Chân dung đại gia Việt thâu tóm khách sạn “khủng” tại Paris
Tuần trước, báo giới Pháp không khỏi choáng váng, khi một triệu phú gốc Việt Hoàng Chúc đã tung ra tới 200 triệu euro, để sở hữu khách sạn 4 sao hơn 700 phòng, lớn thứ ba Paris. Nhưng ít ai biết rằng ông Chúc đã mất 10 năm để theo đuổi thương vụ.
Sức nóng của thương vụ này có thể được thấy trên các mặt báo Pháp, khi Le Monde, một trong những tờ báo lớn nhất Pháp và châu Âu có bài viết chi tiết về thương vụ, với dòng tít “Triệu phú từng muốn mua tháp Eiffel” trở thành chủ nhân khách sạn Nikko.
Tờ Les Echos thì nhấn mạnh “Một triệu phú gốc Việt thành chủ nhân khách sạn Nikko bên bờ sông Sein”. Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cũng loan báo: “Khách sạn Nikko giữa Paris về tay doanh nhân Pháp gốc Việt”.
Sở dĩ thương vụ này có sức hút lớn một phần là do đây là khách sạn lớn thứ ba Paris, lại nằm ngay gần tháp Eiffel. Theo Le Monde, với quy mô 764 phòng tiêu chuẩn 4 sao, cao 100m, khách sạn Nikko, mà nay có thương hiệu mới là Novotel Paris Eiffel Tower, chỉ kém hai đàn anh là Le Meridien (1.025 phòng) và Hyatt (950 phòng) về quy mô.
|
Triệu phú Hoàng Chúc khiến cả thế giới xôn xao khi đòi mua lại cả tháp Effel. |
Ngoài ra, báo giới Pháp còn đặc biệt quan tâm tới thương vụ này bởi người đứng đằng sau nó là ông Hoàng Chúc, 71 tuổi, một triệu phú gốc Việt từng suýt chút nữa mua được công ty quản lý tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp hồi năm ngoái.
Là một người giàu có, thành đạt và từng được chính phủ Pháp tặng Bắc đẩu bội tinh, nhưng ông Hoàng Chúc là một người rất kín tiếng và ít xuất hiện trên mặt báo.
Sinh ra trong một gia đình khá giả có tiếng ở miền Bắc, với tổng cộng 9 anh em, ông Chúc sang Pháp từ năm 1961, khi mới 17 tuổi để theo học tại trường St.Louis, Paris. Sau đó ông đã thi đậu và tốt nghiệp đại học Bách khoa danh giá, nhưng lại quyết định đi theo ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn. Đến năm 1975 ông nhập quốc tịch Pháp.
Ngày nay, ông Chúc đang nắm trong tay khoảng 40 công ty. Trong đó đáng chú ý nhất là Big Ben Interactive, một nhà phân phối phụ kiện trò chơi điện tử nổi tiếng tại châu Âu, nơi ông sở hữu 19% cổ phần.
Theo đánh giá của tạp chí Challenges, vị doanh nhân 71 tuổi này đang xếp hạng 176 trong số những doanh nhân giàu nhất nước Pháp, với khối tài sản ước tính 290 triệu euro.
Tự nhận xét về mình, ông Chúc cho rằng mình là người thích và thạo việc “xoay chuyển hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp”. Hoạt động đầu tư của ông chủ yếu diễn ra bên ngoài nước Pháp, một phần là vì chính sách thuế kém hấp dẫn tại đây. “Người Mỹ đánh thuế con gà sau khi nó đẻ trứng, còn ở Pháp con gà phải nộp thuế để được đẻ trứng”, ông Chúc ẩn dụ.
Nhận xét về thương vụ 200 triệu euro vừa thực hiện, ông Chúc tin rằng đây là “một thương vụ hời”, nhưng mọi việc vẫn còn ở phía trước.
“Vụ mua lại này mới chỉ là bước khởi đầu. Tôi đã theo đuổi nó suốt 10 năm”, ông Chúc chia sẻ trong lúc ngồi tại nhà hàng có tên Table of Vietnam, tại Paris mà ông sở hữu.
Trước khi tung 200 triệu euro mua lại, ông Chúc đã sở hữu gián tiếp khách sạn trên khi nắm 15% cổ phần tại quỹ đầu tư Effi 1 Invest, đơn vị có nắm cổ phần tại khách sạn Nikko. Năm 2014, khi quỹ này quyết định bán tài sản và giải thể, vị doanh nhân gốc Việt đã nhanh tay nắm lấy thời cơ sở hữu khách sạn lớn thứ ba Paris.
