Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), việc tăng tốc độ cho phép khi tham gia giao thông sẽ không làm gia tăng số vụ tai nạn giao thông (TNGT).
Tại cuộc họp Ban thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia về tình hình trật tự ATGT trong 5 tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN rà soát, thay thế hệ thống biển báo lăng nhăng, đánh bẫy người dân.
|
Theo ông Huyện, việc cắm biển báo hạn chế tốc độ 35km/h tại tuyến đường cao tốc trên cao tại Hà Nội là không hợp lý. |
“Trong tháng 6 Tổng cục đường bộ phải hoàn thành kiểm tra biển báo giao thông. Với những biển báo lăng nhăng không hợp lý cho tháo bỏ hết rồi cắm biển mới sau, chứ không thể để nhiều biển báo “đánh bẫy” người dân như hiện nay được”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, ông đã yêu cầu các Cục, Vụ của Tổng cục phối hợp với các Sở GTVT địa phương rà soát cho thay hết các biển báo dưới 40km/h bằng biển 40 km/h trên toàn quốc.
Toàn bộ biển báo trên các tuyến đường bình thường hạn chế tốc độ dưới 40km/h sẽ thay thế hết, ngoại trừ các tuyến đường thuộc công trường đang thi công thì phải cắm biển 20-30km/h.
Đối với các trường hợp là đường miền núi hoặc các tuyến đường đặc biệt thì yêu cầu các Sở GTVT báo cáo để Tổng cục xem xét lắp biển báo cho phù hợp. Vùng đèo núi nguy hiểm sẽ cho lắp thêm biển cảnh báo để người tham gia giao thông làm chủ tình thế khi đi trên đường.
Ngoài ra tại một số tuyến có biển báo vận tốc 50km/h quá dài cũng sẽ được nghiên cứu cắm biển lên 60km/h.
Ông Huyện cũng cho biết, trong tháng 6 này, sẽ rà soát hệ thống cầu trên các tuyến Quốc lộ cũng như tỉnh lộ để thay thế biển báo cho phù hợp.
Ông Huyện cho hay, việc thay thế biển báo, tăng giới hạn tốc độ cho phép trên thực tế thì việc này vẫn đảm bảo được an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và đảm bảo giao thông lưu thông tốt, đáp ứng với thực tế.
Ông Huyện chia sẻ, qua thực tế, kiểm tra và giám sát thì việc đặt các biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h là không phù hợp. Tuy nhiên, số biển giới hạn tốc độ dưới 40km/h thì không nhiều.
Về việc có đánh giá được hệ quả của việc cho phép các phương tiện tham gia giao thông chạy với tốc độ cao hơn sẽ dẫn tới việc gia tăng số vụ TNGT và tính chất nghiêm trọng của tai nạn. Bởi với hệ thống biển báo hạn chế tốc độ như hiện nay, số vụ tai nạn giao thông xảy ra rất lớn, số người thương vong trung bình hằng năm có tới hơn 20.000 người. Ông Huyện khẳng định, việc gia tăng số vụ TNGT, tính chất nghiêm trọng của các vụ TNGT còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhiều vấn đề, trong đó đặc biệt là ý thức của người tham gia giao thông.
Ông Huyện nói, “trên thực tế, TNGT xảy ra thường ở những nơi có tốc độ lớn, còn với tốc độ dưới 40 thì thường là những điểm đấu nối giao thông, lên xuống dốc. Số biển giới hạn tốc độ dưới 40km/h thì không nhiều, việc thay thế này chắc chắn sẽ không làm gia tăng TNGT.
Còn tại các nơi thay thế biển giới hạn tốc độ từ 50 bằng 60km/h thì còn phải tính toán thực tế về chất lượng mặt đường, mật độ phương tiện và phải có đánh giá, giám sát kiểm tra cẩn thận mới quyết định thay thế biển hạn chế tốc độ từ 40 lên 50 và từ 50 lên 60km/h.”
Là một lái xe thường xuyên chạy đường trường và cũng là chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải lớn tại Hải Phòng, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại dịch vụ Đất Cảng cho hay. Việc Bộ trưởng Thăng yêu cầu xử lý hệ thống biển báo “đánh bẫy” người đi đường là hoàn toàn hợp lý.
Các biển báo tốc độ 20, 30, 35km/h như hiện nay tại nhiều tuyến đường trên toàn quốc là rất bất hợp lý, cần phải thay thế. Bởi trên tuyến đường rộng rãi, không có công trường, không gồ ghề nhưng đang với tốc độ 40, đột ngột có biển 20km/h khiến nhiều người tham gia giao thông rất khó xử lý và như vậy đương nhiên sẽ bị xử phạt. Đây là việc đánh bẫy người dân, bất hợp lý.
Việc gia tăng tai nạn giao thông từ việc tăng giới hạn tốc độ thì không thể. Bởi theo ông Hải, nếu người tham gia giao thông không lái xe tốt, không quan sát và không làm chủ phương tiện thì kể cả chạy với tốc độ 20, 30km/h vẫn gây tai nạn cho người khác chứ không phải cứ chạy tốc độ cao mới gây tai nạn. Còn những đường có hạ tầng tốt, lái xe chú ý và làm chủ thì chạy kể cả với tốc độ trên 100km/h vẫn an toàn.
“Chủ trương xóa bỏ việc đặt biển báo không đúng với thực tế đường cho phép chạy với tốc độ nào của Bộ Giao thông là hoàn toàn hợp lý”, ông Hải nói.