|
Ảnh minh họa. |
Vụ lừa đảo ngoạn mục
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không mấy khá giả, ngày nhỏ lại liên tục đối mặt với những đau đớn của bệnh tật hành hạ, Trần Thị Tùng (SN 1980) nhen nhóm trong đầu ý niệm “thay đổi số phận” của mình.
Năm 2000 Tùng ra Hà Nội theo học hệ tại chức tại một trường đại học chuyên ngành thương mại. Sau khi tốt nghiệp, về quê xin việc nhưng không được, năm 2006, Tùng quay ra Hà Nội sinh sống cùng chồng con. Cả Tùng và chồng đều không có công việc ổn định, phải đi thuê nhà ở. Qua quen biết, năm 2010, vợ chồng Tùng xin nhập khẩu nhờ vào một địa chỉ ở quận Đống Đa và tách hộ khẩu riêng.
Thực tế gia đình Tùng không ở địa chỉ này nhưng nhờ cuốn sổ hộ khẩu, Tùng đã thực hiện hành vi lừa đảo khá tinh vi. Tùng tự tay viết nghề nghiệp là cán bộ ngân hàng vào phần trống trong sổ hộ khẩu. Và với công việc giả danh này, Tùng đã đưa gia đình bà N. vào bẫy.
Bà N. kể, do có thân tình với bố mẹ Tùng từ trước nên hai bên gia đình có giữ liên lạc hỏi han nhau thường xuyên. Thời gian Tùng đi học hay lấy chồng cũng đều được gia đình bà N. quan tâm như người thân trong nhà. Năm 2010, Tùng năng đến chơi nhà bà hơn và tự giới thiệu là cán bộ ngân hàng, làm ở bộ phận thẩm định dự án, có khả năng mua được các bất động sản với giá gốc của các doanh nghiệp và tài sản do ngân hàng phát mại.
Tùng đưa cả hộ khẩu cho bà N. xem để chứng minh mình là cán bộ ngân hàng. Thêm tin cẩn, Tùng còn cho bà N. xem một số bức ảnh Tùng mặc trang phục công sở giống đồng phục của nhân viên ngân hàng đi tác nghiệp.
Vì Tùng là con gái của bạn thân nên bà N. không nghi ngờ gì. Cuối năm 2010, Tùng đưa bà N. đi xem mảnh đất 200m2 mà theo lời Tùng là “có quan hệ” với chủ dự án nên sẽ được mua giá gốc là 35 triệu đồng/m2, sau 3 tháng sẽ làm xong thủ tục ký hợp đồng giao đất.
|
Bị cáo Trần Thị Tùng tại cơ quan điều tra. |
Thấy giá giao dịch trên thị trường cao hơn giá mà Tùng đưa ra nên bà N. đồng ý, đưa cho Tùng 2,2 tỉ đồng để làm thủ tục với chủ dự án. Tuy nhiên, sau 3 tháng không thấy được ký hợp đồng, bà N. hỏi thì Tùng trả lời phải chờ một thời gian vì chủ dự án đang vướng mắc về thủ tục.
Thấy bà N. tin tưởng, không thúc giục nên giữa năm 2011, Tùng lại “khoe” thông tin ngân hàng đang nhận thế chấp tài sản là bất động sản của các cá nhân và tổ chức để cho vay, hiện đã quá hạn nên ngân hàng đang làm thủ tục phát mại.
Thời điểm đó, nhà đất tại khu vực này cũng đang “sốt”, được nhiều người tìm mua. Sẵn tin Tùng làm ở bộ phận thẩm định và có khả năng giúp mua được các tài sản đó, hơn nữa Tùng còn đưa bà N. đi xem một ngôi nhà mà bà N rất ưng ý bởi vị trí khá đắc địa. Tùng nói giá ngân hàng đưa ra là 14,5 tỉ đồng kèm theo gợi ý: “Nếu không đủ tiền trả hết thì bà có thể trả dần thành nhiều đợt, đến khi đủ tiền ngân hàng sẽ làm thủ tục sang tên”.
Chỉ trong vòng 1 năm, từ tháng 3/2012 đến tháng 2/2013, bà N đã đưa cho Tùng 12,85 tỉ đồng để “nộp cho ngân hàng”. Nhưng khi hỏi việc sang tên nhà đất, Tùng lấy lý do ngân hàng đang làm mất phôi sổ đỏ và thuyết phục bà N. chờ đợi ngân hàng làm thủ tục.
“Thấy bở đào mãi”, trong khoảng tháng 7/2012, biết tin bà N. đi công tác tại TP Hồ Chí Minh, Tùng lại “khoe” ngân hàng tiếp tục phát mại bất động sản là nhà và đất diện tích 200m2 của một công ty nằm tại quận 1, TP Hồ Chí Minh và nếu bà N. muốn mua thì thị sẽ bay vào cùng và đưa đi xem. Thấy thuận lợi, bà N. đồng ý.
Dẫn bà N. đi xem mảnh đất “phát mại” trên, Tùng rỉ tai rằng đây là suất ưu tiên, do Tùng là nhân viên ngân hàng nên mảnh đất mặt đường 200m2 tại khu vực trung tâm này chỉ có giá 26 tỉ đồng. Bà N. thấy giá mảnh đất quá hấp dẫn nên tiếp tục đồng ý, đưa cho Tùng 6,4 tỉ đồng để mua mảnh đất trên.