“Có nhiều bên chào giá khác nhưng chúng tôi đã đưa ra mức giá sát nhất”, ông Chúc tiết lộ. Cũng vì mong muốn thâu tóm khách sạn này mà ông đã quyết định rút lui khỏi thương vụ thâu tóm công ty quản lý tháp Eiffel để dồn vốn mua lại Nikko.
Theo tờ Le Monde, đây là thương vụ lớn đầu tiên của nhà đầu tư 71 tuổi này tại Pháp. Dù vậy, vẫn còn cả một chặng đường dài phía trước đang đợi ông Chúc, bởi hoạt động kinh doanh của khách sạn Nikko đang gặp nhiều khó khăn.
Được xây dựng từ năm 1976 bởi hãng hàng không Japan Airlines, tại quận 15 trung tâm Paris, Nikko chủ yếu đón tiếp phi hành đoàn và khách hàng của hãng hàng không Nhật. Cũng vì vậy, khách sạn này nổi tiếng với nhà hàng phong cách Nhật mang tên Benkay.
Tuy nhiên, hơn chục năm qua, hoạt động kinh doanh tại đây đã gặp trở ngại bởi các công trình xây dựng xung quanh, cũng như hoạt động cải tạo bên trong khách sạn. “Với tất cả những công trình xây dựng đó, cùng tiếng búa đóng cọc, chúng tôi đã phải giảm giá để thu hút khách hàng”, Hoang Nicolas, con trai của ông Chúc, người đang điều hành công ty đầu tư MI29 của gia đình, cho biết.
Các nhân viên của Japan Airlines vẫn là khách hàng thường xuyên tại đây nhưng mức giá thuê phòng họ trả rất thấp. Hệ quả là doanh thu của khách sạn đang rất thấp, chỉ 123 euro/phòng/ngày, “thấp hơn trung bình 30% các khách sạn thuộc cùng phân khúc”, vị chủ sở hữu mới cho biết.
Dù vậy, ông tin tưởng vào sự hợp tác và kinh nghiệm của đối tác quản lý Accor. Hai bên đã ký hợp đồng, theo đó Accor sẽ quản lý Novotel Paris Eiffel Tower trong ít nhất 11 năm. “MI29 sẽ đóng góp về mặt tài chính, cùng với Accor, để tiến hành cải tạo và làm đẹp khách sạn này”.
Tỷ phú Hoàng Kiều
|
Vị tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều (giữa) đứng thứ 4 trong số các tỷ phú nhập cư vào Mỹ. |
Giữa năm 2014, báo chí Mỹ nhắc khá nhiều tới vị tỷ phú Hoàng Kiều lọt vào top 500 người giàu nhất nước Mỹ do Forbes bình chọn.
Cái tên Hoàng Kiều nhanh chóng được biết đến và được đánh giá cao bởi tốc độ tăng trưởng tài sản cũng như tiềm năng của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế của vị đại gia gốc Việt.
Vị tỷ phú gốc Việt này đứng thứ 4 trong số các tỷ phú nhập cư vào Mỹ mới nổi với khối tài sản bất ngờ tăng mạnh từ mức 1,6 tỷ USD trong bảng xếp hạng hồi tháng 3 lên 2,8 tỷ USD.
Vị tỷ phú hiện đang sống tại Los Angeles của Mỹ nhưng sở hữu công ty chuyên về huyết tương có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc này chứng kiến lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, lên 28 triệu USD, trong khi doanh thu cũng tăng hơn 80% lên 88 triệu USD
Ông Hoàng Kiều từng có ý định đưa cuộc thi Hoa hậu Thế giới về Việt Nam vào năm 2008 và 2010 bằng cách mua lại một công ty du lịch của Tiền Giang và dự định rót 500 triệu USD cho công tác chuẩn bị và hoạt động bên lề.
Tuy nhiên, dự định không thành công, ông chuyển nhượng lại công ty cho một người em họ, chính thức rút chân hoàn toàn khỏi việc kinh doanh tại Việt Nam.
