Cuối năm, chúng tôi có 1 đêm thức trắng cùng người buôn hoa để tìm hiểu cuộc sống mưu sinh xuyên đêm dịp Tết. Điều thú vị, trong hàng trăm gian hàng bán hoa Tết tại TP Quy Nhơn (Bình Định), có rất nhiều cặp vợ chồng đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu ớt nhưng họ vẫn thức trắng đêm, trú ẩn dưới mái lều tạm bợ để bám trụ với nghề.Trời mưa lất phất, trong túp lều tuềnh toàng nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, vợ chồng ông Huỳnh Văn Ảnh 68 (tuổi) và Nguyễn Thị Lê (66 tuổi, trú TP Quy Nhơn) co ro chờ Tết.Hai vợ chồng già cứ ngồi trong lều tránh gió, mỗi khi có khách ghé thăm họ lại tất bật giới thiệu, bắt đầu chuyện bán buôn. Ông Ảnh, kể: “Tôi bán hoa hơn 40 năm nay rồi, trải qua biết bao thăng trầm với cái nghề đầy duyên nợ này. Tôi yêu hoa, cây cảnh nên quyết bám trụ với nghề. Nhưng do năm nay, thời tiết bất lợi nên cây hoa không đạt, thiếu hàng nên hai vợ chồng phải lên tận Đà Lạt và các nơi khác để tìm hàng bán thêm chứ hoa nhà trồng không đủ bán”.Tại gian hàng chật hẹp của vợ chồng ông Ảnh, đủ loại hoa như trạng nguyên, mồng gà, cúc quan âm... tha hồ cho người dân lựa chọn. Theo lời kể của ông Ảnh, cứ dịp cuối năm vợ chồng ông lại mang mùng mền, chiếu gối... dựng lều ngoài đường để canh hoa.“Bán hoa là thú vui mà chú ơi, chứ có thu nhập kinh tế to tát gì đâu. Những năm gặp gió rét rồi mưa lạnh, tuổi già nhích chân không nổi nhưng vẫn muốn bán. Buồn nhất là khách hàng cứ chờ lúc giao thừa rồi đến xin, tôi quyết đập hết chứ không cho. Biết là phí nhưng nếu cho, thì sang năm còn bán được cho ai đâu”- ông Ảnh tâm sự.Vợ ông Ảnh, bà Lê mang trong mình căn bệnh khớp lâu năm cứ mỗi khi trời đổ lạnh, đôi chân bà lại đau nhói. Nhưng bà vẫn chọn việc bán hoa để chia sẻ với người chồng. Những lúc nghe người vợ rên đau vì lạnh, ông Ảnh lại cầm tay vợ xuýt xoa, ân cần.“Năm nào, vợ chồng già này cũng ra đường bán kiếm đồng lời để cho vui. Nhiều khi lỗ vốn nhưng nhìn thấy người vô ra, cười nói, biết là mình mang hương xuân, vị Tết đến với mọi người nên vợ chồng tôi chẳng ngại khó”- bà Lê bộc bạch.Cũng xuất phát từ việc đam mê hoa, cây cảnh, nhiều năm nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Trọng (58 tuổi) và bà Trần Thị Chức (49 tuổi, trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) lại rộn ràng chuyện bán hoa Tết. Hai vợ chồng dường như lao vào mưu sinh mà quên cả việc sắm Tết, đứa con gái út của họ là cháu Nguyễn Thị Ngọc cũng theo cha mẹ, ngủ thiếp đi trong gió lạnh, dưới túp lều cạnh gian hàng hoa gia đình.Anh Trọng, cho hay: “Tôi thuê ở đây 3,7 triệu đồng, mỗi chậu chỉ bán từ vài chục đến trăm ngàn, phục vụ khách bình dân thôi. Yêu nghề này nên Tết tôi mới đi chứ thường ngày tôi làm thợ hồ”. “Ngủ ở lều giữa trời vậy, ăn uống cũng ở đây luôn. Không chỉ bị muỗi cắn mà còn sợ lạnh nữa, nhiều năm phải đón giao thừa tại gian hàng hoa. Cực nhọc đủ bề nhưng vợ chồng tôi không bỏ nghề được, ăn sâu vào máu thịt rồi”- chị Chức cười hiền.Tết đang đến rất gần, trong nhiều túp lều tạm bợ những chuyện “tình già” lại tựa vào nhau mưu sinh, quên đi nhọc nhằn, vất vả của ngày cuối năm.