Cứ như vậy, bà Trương Thị N. cho hay, tổng số tiền mà bà đã giao cho Trần Thị Tùng đã lên tới hàng chục tỉ đồng. Thế nhưng đợi mãi không thấy Tùng đả động đến việc làm giấy tờ mua bán, sang tên bất kỳ tài sản nào, bà N. yêu cầu Tùng trả lại tiền thì Tùng lấy nhiều lý do để khất lần không trả. Nhiều lần đòi không được, bà N. đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan Công an.
Vỏ bọc hoàn hảo
Lần theo thông tin, cơ quan Công an đã làm việc với ngân hàng mà Tùng nói mình đang công tác và xác định bị cáo không phải là nhân viên của đơn vị này. Phía ngân hàng cũng cho biết các bất động sản mà Tùng nhắc đến hoàn toàn không phải là tài sản thế chấp của khách tại ngân hàng. Và vì vậy, ngân hàng cũng chẳng hề nhận hồ sơ nào của bà Trương Thị N. đăng ký mua nhà phát mại.
Nhận thấy sự việc trở nên phức tạp, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội đã lần theo thông tin của Tùng mà phát hiện chữ viết trong sổ hộ khẩu mục nghề nghiệp, nơi làm việc của Trần Thị Tùng được ghi “Cán bộ ngân hàng ở Hà Nội” là do Trần Thị Tùng tự viết ra.
|
Cuốn hộ khẩu giúp bị cáo Tùng thực hiện hành vi lừa đảo. |
Tại cơ quan Công an, Trần Thị Tùng khai nhận trong quá trình làm “cò” bất động sản, cô ta quen một số đối tượng cùng làm “cò” và được giới thiệu các địa chỉ nhà đất trên. Tùng cũng thừa nhận việc giả danh là cán bộ ngân hàng để lừa bà N.
Ngoài ra, Tùng còn lừa anh Lê Hải T. số tiền 600 triệu đồng bằng thủ đoạn lừa xin việc cho anh T. vào làm tại Ngân hàng Nhà nước. Đầu tháng 4/2014, Tùng tự mạo nhận là thư ký một phó thống đốc ngân hàng, có khả năng giúp anh T. xin vào làm cán bộ với giá “chạy việc” là 600 triệu đồng. Sau khi chuyển đủ số tiền trên, Tùng hẹn anh T. đến tháng 6/2014 sẽ có quyết định đi làm. Thế nhưng, từ tháng 6 đến tháng 11/2014, Tùng lấy rất nhiều lý do để trì hoãn việc anh T. chưa nhận được quyết định…
Đến thời điểm trước Tết Nguyên đán 2015, thấy anh T. hỏi "rát", Tùng thông báo đã lo được quyết định, lo cả việc anh T. không phải thi chuyên viên, không phải thử việc mà làm chính thức luôn, nhưng phải đợi qua Tết mới đi làm vì ảnh hưởng đến chế độ lương thưởng Tết. Tuy nhiên, sau Tết, anh T. vẫn không được đi làm. Linh cảm không lành, anh T. cương quyết đòi tiền và làm đơn tố cáo. Sau đó, Trần Thị Tùng đã thu xếp trả lại anh T. số tiền 600 triệu đồng.
Cơ quan điều tra cũng thu giữ được rất nhiều hợp đồng thuê nhà của Tùng. Theo đó, để tạo vỏ bọc là cán bộ ngân hàng làm ăn thành đạt, Trần Thị Tùng thường chọn thuê nhà ở các khu đô thị cao cấp tại Hà Nội và chuyển rất nhiều nơi ở. Đầu năm 2014, Tùng còn vay tiền ngân hàng để mua một chiếc “xế hộp” trả góp trị giá gần 1,4 tỉ đồng để đi lại. Với vẻ ngoài đi xe xịn, thông tin ở nhà cao cấp nên các bị hại dễ dàng bị lừa đảo bởi vỏ bọc hào nhoáng do thị “vẽ” ra.
Đoạn nhân nghĩa
Phút giáp mặt, Tùng không còn đon đả “mẹ - con” mà chỉ cúi mặt sụt sùi… tưởng rằng Tùng nhận ra sai trái mà tự thân xấu hổ dằn vặt, nhưng không Tùng lại một mực khóc lóc thanh minh.
Lý giải về lòng tin của mình, bà N. ngập ngừng kể: do vợ chồng bà là bạn thân của bố mẹ Trần Thị Tùng nên không bao giờ bà lại nghĩ có ngày Tùng sẽ lợi dụng mối thân giao này để lừa gia đình bà.
Cũng chính Tùng khai nhận, năm 1985 khi Tùng vừa lên 5 tuổi thì mắc một căn bệnh hiểm nghèo và thị được chồng bà N. là bác sĩ bệnh viện điều trị bệnh rất tận tình, chu đáo. Kể từ đó gia đình Tùng coi vợ chồng bà N như người “khai sinh ra mình lần nữa”. Một thời gian sau, gia đình bà N. chuyển ra Hà Nội sinh sống. Giữa vợ chồng bà N. và bố mẹ Tùng ở quê vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết thuở hàn vi.
Ngày Tùng lớn và ra Hà Nội ăn học, đối tượng vẫn đều đặn đến gia đình vị bác sỹ ân nhân như thể người trong gia đình.
Ấy vậy mà Tùng lại lợi dụng sự cởi mở của những ân nhân mà liên tục diễn hết vở kịch này đến vở kịch khác để lừa đảo. Với hành vi gian dối và chiếm đoạt số tiền đặc biệt như vậy, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Trần Thị Tùng mức án chung thân – mức án cao nhất của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.