Hố tử thần ở Hòa Bình do đứt gãy Sông Đà

Google News

(Kiến Thức) - Đó là kết luận sơ bộ của Sở KH&CN Hòa Bình và Viện Địa chất sau thời gian truy tìm nguyên nhân sự cố sụt đất kỳ lạ tại làng Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn.

Làng Khi nằm trọn trong đới đứt gãy 
Ngay sau vụ sụt đất bất thường xảy ra ngày 12/2 tại làng Khi, xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn, UBND tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với Viện Địa chất tiến hành kiểm tra truy tìm nguyên nhân sự cố. Sau gần một tháng kiểm tra, ngày 23/3 Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình đã đưa ra đánh giá sơ bộ nguyên nhân vụ việc.
Theo Báo cáo Kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến sự cố sụt đất là do thung lũng này này nằm hoàn toàn trong vùng ảnh hưởng của các đứt gãy bậc cao thuộc đới đứt gãy Sông Đà. Việc hình thành thung lũng xóm Khi với chiều dầy tầng đất đá bở rời lên đến trên 60m và có nhiều đứt gãy cắt qua cho phép khẳng định, đây là một bồn sụt lún tương đối mạnh trong Đệ Tứ (có nghĩa là hoạt động tạo ra vùng trũng xảy ra mạnh mẽ). 
Thêm vào đó, ở vị trí xóm Khi trong một vùng nhỏ đã phát hiện được đến 4 đứt gãy kích thước nhỏ chạy qua. Điều này nói lên rằng, hoạt động tạo ra vùng trũng của  đới đứt gãy Sông Đà tại đoạn này đã băm nát các lớp đất đá gần bề mặt. Với bức tranh cấu trúc như vậy có thể nói, bồn Đệ Tứ ở đây là kiến trúc xung yếu, các thành tạo bở rời lấp trong bồn nằm trong trạng thái không ổn định.
Kết quả khảo sát bằng phương pháp thăm dò điện cũng cho thấy, trong khu vực xóm Khi, các vùng có điện trở suất thấp liên quan đến khả năng chứa nước. Có thể thấy tại đây khả năng có 2 tầng chứa nước. Tầng nông phổ biến đến độ sâu 25 - 30m, có nơi tầng này xuất hiện từ ngay gần mặt đất. Tầng sâu hơn có khả năng xuất hiện từ độ sâu hơn 40 - 45m hoặc sâu hơn. Hai tầng này ngăn cách với nhau bằng lớp đất có điện trở suất cao hơn, nhiều chỗ lớp này khá mỏng chỉ khoảng dưới 10m, có nơi hai tầng này có dấu hiệu thông nhau. 
Một số hộ dân gần các hố sụt lớn phải di tản đi nơi khác, đồng thời mở con đường liên thôn mới tránh nguy hiểm cho người dân. 
Báo cáo kiểm tra của Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình cũng cho rằng, các lớp đất đá gần bề mặt trong thung lũng xóm Khi dễ bị biến động trước những tác động từ bên ngoài như động đất, mưa lũ dữ dội dài ngày và các hoạt động  nhân sinh có cường độ lớn như khai thác nước ngầm, gây chấn động mạnh... Mức độ biến động đến mức có thể gây ra nứt sụt đất dữ dội, nhiều khả năng do khai thác nước lưu lượng lớn ở tầng sâu. Vì giữa tầng nước nông và sâu một số nơi chỉ được ngăn cách bằng một lớp đất mỏng dưới 10m. Nếu là trong vùng đứt gãy thì lớp đất này cũng bị phá hủy dập vỡ, liên kết lỏng lẻo với nhau bằng đất bở rời lấp nhét trong các khe giữa chúng. Khi có tác động  do hoạt động bơm nước với lưu lượng lớn, các khe được lấp nhét bằng đất bở rời bị rửa trôi làm cho tầng nước nông thông sang tầng sâu. 
Những vùng đất yếu như trong đới đứt gãy và lân cận dễ bị đổ sụp do tác động của dòng nước làm thay đổi nhanh trạng thái áp suất và ứng lực dẫn đến gây ra hiện tượng sụt đất. Ngoài khả năng này ra thì trong khu vực nghiên cứu đã có các hoạt động khai thác than trong những năm vừa qua, hiện trạng hầm lò khai thác cũng như hoạt động bơm nước của mỏ cũng có thể là yếu tố ảnh hưởng. Thêm vào đó, theo cấu tạo địa chất thì phần dưới sâu trong đá gốc của vùng có mặt hệ tầng Đồng Giao (T2ađg) có thành phần chủ yếu là đá vôi. Cũng có thể ở đó có các khe nứt lớn do hoạt động karst tạo nên làm mất nước nhanh cũng không loại trừ khả năng gây sụt. 
