Chuyện chưa kể về chuyên án triệt phá băng tội phạm Khánh "trắng"

Google News

Suốt thời gian dài, Khánh trắng và đàn em gây hàng loạt vụ cưỡng đoạt tài sản ở chợ Long Biên. Chúng chỉ chịu quy hàng khi công an lập chuyên án triệt xóa.

Đầu tháng 10, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự cưỡng đoạt tài sản để điều tra về việc thu tiền “bảo kê” tại chợ Long Biên (quận Ba Đình). Động thái trên được cơ quan điều tra thực hiện sau khi phát hiện có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản như báo chí phản ánh.
Hơn 20 năm trước, tại một số chợ đầu mối quan trọng của Hà Nội các tiểu thương cũng phải chịu sự “bảo kê” của một băng nhóm tội phạm có tổ chức do Dương Văn Khánh (tức Khánh “trắng”) cầm đầu.
Chúng gây ra hàng loạt những vụ giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản.
Chuyên án K596
Phóng viên gặp thượng tá Đào Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (Công an Hà Nội) - một trong 10 công dân ưu tú thủ đô năm 2017 - tại một quán cà phê nhỏ, trong tiết heo may se lạnh cuối mùa thu.
Đã hơn 20 năm trôi qua, nhưng trong ký ức của thượng tá Tuấn, chuyên án K596 triệt phá băng nhóm tội phạm có tổ chức do Khánh "trắng" cầm đầu vẫn như vừa mới diễn ra.
Là một trong những người được tham gia vào chuyên án ngay từ đầu, thượng tá Tuấn bồi hồi khi nhớ lại.
Anh kể, năm 1996, anh mang quân hàm trung úy, biên chế thuộc đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm. Dù tuổi nghề còn ít, song anh lại có kha khá kiến thức về giới giang hồ. Vì lẽ đó, băng giang hồ do Khánh trắng cầm đầu luôn là mối quan tâm đặc biệt của anh.
Chuyen chua ke ve chuyen an triet pha bang toi pham Khanh
 Thượng tá Đào Anh Tuấn. Ảnh: Hùng Cường.
Nhận nhiệm vụ từ đội trưởng là đại tá Nguyễn Thanh Hùng, suốt thời gian dài, trung uý Tuấn âm thầm thu thập tài liệu, chứng cứ. Anh dành nhiều thời gian xâm nhập vào giới giang hồ để thu thập tài liệu dựng lên chân dung, từng mối quan hệ nhằng nhịt của Khánh "trắng".
“Những vụ án khác luôn có đồng đội cùng làm, song trong vụ này tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ một mình, theo sự chỉ đạo của đồng chí đội trưởng. Bất cứ việc gì dù khó đến đâu cũng phải tự nghĩ cách giải quyết. Từ nghiên cứu hồ sơ dày đến cả mét, triển khai các biện pháp nghiệp vụ… đều chỉ đơn thương độc mã”, anh Tuấn nhớ lại.
Sau thời gian điều tra miệt mài, tỉ mỉ với tinh thần kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, trung uý Tuấn hồi đó đã tìm ra "điểm hỏa" để có thể triệt phá được đường dây tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Tháng 5/1996, chuyên án K596 được Cục cảnh sát hình sự (Bộ Công an) xác lập. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ băng Khánh “trắng” và đồng bọn sa lưới pháp luật. Chúng phải đền tội bằng những bản án nghiêm khắc, với nhiều án tử hình, chung thân...
Khánh "trắng" là ai?
Dương Văn Khánh (sinh năm 1956, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cao gần 1m70. Do có dáng người mảnh, da trắng nên người đàn ông này có biệt danh là Khánh “trắng”. Khánh sở hữu giọng nói truyền cảm, có sức thuyết phục.
Học hết lớp 7, Khánh bỏ học rồi xin đi làm ở Nhà máy cao su Sao Vàng. Được 6 khoảng tháng thì anh ta bỏ việc, đi làm ở công ty sửa chữa nhà cửa. 3 tháng sau, Khánh bị bắt vì tội Trộm cắp tài sản, lĩnh án 6 tháng tù.
Mãn hạn, Khánh sống bằng nghề đạp xích lô. Năm 1978, Khánh lại bị bắt vì tiêu thụ đồ gian. Năm 1980 do nhiều "thành tích" bất hảo nên Khánh phải đi tập trung cải tạo ở trại giam số 6 (Tân Kỳ, Nghệ An).
Cuối năm 1985, Khánh ra trại và tiếp tục sống bằng nghề đạp xích lô. Năm 1987, hắn nổi máu côn đồ tham gia một vụ đánh nhau và lại bị tạm giam vài ngày.
