Thưa ông, kể từ khi Philippines đâm đơn kiện Trung Quốc về yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông, Bắc Kinh luôn chối bỏ, lẩn tránh vụ kiện biển Đông. Có thể nói gì về động thái này của nước lớn Trung Hoa?
- Khi Philippines khởi kiện Trung Quốc từ năm 2013 lên Toà Trọng tài ở La Hay - được thành lập theo phụ lục 7 Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Trung Quốc thường xuyên đưa ra phản bác không theo vụ kiện này. Trung Quốc cho rằng Toà này không đủ thẩm quyền để ra phán quyết. Trung Quốc cũng cho rằng phán quyết không liên quan đến Trung Quốc và không có giá trị pháp lý.
|
Thiếu tướng Lê Văn Cương. Ảnh: T.L |
Vấn đề cộng đồng quốc tế quan tâm là tại sao Trung Quốc là một nước lớn, là một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà lại không tham gia vụ kiện, không tôn trọng luật pháp quốc tế.
"Tôi cho rằng, chính quyền mới của tân Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dù có mềm mỏng hơn với Trung Quốc nhưng cũng sẽ không lật ngược tình thế của vụ kiện do người tiền nhiệm Aquino khởi xướng. Chính quyền mới sẽ mở rộng cánh cửa hợp tác với Trung Quốc hơn, nhưng không ai dám mạo hiểm với lợi ích quốc gia của họ”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Trung Quốc lập luận rằng, “Bắc Kinh có chủ quyền hợp pháp trên Biển Đông theo phân định của đường lưỡi bò”, nhưng sự thực điều đó hoàn toàn không đúng... Cái mà Trung Quốc gọi là lãnh thổ quốc gia không tham chiếu vào hệ thống hiện hành quốc tế, Trung Quốc không có pháp lý về hai hòn đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vì họ không có cơ sở pháp lý nên họ rất sợ Toà Trọng tài quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế. Vì khi ra toà án Trung Quốc càng bộc lộ hành động vi phạm pháp luật của họ.
Những nội dung đáng chú ý mà Philippines kiện Trung Quốc và sẽ được tòa phán quyết hôm nay?
- Hồ sơ 4.000 trang của Philippines không yêu cầu Toà Trọng tài phán quyết chủ quyền. Philippines yêu cầu Tòa phán quyết tính pháp lý về yêu sách của Trung Quốc về “Đường lưỡi bò; quy chế pháp lý của 9 cấu trúc trên biển; về một số hành vi vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Philippines yêu cầu Toà xác định quyền năng của các địa vật trên Biển Đông, những cấu trúc đó thuộc loại gì, là bãi cạn lúc nổi lúc chìm hay là đảo. Yêu cầu toà đưa ra phán quyết ở Trường Sa 100 địa vật này chỉ là đá, và nửa chìm nửa nổi, có nghĩa rằng không có quốc gia nào được thiết lập quyền 200 hải lý.
Philippines đưa ra một câu hỏi rất cụ thể là Vành Khăn và Cỏ Mây có thuộc thềm lục địa của nước này không. Nước này cũng yêu cầu Toà ra phán quyết rằng yêu sách “đường lưỡi bò” không có cơ sở nào xác định điều này cả. Philippines còn yêu cầu Toà ra phán quyết chính những những hoạt động cải tạo của Trung Quốc biến đá chìm thành đảo nổi làm biến dạng san hô, đe doạ, huỷ hoại môi trường.
Có thể nói, Philippines lảng tránh, không đụng đến chủ quyền, nhưng những yêu cầu của họ nằm trong quyền năng giới hạn, cho phép Toà đưa ra phán quyết.
Trong trường hợp Tòa Trọng tài ra phán quyết có lợi cho Philippines, liệu phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào và tác động đến khu vực ra sao, thưa ông?
- Khả năng về mặt ngoại giao là Trung Quốc sẽ kịch liệt bác bỏ, thậm chí tiếp tục mở rộng chiến dịch lôi kéo ngoại giao để nhiều nước lên tiếng bác bỏ cùng. Thứ hai, Trung Quốc sẽ tiếp tục quân sự hóa Biển Đông, như đưa máy bay ném bom chiến lược, lắp thêm hệ thống tên lửa, hệ thống radar ở Biển Đông.
Thứ ba, khả năng xấu nhất, Trung Quốc sẽ đơn phương lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nhân việc này, Trung Quốc sẽ khẳng định chủ quyền phi lý của họ trên Biển Đông.
Cho dù Trung Quốc phản ứng theo kịch bản nào thì Biển Đông trong thời gian tới cũng trở nên vô cùng căng thẳng.
Một phán quyết khách quan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam?
- Nếu Tòa Trọng tài ra phán quyết nghiêng về có lợi cho Philippines sẽ có phần có lợi cho Việt Nam. Mức độ có lợi đến đâu phải tùy thuộc vào lý lẽ trong phán quyết. Ví dụ: Nếu Tòa phân định những địa vật Philippines nêu chỉ là đá, và nửa chìm nửa nổi, có nghĩa rằng không có quốc gia nào được thiết lập quyền 200 hải lý. Điều này cũng có nghĩa ngư dân Việt Nam yên tâm đánh cá ở những khu vực đó mà không có quốc gia nào có quyền quấy phá, ngăn cản, gây xung đột. Khi xác định các cấu trúc địa vật đó là đá nửa chìm nửa nổi thì vấn đề chồng lấn sẽ nhỏ đi và tranh chấp sẽ thu hẹp lại.
Xin cảm ơn ông!
Mời quý độc giả xem video về Trường Sa (nguồn VTC):