1. Bầm tím hai tay
Đón con về từ Trường tiểu học Tân Trụ (Tân Bình, TP.HCM), chị S. phát hiện hai cánh tay con bầm tím và sưng đỏ. Gặng hỏi thì bé A. trả lời bị cô chủ nhiệm đánh vào tay và lưng do không làm được toán. Bé cũng kể cách đó mấy ngày bị cô giáo đánh vào mu bàn tay thâm tím. Người mẹ giật mình vì cứ nghĩ con chơi với bạn rồi va vào đâu đó. Đưa con đến bênh viện, bác sĩ cho biết bé bị đa chấn thương phần mềm ở tay và lưng.
Chỉ có người trong ngành mới hiểu “hậu trường” của nghề dạy học: có những phút thăng hoa và có cả những phút “không hiểu nổi mình”.
Chị S. nhớ lại cách đây hơn một tháng chị cho con nghỉ học thêm ở nhà cô chủ nhiệm vì không có thời gian đưa đón con, phải chăng cô giáo bực bội về chuyện này đã trút giận dữ lên bé? Chị đau đáu với câu hỏi: “Một học sinh lớp 4 không làm được toán thì thầy cô vẫn còn phương pháp nghiệp vụ giảng dạy để cháu hiểu bài hơn, sao lại dùng cách đánh cháu, làm cho cháu không còn muốn đi học nữa?”.
|
Bé A. bị bầm tím hai bên tay. Ảnh: Gia đình cung cấp.
|
Sáng 19/12, ông Hoàng Xuân Nam, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Trụ, thừa nhận: “Có sự việc giáo viên dùng tay và thước kẻ đánh lên tay học sinh A.. Ngay sau khi được phản ảnh, cô Q., giáo viên chủ nhiệm lớp 4/2, đã bị đình chỉ giảng dạy, chuyển thành giáo viên dự khuyết, giáo viên khác được điều về dạy thay thế để đảm bảo hoạt động ôn tập, thi cử của lớp. Nhà trường đã họp hội đồng kỷ luật để xử lý vụ việc và chuyển hồ sơ cho phòng giáo dục”.
Ông Nam cho biết thêm: “Cô Q. là giáo viên giảng dạy hơn 10 năm nay, đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện này. Cô còn trẻ, yêu nghề, quan hệ đồng nghiệp tốt, hơi nóng tính. Ở lớp học đông học trò, người giáo viên phải xoay xở với cùng lúc mấy chục em, mỗi em một tính cách, tâm lý khác nhau, nhiều khi giáo viên nóng giận khi xử lý tình huống để xảy ra chuyện không hay. Dù rất nhiều phụ huynh trong lớp kiến nghị xin giữ cô Q. ở lại dạy lớp, nhà trường vẫn rất nghiêm khắc, không bao che và sẽ xử lý đến nơi đến chốn để răn đe đội ngũ”.
Trong bản kiểm điểm và tường trình về sự việc, cô Q. viết: “Việc tôi xử lý một phần xuất phát từ sự nóng giận nhất thời, thiếu kiên nhẫn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là điều sai sót không thể chấp nhận được. Việc làm đó vi phạm điều lệ trường tiểu học, vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh”.
Buổi học hôm ấy, hướng dẫn đi hướng dẫn lại nhiều lần mà bé A. vẫn không chia được phép toán (dù trước đó một tuần bé đã được cô kèm cặp riêng và nhiều lần báo với phụ huynh giúp đỡ bé thêm vì sức học hơi chậm), cô Q. đã nổi nóng và đánh vào tay trò thâm tím. Ban đầu đánh bằng tay, một lúc sau quay lại thấy trò vẫn chưa xong bài, cô đã sử dụng cây thước kẻ có quấn băng keo để đánh trò... Phút nóng giận ấy đã trôi qua không lấy lại được, như một vết đen trong lòng trò, trong lòng phụ huynh và cả nỗi buồn của ban giám hiệu khi chỉ có người trong ngành mới hiểu “hậu trường” của nghề dạy học: có những phút thăng hoa và có cả những phút “không hiểu nổi mình”. Sốt ruột vì học trò, mong cho trò nhanh hiểu bài để theo kịp cả lớp khi kỳ thi đang trước mặt, đôi khi người giáo viên không giữ được trạng thái cân bằng và vội vã dùng vũ lực để mong thay đổi tình hình.