Cuối năm, chúng tôi có 1 đêm thức trắng cùng người buôn hoa để tìm hiểu cuộc sống mưu sinh xuyên đêm dịp Tết. Điều thú vị, trong hàng trăm gian hàng bán hoa Tết tại TP Quy Nhơn (Bình Định), có rất nhiều cặp vợ chồng đã ngoài 50 tuổi, sức khỏe yếu ớt nhưng họ vẫn thức trắng đêm, trú ẩn dưới mái lều tạm bợ để bám trụ với nghề.
Trời mưa lất phất, trong túp lều tuềnh toàng nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành, vợ chồng ông Huỳnh Văn Ảnh 68 (tuổi) và Nguyễn Thị Lê (66 tuổi, trú TP Quy Nhơn) co ro chờ Tết.
Hai vợ chồng già cứ ngồi trong lều tránh gió, mỗi khi có khách ghé thăm họ lại tất bật giới thiệu, bắt đầu chuyện bán buôn. Ông Ảnh, kể: “Tôi bán hoa hơn 40 năm nay rồi, trải qua biết bao thăng trầm với cái nghề đầy duyên nợ này. Tôi yêu hoa, cây cảnh nên quyết bám trụ với nghề. Nhưng do năm nay, thời tiết bất lợi nên cây hoa không đạt, thiếu hàng nên hai vợ chồng phải lên tận Đà Lạt và các nơi khác để tìm hàng bán thêm chứ hoa nhà trồng không đủ bán”.
Tại gian hàng chật hẹp của vợ chồng ông Ảnh, đủ loại hoa như trạng nguyên, mồng gà, cúc quan âm... tha hồ cho người dân lựa chọn. Theo lời kể của ông Ảnh, cứ dịp cuối năm vợ chồng ông lại mang mùng mền, chiếu gối... dựng lều ngoài đường để canh hoa.
“Bán hoa là thú vui mà chú ơi, chứ có thu nhập kinh tế to tát gì đâu. Những năm gặp gió rét rồi mưa lạnh, tuổi già nhích chân không nổi nhưng vẫn muốn bán. Buồn nhất là khách hàng cứ chờ lúc giao thừa rồi đến xin, tôi quyết đập hết chứ không cho. Biết là phí nhưng nếu cho, thì sang năm còn bán được cho ai đâu”- ông Ảnh tâm sự.
Vợ ông Ảnh, bà Lê mang trong mình căn bệnh khớp lâu năm cứ mỗi khi trời đổ lạnh, đôi chân bà lại đau nhói. Nhưng bà vẫn chọn việc bán hoa để chia sẻ với người chồng. Những lúc nghe người vợ rên đau vì lạnh, ông Ảnh lại cầm tay vợ xuýt xoa, ân cần.
“Năm nào, vợ chồng già này cũng ra đường bán kiếm đồng lời để cho vui. Nhiều khi lỗ vốn nhưng nhìn thấy người vô ra, cười nói, biết là mình mang hương xuân, vị Tết đến với mọi người nên vợ chồng tôi chẳng ngại khó”- bà Lê bộc bạch.
Cũng xuất phát từ việc đam mê hoa, cây cảnh, nhiều năm nay vợ chồng anh Nguyễn Văn Trọng (58 tuổi) và bà Trần Thị Chức (49 tuổi, trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn) lại rộn ràng chuyện bán hoa Tết. Hai vợ chồng dường như lao vào mưu sinh mà quên cả việc sắm Tết, đứa con gái út của họ là cháu Nguyễn Thị Ngọc cũng theo cha mẹ, ngủ thiếp đi trong gió lạnh, dưới túp lều cạnh gian hàng hoa gia đình.
Anh Trọng, cho hay: “Tôi thuê ở đây 3,7 triệu đồng, mỗi chậu chỉ bán từ vài chục đến trăm ngàn, phục vụ khách bình dân thôi. Yêu nghề này nên Tết tôi mới đi chứ thường ngày tôi làm thợ hồ”.
“Ngủ ở lều giữa trời vậy, ăn uống cũng ở đây luôn. Không chỉ bị muỗi cắn mà còn sợ lạnh nữa, nhiều năm phải đón giao thừa tại gian hàng hoa. Cực nhọc đủ bề nhưng vợ chồng tôi không bỏ nghề được, ăn sâu vào máu thịt rồi”- chị Chức cười hiền.
Tết đang đến rất gần, trong nhiều túp lều tạm bợ những chuyện “tình già” lại tựa vào nhau mưu sinh, quên đi nhọc nhằn, vất vả của ngày cuối năm.