Năm 25 tuổi, Khánh lập gia đình. Vợ Khánh là cô gái bán thịt lợn “nổi tiếng” ở chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình). 9 năm sau Khánh xây dựng “tập hai”.
Thời điểm năm 1987-1988, Khánh hành nghề chở thịt thuê bằng xe đạp ở các chợ Đồng Xuân, Long Biên. Sau đó, Khánh chuyển sang nghề đạp xích lô, cũng ở những chợ này.
Bước ngoặt của Khánh là việc làm thân với một số kẻ có máu mặt như Sơn “lùn”, Đức “chính uỷ”, Thành “xăm”.
Sơn "lùn", Thành "xăm" là những tay đao búa có tiếng ở chợ Đồng Xuân. Có được đám này giúp sức, Khánh như thêm vững tâm để mở rộng ảnh hưởng. Đặc biệt bên cạnh Khánh có quân sư là Đức “chính uỷ”.
Đức "chính ủy" là một gã giang hồ cộm cán ở khu vực chợ Đồng Xuân. Gã nổi danh nhờ trí khôn, láu cá và khả năng hòa giải tốt giữa các băng nhóm. Các băng nhóm đánh nhau muốn dàn hòa phải nhờ đến Đức. Kẻ nào muốn tiến thân được các đại ca giúp đỡ cũng phải qua Đức tiến cử.
Đức là người vạch đường đi nước bước cho Khánh, tìm mọi cách để trưởng một công an phường phải để ý đến Khánh. Trong thời gian ngắn, Khánh tạo được uy tín với đám lưu manh bằng cách núp sau cái bóng của ông trưởng công an phường.
Sau vài năm, từ một gã xích lô nghèo kiết xác, Khánh trở thành ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp với vài trăm nhân viên…
Khánh cũng vung tiền mở rộng quan hệ hợp tác với một số lãnh đạo cấp quận và phường. Với tài ăn nói và thái độ luôn cung kính, lịch sự cùng với túi tiền luôn đầy, Khánh đã được một số lãnh đạo yêu quý. Đám đàn em cũng được Khánh chăm lo tận tình, chu đáo.
Trong một vụ tranh bốc hàng, gã đàn em tên Thắng “khoèo” đã đâm chết một gã cửu vạn tên Tâm “đen” ở phố Hàng Cót. Khánh được cho là người đã lo để gã tội phạm chỉ phải nhận án 18 năm tù.
Một đàn em khác của Khánh tên Trương, nhà ở làng Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) từng ra tù vào khám nhiều lần. Biết nhà Trương nghèo, Khánh đã thu phục thanh niên này làm quân của mình, cho vào đội bốc xếp. Trương có thu nhập, lại được Khánh tặng 1 tivi nên tỏ ra cảm động.
Chuyen chua ke ve chuyen an triet pha bang toi pham Khanh
 Khánh “trắng” thời điểm bị bắt giam tại nhà của hắn trên phố Nguyễn Thiệp.
Năm 1996 có thể coi là thời cực thịnh của băng Khánh "trắng". Dưới trướng của ông chủ nghiệp đoàn bốc xếp Đồng Xuân - Long Biên có tới 500 nhân viên. Mỗi lần xuống cơ sở đi thị sát Khánh ngồi nghênh ngang trên chiếc xe Jeep và xung quanh luôn đầy “vệ sĩ”.
Tính từ năm 1993 cho đến lúc bị bắt, Khánh thu không dưới 100 triệu đồng mỗi tháng (tương đương khoảng 25 lượng vàng thời bấy giờ) để đút túi riêng. Chưa kể hắn còn thâu tóm toàn bộ đường dây buôn vải từ Lạng Sơn…
Ngoài ra, Khánh còn mua được nhiều bất động sản ở phố Nguyễn Thiệp, Đặng Dung và nhiều xe hơi đắt tiền.
Những năm đó, tiểu thương ở các chợ Đồng Xuân, Bắc Qua, Long Biên còng lưng nộp tiền bảo kê cho Khánh và đồng bọn.
Hàng quán dù lớn hay bé đều phải nộp tiền bảo kê hàng ngày cho Khánh. Có thời kỳ để "dằn mặt" mọi người, Khánh cho mua gần 200 chiếc đòn gánh, vót nhọn một đầu để cắm quanh chợ Đồng Xuân.
Có uy lực vậy nên hễ Khánh muốn vay tiền của ai, trả khi nào, lãi bao nhiêu đều do mọi người tự nguyện. Có những hộ buôn lớn không chịu nghe theo, Khánh cho đàn em đến quậy phá, chặn hàng...
Không chỉ có vậy, Khánh cùng đồng bọn thi thoảng bày ra trò sắp xếp lại chỗ ngồi. Ai muốn có chỗ tốt hơn, hoặc ai đã có chỗ tốt mà không muốn bị hất đi chỗ khác thì phải "cống nạp" cho hắn.
Khánh thường chỉ đến nghỉ ngơi ở những nhà hàng sang trọng thời bấy giờ như Queen Bee, Royal, Bàn Cờ… rượu thì chỉ dùng đúng một loại Henessy XO.
Theo Hùng Cường - Thiên Anh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)