Nội dung chất vấn Thủ tướng chủ yếu tập trung vào những vấn đề “nóng” như tham nhũng, lãng phí, chủ quyền biển đảo, hàng giả hàng nhái, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)…
Chủ quyền biển đảo hay ODA của Trung Quốc?
Đây là vấn đề mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa, TP.HCM, đã gửi câu hỏi đến Thủ tướng.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội. |
Đại biểu Nghĩa đặt vấn đề: Nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực và đe dọa chủ quyền về kinh tế của chúng ta. Ở nhiều quốc gia lân cận và trên thế giới thì Trung Quốc nổi tiếng về việc mang đồng tiền đi trước để chi phối về chính trị.
“Cử tri đề nghị không vay tiền và không nhận viện trợ từ Trung Quốc ít nhất là trong thời điểm này bởi vì Trung Quốc đang tranh chấp và thậm chí đang chiếm lãnh thổ của Việt Nam và đe dọa sẽ tiếp tục chiếm nhiều hơn. Nhận viện trợ vay ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không, nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ bỏ phiếu không đồng ý nhận viện trợ và vay từ Trung Quốc và cũng còn nhiều nguồn khác để vay tiền”, đại biểu Nghĩa đặt vấn đề.
Một vấn đề nữa cũng được đại biểu Nghĩa đặt ra, đó là tham nhũng. Tham nhũng không giảm như các Nghị quyết đã ra, ngày càng tinh vi.
“Có hiện tượng chi phối chính sách luật pháp và khi đó người tham nhũng sẽ xử lý người chống tham nhũng chứ không phải là ngược lại, cử tri hết sức lo lắng rất mong Thủ tướng giải thích cho cử tri thêm về việc này và cho biết những cam kết về giải pháp của Chính phủ và cử tri rất cần những lời cam kết có thể kiểm chứng và xử lý được trách nhiệm về sau?”, đại biểu Nghĩa chất vấn.
Cùng nỗi lo về chủ quyền, biển Đông, đại biểu Quốc hội Lê Nam, đoàn Thanh Hóa cũng gửi đến Thủ tướng câu hỏi về việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông, Chính phủ sẽ có những chủ trương, giải pháp nào? “Đặc biệt, Thủ tướng cho biết việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đối với ngư dân, cảnh sát biển và kiểm ngư?”, đại biểu chất vấn.
Cùng với chủ đề tham nhũng là vấn nạn lãng phí. Đây cũng là câu hỏi mà đại biểu Quốc hội Bùi Thị An, đoàn TP. Hà Nội gửi chất vấn đến Thủ tướng.
“Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp cụ thể và hữu hiệu nào để cho chúng ta thực hiện việc chống lãng phí? Tôi cho rằng đây là loại kẻ thù rất khó tiêu diệt, nếu không tiêu diệt sẽ làm cho nước ta đã nghèo lại nghèo thêm, đã nợ lại nợ thêm và khó khăn lại khó khăn thêm. Xin Thủ tướng cho biết năm 2016 Thủ tướng dự kiến chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ trong vấn đề chống lãng phí?”, đại biểu An chất vấn.
Đại biểu An cũng mong muốn Thủ tướng sẽ đánh giá thứ tự việc thực hiện kỷ cương phép nước của các địa phương, các bộ, ngành được không?
“Bởi vì tôi thấy có hiện trạng Thủ tướng nói là xây dựng đúng quy hoạch thì vẫn không đúng quy hoạch, nhà có khi mọc ở giữa rừng. Thủ tướng bảo xây ít tầng thì họ xây cao tầng. Thủ tướng bảo xây ít diện tích thì họ xây nhiều diện tích. Thủ tướng bảo họ không khai thác cát thì họ vẫn trở cát đi bán v.v... Tôi cho rằng đấy là vấn đề rất nghiêm trọng trong việc thực thi phép nước”, đại biểu An lo lắng.
Đại biểu An cũng đề nghị Thủ tướng cho biết bao giờ Chính phủ có phương án hỗ trợ một cách dứt điểm cho đồng bào tái định cư của vùng thủy điện Hòa Bình.
Vấn nạn hàng giả, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo, đoàn Vĩnh Phúc có một câu hỏi cho Thủ tướng về việc sớm ra được Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ, có kế hoạch của Chính phủ để phát triểm hỗ trợ cho doanh nghiệp trong 5 năm tới 2016 - 2020.
“Luật doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần thiết ra sớm trong giai đoạn tới để phục vụ hội nhập kinh tế-xã hội”, đại biểu Bảo nhận định.
Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, đoàn Quảng Trị, gửi đến Thủ tướng một câu hỏi về giải pháp nào, đột phá nào để xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển?
Theo đại biểu Tiến, chính phủ kiến tạo là Chính phủ tạo cơ hội cho mọi thành viên trong xã hội thay vì Chính phủ quản trị toàn diện, nhà nước kế hoạch hóa. Nhà nước chỉ làm những gì người dân và xã hội không làm được.
“Đây cũng thể hiện chủ trương xã hội hóa phát huy nguồn lực to lớn của toàn xã hội để nước ta sớm có một Chính phủ tinh gọn nhất. Trong một xã hội dân sự rộng lớn nhất, như mô hình đầy hiệu quả của Singapore và các nước Bắc Âu mà triết lý của họ chính phủ quản lý tốt nhất là chính phủ ít phải quản lý nhất”, đại biểu Tiến bình luận.
Về vấn nạn hàng giả, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền, đoàn Thái Bình cũng đặt câu hỏi cho Thủ tướng về giải pháp cơ bản, đột phá, quan điểm của tôi là nêu một giải pháp cơ bản đột phá nào để làm chuyển biến tình hình các lĩnh vực trên trong thời gian tới?
Cùng vấn nạn hàng giả, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Phương Khanh, đoàn Long An, cũng nêu những bất cập và là cơ hội cho phân bón giả, phân bón kém chất lượng tồn tại tràn lan trên thị trường, đó là do trong quản lý phân bón hiện nay đang chia cho 2 bộ quản lý. Bộ công thương quản lý phân bón vô cơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và phân bón khác.
“Vậy, xin hỏi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến gì về vấn đề này và Chính phủ có giải pháp gì để đẩy lùi được vấn nạn trên?”, đại biểu Khanh chất vấn.
Đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh, đoàn Bắc Kạn chất vấn Thủ tướng về việc đến khi nào Thủ tướng mới ban hành cơ chế đặc thù, xây dựng nông thôn mới cho các vùng khó khăn như đã trả lời chất vấn đại biểu tại kỳ họp thứ 9?
Đại biểu còn hỏi về vấn đề đối với các hộ không nằm trong danh sách báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhưng có trong danh sách đã phê duyệt năm 2013 đã xây mới, sửa chữa nhà ở có được hoàn kinh phí hỗ trợ nhà ở không?
“Đến khi nào các đối tượng người có công cần hỗ trợ. Trong đề án được cấp kinh phí thực hiện như thế nào?”, đại biểu Thanh chất vấn.