Sáng ngày 31/12, tại trụ sở của Bộ Tư pháp (Hà Nội) đã diễn ra cuộc họp báo tổng kết công tác tư pháp năm 2014. Tại cuộc họp báo, Bộ Tư pháp đã công bố kết quả vụ kiện của nhà đầu tư Pháp (DialAsie) kiện Chính phủ Việt Nam trong dự án Bệnh viện Quốc tế Thận và lọc thận tại Thành phố Hồ Chí Minh.
|
Ông Trần Tiến Dũng - Chánh văn phòng Bộ Tư pháp phấn khởi thông báo về phán quyết của Toà án La Hay trong vụ DialAsie (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+) |
Ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết ngày 17/11/2014, Hội đồng trọng tài tại Toà trọng tài thường trực La Haye (Hà Lan) đã ban hành phán quyết vụ kiện DialAsie với nội dung: Không có bất kỳ một cơ quan nhà nước nào của Chính phủ Việt Nam vi phạm Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt-Pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam hoặc thực hiện bất kỳ một hành động sai trái nào.
Trên căn cứ này, tất cả các khiếu kiện của nguyên đơn DialAsie đối với Chính phủ Việt Nam hoàn toàn bị bác bỏ.
Về chi phí, mỗi bên phải trả một nửa chi phí Hội đồng trọng tài, đây là quy định chung. Còn luật sư thì các bên phải tự chi trả.
Đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp) - bà Nguyễn Thị Hường cho biết, từ năm 2011, nhà đầu tư này đã gửi thông báo ra trọng tài quốc tế. Vụ DialAsie đã được Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp xử lý.
Vụ việc DialAsie khởi phát từ tháng 3/2001. Cụ thể, bệnh viện DialAsie ký hợp đồng thuê tòa nhà tại phố Điện Biên Phủ, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn Co.op) với giá 23.000 USD/tháng. Sau đó, do không thể chi trả được tiền thuê toà nhà, DialAsie bị Saigon Co.op
kiện ra Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Trong vụ kiện này, DialAsie đã bị xử thua và phải thanh toán số tiền hơn 571.000 USD (khoảng 8 tỷ đồng). Tiếp sau đó, theo công văn của Bộ Y tế, bệnh viện này cũng phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân, chuyển các bệnh nhân đang điều trị tại đây tới trung tâm y tế khác.
Tuy nhiên, sau đó, Bệnh viện DialAsie không trả được tiền nên Sài Gòn Co.op đưa đơn khởi kiện Bệnh viện DialAsie ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam.
Cho rằng mình bị đối xử không công bằng, DialAsie đã kiện Chính phủ Việt Nam tới Toà trọng tài quốc tế và tiếp tục thua kiện vào tháng 11 vừa qua.
|
Đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế (Bộ Tư pháp - Bà Nguyễn Thị Hường (Ảnh: Võ Phương/Vietnam+) |
“Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang là bị đơn trong một loạt các vụ kiện đầu tư quốc tế và một số nhà đầu tư đang đe dọa Chính phủ Việt Nam thì thắng lợi trong vụ kiện này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng,” Chánh văn phòng Bộ Tư pháp khẳng định.
Vụ kiện của DialAsie được xem là thắng lợi thứ 2 của Chính phủ Việt Nam sau
vụ kiện South Fork (đã có phán quyết vào tháng 12/2013).
Được biết, trong giai đoạn 2010-2013, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương giải quyết 17 vụ tranh chấp quốc tế liên quan đến cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Đại diện Vụ Pháp luật Quốc tế chia sẻ thêm: Để tránh những tranh chấp đầu tư quốc tế, gây tốn kém tiền bạc, công sức của địa phương, bộ ngành, Chính phủ đã có rất nhiều biện pháp, một trong số đó là ban hành quy chế phối hợp tranh chấp đầu tư quốc tế, trong đó, làm rõ vai trò của các bộ, ngành.
"Ngoài ra trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả của hệ thống cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra giám sát và thi hành pháp luật, nâng cao hiểu biết về hội nhập cho các bộ, ngành, doanh nghiệp," bà Hường khẳng định.