Như vậy, trong vùng nghiên cứu có nhiều yếu tố có khả năng liên quan đến sụt đất, nứt đất. Tuy nhiên, với những gì nhận được từ kết quả khảo sát nghiên cứu thì môi trường phân cắt bằng mật độ cao các đới phá hủy đứt gãy, các đứt gãy này tạo thành các bậc sụt khác nhau trong các lớp đất đá bở rời trong phạm vi thung lũng là môi trường dễ bị tổn thương khi có lực tác động. Trong vùng nghiên cứu nước ngầm ở một số nơi phát hiện tồn tại ở 2 tầng, khi khai thác nước ở tầng sâu quá mức, tại những khu vực lớp ngăn cách 2 tầng này mỏng lại nằm trong đới dập vỡ đứt gãy thì khả năng sụt đất rất cao. Đây có lẽ cũng là phương án phù hợp nhất về nguyên nhân xảy ra hiện tượng sụt đất, nứt đất tại khu vực xóm Khi vừa qua. Nứt đất quan sát được tại một số nơi trong trường hợp này có lẽ là hậu quả của sụt đất.
Những hố sụt lớn xảy ra tại làng Khi là do đới đứt gãy Sông Đà gây nên. 
Di dân, mở đường mới tránh hố tử thần
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng xóm Khi cho biết: "Tính đến ngày 28/3, tất cả các gia đình nằm trong khu vực nguy hiểm đã được di chuyển đi chỗ khác. Riêng gia đình ông Lưu vì chưa tìm được chỗ tái định cư nên phải đi ở nhờ nhà người quen. Việc mở một con đường liên xã khác để tránh hố tử thần cũng đang được nhân dân bàn thảo. UBND huyện Lạc Sơn đã đến kiểm tra và hứa sẽ hỗ trợ dân mở đường mới trong thời gian sớm nhất".
Đến thời điểm hiện nay, theo thông tin mà chúng tôi vừa nhận được, phía cơ quan chức năng đã dựa trên những nhận định sơ bộ việc kiểm tra vụ sụt đất ngày 12/2 và đưa ra cảnh báo đối với nhà ông Bùi Văn Lưu hiện nằm trong vùng nguy hiểm. Thực tế, 2 hố sụt kích thước lớn trong vùng thung lũng, ăn sâu vào cả đường đi là nguyên nhân tạo thành một khối trượt với ranh giới cung trượt bao trùm lên khu vực nhà ông này. Với tình trạng như trên, nhà ông Bùi Văn Lưu hiện tại đã nằm trên khối trượt vẫn tiếp tục hoạt động nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Đối với một số nhà dân khác, tuy đã có hiện tượng nứt đất, nứt tường nhưng các vị trí đó chưa đến mức nguy hiểm vẫn có thể sử dụng nhưng cần theo dõi diễn biến.
Ngoài ra, đoạn đường dân sinh trong xóm do sụt đất đã bị phá hủy một phần cũng nằm trong khối trượt, nên chuyển đoạn đường này lên trên khối trượt phía trên sườn đồi sau nhà ông Lưu là tốt nhất, hoặc có thể thay thế bằng đoạn đường cắt qua thung lũng. Điều này phụ thuộc vào điều kiện địa phương và phải do người dân địa phương quyết định.
Do đặc điểm tồn tại nhiều yếu tố thiếu ổn định trong cấu trúc địa chất các tầng nông (các đới phá hủy đứt gãy đan dầy, tính sụt bậc rõ nét trong cấu trúc các tầng nông, tính bở rời cao của đất đá các tầng nông) cộng thêm đặc điểm phân bố thành 2 tầng của nước ngầm với tầng ngăn cách giữa chúng nhiều nơi bị vát mỏng, dập vỡ nên khả năng bị sụt do khai thác nước ngầm quá mức từ tầng sâu là rất cao. Với lý do này, có lẽ trong thời gian trước mắt nên tạm dừng việc khai thác nước ngầm ở các tầng sâu (khoảng từ 40m sâu hoặc lớn hơn). Sau này khi khu vực lấy lại được trạng thái cân bằng, hiện tượng sụt và nứt đất không phát triển thêm nhưng việc khai thác nước ở tầng này cũng nên ở mức hạn chế. 
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Dương Hùng, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN tỉnh Hòa Bình cho biết: "Hiện Sở đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn kiểm tra xuống hiện trường để thông báo nguyên nhân gây sụt lún thời gian qua cho nhân dân địa phương biết để họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết luận sơ bộ, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi tình hình sụt lún tại xóm Khi và tìm ra các nguyên nhân tiếp theo gây sụt đất, đồng thời có giải pháp khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho nhân dân".
Văn Quách

Bình luận(0)