Tỷ phú Chính Chu
|
E.Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty ... |
Hiện tại, Chính E.Chu đang là giám đốc cấp cao của tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ). Chính E.Chu sở hữu trong tay số tài sản lên tới 1,1 tỷ USD. Biệt tài mà mọi người nhớ tới ông chính là khà năng "đạo diễn" hàng loạt vụ thương thuyết cho Blackstone. Nhiều người nói đùa rằng "không có thương vụ nào tuột khỏi tay Chính E.Chu".
Chính E. Chu (Chính Chu) sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ với vốn liếng chỉ vài trăm USD. Vừa đi học, ông Chu vừa đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chu có bằng cử nhân Tài chính tại Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ).
Bằng khả năng của mình, Chính E.Chu đã lần lượt "thu mua" rất nhiều tập đoàn, công ty ... thu lại khoản lợi nhuận vô cùng béo bở và trở thành một cái tên khiến phố Wall phải kiêng dè.
Bài học thành công của Chính E.Chu chính là sự kiên trì theo đuổi mục tiêu. Theo ông, chỉ cần bạn có mục tiêu và kiên trì theo đuổi nó thì thành công sẽ không quay lưng lại với bạn. Chính E.Chu được đánh giá cao ở khả năng phân tích và nhạy bén về tài chính.
Ông còn khiến phố Wall phải kiêng nể khi trở thành "đạo diễn" cho kế hoạch thu mua lại Tập đoàn máy tính Dell với giá khoảng 25 tỷ USD. Chính E.Chu chồng của ca sĩ Hà Phương (thứ hai trong số 3 chị em Cẩm Ly, Minh Tuyết, Hà Phương). Ngoài công việc Kinh doanh, hai vợ chồng Chính Chu còn tổ chức và điều hành một số hoạt động từ thiện và có 2 quỹ riêng: Vietnam Relief Effort và Ha Phuong Foundation. Cả hai vợ chồng thường xuyên về Việt Nam tham gia các hoạt động từ thiện ở nhiều vùng quê nghèo.
Phạm Đình Nguyên
|
Phạm Đình Nguyên khiến nhiều người chú ý khi mua cả thị trấn Mỹ. |
Xuất hiện tại chợ Bến Thành vào tháng 10/2014 trong trang phục cao bồi, doanh nhân mua cả thị trấn ở Mỹ, Phạm Đình Nguyên đã khiến nhiều người dân chú ý.
Việc đấu giá thành công vào tháng 4/2012 để trở thành ông chủ của Buford đã giúp tên tuổi Phạm Đình Nguyên được nhắc đến rộng rãi hơn rất nhiều. Và nay, tiếng tăm còn vang xa hơn khi “thay tên đổi họ” thị trấn Buford.
Theo ông Nguyên, việc đổi tên Bufford thành PhinDeli - ngoài mục tiêu tổ chức kinh doanh thương hiệu cà phê PhinDeli được sản xuất trực tiếp tại Việt Nam, cũng như quảng bá đến tận tay người tiêu dùng Mỹ sản phẩm cà phê Việt theo phong cách thưởng thức của người Việt - “PhinDeli còn là bàn đạp cho chúng tôi xâm nhập vào thị trường Mỹ.
Dù không đơn giản nhưng tôi có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc chinh phục đầy thử thách này”.
Tỷ phú Trần Đình Trường
Với khối tài sản ước tính lên tới hơn 1,2 tỷ USD Mỹ, doanh nhân Trần Đình Trường được coi là người Việt Nam giàu có nhất tại Mỹ. Ông là chủ của nhiều khách sạn xa hoa tại New York, đáng kể nhất phải nhắc đến là khách sạn Carter Hotel ở quảng trường Times Square.
Ông Trường quê ở Hà Tĩnh, sang Mỹ từ năm 1975 và bắt đầu kinh doanh khách sạn tại Mahattan, New York. Không chỉ là người giàu có về của cải, ông Trường còn là người hào phóng với cộng đồng. Ông đã từng chi 3,2 triệu USD để mua hai máy bay trực thăng tài trợ cho các tổ chức cứu trợ tại Ethiopia và chi 2 triệu USD tài trợ khi Mỹ gặp Sự kiện khủng bố ngày 11/09.
Với những nghĩa cử dành cho cộng đồng, ông Trường được Liên hiệp người Mỹ gốc Á vinh danh, và nhận Giải Đuốc Vàng trao tặng tại Washington D.C. Ông Trường đã từ trần và hiện khối tài sản của ông được để lại cho các con cháu tiếp tục gây dựng và phát triển.