Có nên ghi nhóm máu trên thẻ căn cước công dân?

Google News

Đề xuất bổ sung thông tin về nhóm máu vào thẻ căn cước công dân của đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) gây nhiều tranh cãi.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị thẻ căn cước công dân cần bổ sung thông tin về nhóm máu để thuận tiện khi khám chữa bệnh.
Sáng 9/6, các đại biểu thảo luận ở tổ về Dự án Luật căn cước công dân và Dự án Luật hộ tịch. Nhiều ý kiến cử tri hy vọng hai dự thảo luật này sẽ tạo ra sự thuận lợi cho người dân và giảm các thủ tục hành chính không cần thiết.
Mẫu thẻ căn cước được Bộ Công an giới thiệu.  
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật căn cước công dân, Chính phủ đề xuất làm thẻ Căn cước công dân với tư cách là giấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, thay thế chứng minh thư nhân dân (CMND) hiện đang sử dụng.
Trên thẻ căn cước có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân, sẽ bỏ sổ hộ khẩu.
Trên thẻ ghi số định danh cá nhân, thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc... nên công dân có thể sử dụng để chứng minh các thông tin này trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác.
Thẻ căn cước dự kiến được cấp cho công dân ngay từ khi làm thủ tục khai sinh để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp 2013.
 Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị thẻ căn cước công dân cần bổ sung thông tin về nhóm máu để thuận lợi cho việc cấp cứu, khám chữa bệnh. 
Góp ý vào dự thảo luật căn cước công dân, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị thẻ căn cước công dân cần bổ sung thông tin về nhóm máu để khi xảy ra tai nạn, cấp cứu, chỉ cần tra thông tin là biết ngay cần phải lấy máu ở ngân hàng nào. Điều này sẽ tạo thuận lợi trong quá trình khám chữa bệnh của người dân.
Cũng có cùng quan điểm này, đại biểu Lê Đông Phong (TP HCM) cho rằng, thẻ căn cước công dân tạo thuận lợi cho công dân, tiện lợi trong quản lý, tạo sự tương tác giữa công dân và Nhà nước.
“Cần bổ sung thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng và sinh học khác được quy định trong dự luật để phân biệt người này, người khác. Ví dụ cần có thông tin về nhóm máu, vân tay..”, đại biểu Lê Đông Phong đề xuất.
Ý kiến này ngay lập tức đã nhận được nhiều sự tranh luận của các đại biểu. Nhiều đại biểu cho rằng cần tính toán việc đưa thông tin về nhóm máu vì tính khả thi. Nhiều đại biểu cũng băn khoăn vì việc lấy nhóm máu của 90 triệu dân không đơn giản và cần đảm bảo tính bí mật đời tư.
Về thời điểm cấp thẻ, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, cần quy định trẻ sinh ra bao nhiêu ngày thì được cấp thẻ. Về khái niệm quê quán, nguyên quán, sinh quán, cần giải thích rõ vì nhiều ý kiến hiểu khác nhau, vận dụng khác nhau.
Góp ý về dự án luật này, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP HCM), đồng ý cấp thẻ căn cước công dân thay cho giấy CMND hiện hành, cấp ngay từ khi công dân sinh ra, bảo đảm quyền con người, nêu được gốc tích, đặc điểm nhận dạng của công dân đó.
Vị đại biểu này cũng đồng ý không đưa tên cha mẹ vào thẻ căn cước công dân để bảo đảm bí mật riêng tư của công dân.
Cũng có đại biểu cho rằng không nên bỏ ghi tên cha mẹ trên thẻ căn cước công dân, nếu Nhà nước muốn bảo vệ bí mật đời tư của công dân thì nên để công dân tự quyền quyết định ghi tên cha mẹ trên thẻ hay không.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân lại băn khoăn về thời hạn áp dụng luật thẻ căn cước công dân.
“Dự án Luật căn cước công dân làm nhẹ bớt cái túi của công dân khi đi công tác, đi đường (hiện nay quá nhiều loại giấy tờ), ai cũng mong làm sớm. Nhưng thời gian áp dụng luật này cũng phải tính, phải bảo đảm tránh tối đa các sai sót. Hiện nay, có hàng triệu trường hợp mà thông tin gốc so với giấy chứng minh nhân dân có sai sót. Đề nghị không nên vội vã áp dụng từ 1/1/2015 vì chưa bảo đảm đủ hạ tầng cơ sở”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.
Sáng nay, đại diện Vụ pháp chế, bộ Công an cho biết, thẻ căn cước công dân gồm 12 số, được làm kỹ thuật cao, không thể làm giả, không thể thay thế. Từ khi sinh ra đến lúc chết đi, công dân được cấp 1 thẻ 12 số đó, thay thế cho chứng minh nhân dân và cũng là số định danh cá nhân.
Hiện nay, sau khi Hà Nội thí điểm làm chứng minh nhân dân 12 số thì đang triển khai làm ở 5 tỉnh thành khác.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch, Đỗ Văn Đương đều bức xúc bởi tại sao trong khi Quốc hội bàn luật thẻ căn cước công dân rồi Bộ Công an còn triển khai thí điểm cấp chứng minh nhân dân 12 số làm gì cho lãng phí. Nếu luật được thông qua thì dự kiến 1/1/2015 hoặc chậm nhất 1/1/2016 đã áp dụng thẻ căn cước. Lúc đó chứng minh nhân dân có thời hạn 15 năm sẽ được thay thế bằng thẻ căn cước, như vậy, là quá lãng phí.
“Có cảm tưởng bộ Tư pháp, bộ Công an làm riêng rẽ, không phối hợp chặt chẽ với nhau”, ông Trần Du Lịch bức xúc.
Đại diện Vụ pháp chế, Bộ Công an gần cho biết sẽ báo cáo lại lãnh đạo Bộ Công an về vấn đề các đại biểu nêu ra.
Theo VTC News

Bình luận(0)