Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm sáng 19/12.
Ông Đàm cho biết theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến tháng 11/2014, cả nước có 11.240 người bán dâm có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, ông Đàm nhấn mạnh con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
“Hiện đã xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm qua internet, facebook” - ông Đàm nói.
Thứ trưởng Đàm thừa nhận công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh trong nước và quốc tế vẫn còn có những quan điểm, nhận thức trái chiều nhau đối với vấn đề mại dâm. Đồng thời, hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm của chúng ta cũng đã bộc lộ một số bất cập, không còn phù hợp.
|
Ảnh minh họa. |
Hiện nay xu hướng chung của nhiều quốc gia trên thế giới và khu vực là không hợp pháp hóa mại dâm, nhưng cũng không hình sự hóa để tránh việc đẩy mại dâm trở thành trá hình, khó kiểm soát.
“Chấp nhận mại dâm như là một tồn tại xã hội và giải quyết vấn đề này trên cơ sở tôn trọng quyền con người, đối xử nhân đạo, công bằng thông qua tăng cường các biện pháp giảm hại đối với cộng đồng, xã hội” - ông Đàm bày tỏ.
Bộ Công an đã thống kê, lên danh sách 6.521 nữ nhân viên trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện nghi hoạt động mại dâm và lập hồ sơ trên 6.838 gái mại dâm chuyên nghiệp; tổ chức triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt hơn 47 ngàn đối tượng.
Nhiều tổ chức hoạt động mại dâm liên tỉnh, xuyên quốc gia bị triệt phá. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an cũng thừa nhận: “Tình hình hoạt động mại dâm có lúc, có nơi vẫn là vấn đề nhức nhối, về cơ bản vẫn chưa làm chuyển biến được tình hình”.
Đồ Sơn, Quất Lâm không có mại dâm?
Cả nước có hơn 11 ngàn người bán dâm, kết quả không quá bất ngờ nhưng lại gây tò mò vì trước đó, báo cáo của các địa phương đều khẳng định không phát hiện có mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm (Nam Định).
Ngày 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, cả nước hiện có khoảng 30.000 người đang hoạt động mại dâm, nhưng chỉ có một nửa trong số đó là có hồ sơ quản lý.
Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này.
Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.
Theo ông Dũng, muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Quá trình kiểm tra thấy có các tiếp viên nhưng các tiếp viên này thường làm cho các cơ sở dịch vụ và có hợp đồng lao động nên rất khó xử lý.
Có nên coi mại dâm là nghề?
Quản lý mại dâm vẫn luôn là vấn đề khó và làm đau đầu các nhà quản lý. Từ năm 2012, nhiều ý kiến đã đề xuất hợp thức hóa mại dâm và coi đó là một nghề để dễ quản lý.
Tại Hội nghị triển khai chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 ở Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân lần đầu tiên nêu quan điểm tiếp cận để phòng, chống mại dâm trong thời gian tới là không nên coi đây là tệ nạn xã hội nữa.
Quan điểm này của bà Ngân đã gây ra nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng nếu không coi đó là tệ nạn xã hội, phải chăng bà Ngân đang muốn coi "mại dâm là một nghề"?
Sau phát biểu của bà Ngân, có rất nhiều ý kiến bày tỏ đồng quan điểm, vì thực tế ở Việt Nam nói cấm mại dâm nhưng mại dâm vẫn phát triển mạnh.
“Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không, nó vẫn tồn tại”. Đây là nhìn nhận của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trong cuộc đối thoại trực tuyến với người dân ngày 24/7/2012.
Ông Cường không phải là người đầu tiên nhưng là quan chức cao cấp nhất bày tỏ quan điểm về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là chủ đề nhạy cảm và sẽ còn gây nhiều tranh cãi.
Trước đó, tháng 6 vừa qua, đại tá Hồ Sỹ Tiến, quyền Cục trưởng Cục CSĐT về TTXH (C45-Bộ Công an), đã bày tỏ: “Chúng ta nên có một sự nhìn nhận rằng mại dâm là một hiện tượng xã hội cần giải quyết lâu dài. Thực tế là vấn đề này Quốc hội cũng đang bàn luận. Có một số ý kiến nêu ra quan điểm công nhận đó như một “nghề” với những quy chế hoạt động đặc biệt, công khai hóa thì sẽ quản lý dễ hơn”.
Đề xuất này đã vấp phải sự phản đối gay gắt, tuy nhiên người ta vẫn không đưa ra được một giải pháp khả thi để có thể xử lý triệt để tệ nạn này.
Đến năm 2013, đề xuất này lại tiếp tục được nhắc lại ý tưởng táo bạo: thí điểm quy hoạch một “khu đèn đỏ” để quản lý hiệu quả gái mại dâm tại TP HCM.
Đề xuất này sau đó cũng không nhận được sự ủng hộ. Trước những tranh luận trên, Thiếu trướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm khẳng định, không thể coi mại dâm là một nghề vì trái với thuần phong mỹ tục, với văn hóa truyền thống.