa họ là người thân trong gia đình hay bạn bè.
Bởi vậy cần có những hình phạt nghiêm khắc hơn cho những kẻ buôn người, như tiến hành khởi tố từ cấp địa phương để nâng cao nhận thức cũng như răn đe và ngăn chặn những hành động tương tự tiếp tục xảy ra.