2. Bắt ngậm khăn lau bảng
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo cho biết mình tốt nghiệp trường sư phạm từ năm 2003 ở Đồng Tháp nhưng vì nhiều lý do cô không được đi dạy. Năm năm sau (năm 2008), cô mới được nhận vào Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, huyện Củ Chi, TP.HCM để dạy môn mỹ thuật. Mới đây, khi một giáo viên của trường này chuyển công tác, cô mới được giao làm giáo viên chủ nhiệm lớp 2. Sự việc đáng tiếc xảy ra sau khi cô giáo nhận nhiệm vụ mới được hai tuần: “Bữa đó là tiết học “Luyện từ và câu”. Lớp học có 40 em. Cứ mỗi lần tôi quay lên viết bài trên bảng là học sinh phía dưới nói chuyện rất ồn ào. Lớp học ở kế bên văn phòng nhà trường, tôi lo rằng mọi người sẽ nói cô dạy làm sao mà để học trò ồn quá. Tôi đã nhắc nhở, cũng có dọa nếu vẫn cứ nói chuyện thì sẽ bị quẹt giẻ lau bảng vào miệng. Nhưng sự việc vẫn cứ tiếp tục tái diễn”. Bức xúc quá, cô giáo đã yêu cầu lớp trưởng đưa khăn lau bảng cho những học sinh nói chuyện phải ngậm. Từ em này chuyền qua em kia, tổng cộng có 11 học sinh phải ngậm khăn lau bảng.
Ông Nguyễn Mạnh Thường, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Liên Minh Công Nông, cho biết: Sau khi sự việc xảy ra, phụ huynh có gặp ban giám hiệu trường phản ứng rất dữ. Chúng tôi có yêu cầu cô giáo đến tận nhà học sinh để xin lỗi. Tuy nhiên, cô không gặp được phụ huynh nên ban giám hiệu trường đã tổ chức buổi gặp gỡ làm việc với tất cả phụ huynh của lớp. Có 25/40 phụ huynh tham dự cuộc họp này và trước sự ăn năn, thành khẩn nhận lỗi của cô giáo, họ đã đồng ý bỏ qua và thông cảm cho cô”.
Tuy nhiên ông Lê Hùng Sen, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, khẳng định: “Phòng GD-ĐT phát hiện sự việc trên từ một lá đơn của phụ huynh. Chúng tôi đã kiểm tra và xử lý theo đúng quy định của ngành GD-ĐT. Đây là sai phạm nghiêm trọng, quan điểm của Phòng GD-ĐT là xử lý tới nơi tới chốn, không bao che. Hiện hồ sơ đã được Phòng GD-ĐT chuyển qua UBND huyện để có kết luận cuối cùng”. Về khía cạnh giáo viên mới đứng lớp chủ nhiệm được hai tuần, chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý tình huống cũng như mang nặng áp lực tâm lý vì lớp học ở gần văn phòng nhà trường, ông Sen cho rằng: “Giáo viên còn trẻ, mới đứng lớp thì có thể chuyên môn chưa giỏi, dạy chưa hay. Nhưng phạt học sinh như vậy là quá bậy, không thể chấp nhận được”.
Trong bản kiểm điểm gửi Phòng GD-ĐT và ban giám hiệu nhà trường, cô giáo đã thừa nhận: “Tôi đã nhận ra việc làm đó là sai, một hành vi xúc phạm nhân phẩm học sinh, trong lúc nóng giận quá tôi không kiềm chế được bản thân mình. Bản thân tôi mới nhận lớp, chưa có kinh nghiệm quản lý lớp tốt... Tôi vô cùng ân hận về việc làm thiếu suy nghĩ của mình”. Tâm sự với chúng tôi, cô cho biết sau “sự kiện” đó, cô đã thay đổi phương pháp giảng dạy của mình: “Tôi cho các em thảo luận, bàn về bài học của mình nhiều hơn để các em bớt nói chuyện riêng. Thay vì phạt, tôi đã cho các em thi đua theo tổ. Cuối tuần, đến tiết sinh hoạt chủ nhiệm, tổ nào ít nói chuyện sẽ được nhận quà”. Trả lời câu hỏi: “Thế tình hình nói chuyện của học sinh có giảm đi không?”, cô cười: “Tình hình giảm hẳn đi. Mặc dù vẫn còn có em nói chuyện riêng nhưng rất ít”.
Vết bầm rồi sẽ tan đi...
Những ngày này, tâm trạng của cô giáo Q. như rơi xuống hố sâu không lối thoát. Dù cô đã gửi lời xin lỗi đến phụ huynh, đã tự nhận hình thức kỷ luật, đã phải chia tay lớp học mà mình đang chủ nhiệm, chia tay những học trò thân yêu. Và dù vết bầm trên cánh tay trò rồi sẽ tan đi, nỗi giận của phụ huynh sẽ nguôi ngoai, thì những ám ảnh và nỗi sợ đến trường, sợ bị cô đánh, sợ bị các bạn lánh xa trong tâm hồn non nớt của cô học trò lớp 4 vẫn còn đó, như một lời nhắc những người trót chọn nghề dạy học phải luôn nhớ kìm nén cơn giận dữ của mình khi đứng trước đàn em nhỏ còn ngơ ngác, hồn nhiên...