Hàng loạt sếp ABBank lừa đảo khiến khách hàng khiếp vía?

Google News

Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng liên tục xuất hiện các thông tin về lãnh đạo các cấp của ABBank lừa đảo khách hàng và bị bắt…

Bạn đọc bất bình vì văn bản “đẩy” khách hàng vào vòng lao lý của ABBank “Có thể khởi tố Ngân hàng An Bình tội cung cấp tài liệu sai sự thật” Ngân hàng An Bình “gian dối” hòng đẩy khách hàng vào vòng lao lý?
Tin vào ABBank, khách hàng bị lừa đảo?
Tháng 4/2015, hàng loạt tờ báo đưa tin về vụ việc các sếp của ABBank lừa đảo như Trưởng phòng giao dịch Pleiku của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Chi nhánh Gia Lai có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Điều đáng nói, trong quá trình thực hiện hành vi phi pháp, đối tượng đã “mang danh” là sếp ABBank. Cũng vì quá tin vào uy tín của ABBank nên khách hàng đã bị “ăn quả đắng”.
Theo Báo Công an Nhân dân, ngày 16/4/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đặng Thanh Nhàn (43 tuổi), nguyên Trưởng phòng giao dịch Pleiku của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) Chi nhánh Gia Lai về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua khám xét nơi ở của bị can Nhàn, cơ quan điều tra đã thu giữ một số tài liệu liên quan, phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án.
Theo kết quả điều tra xác định, trong thời gian làm Trưởng phòng giao dịch Pleiku của Ngân hàng TMCP An Bình, Chi nhánh Gia Lai, Đặng Thanh Nhàn có vay mượn tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ.
Lợi dụng mối quan hệ quen biết với khách hàng Lê Đức Bảo có vay thế chấp tại Ngân hàng TMCP An Bình số tiền 5 tỷ đồng nên Nhàn nảy sinh ý định lừa đảo.
Hang loat sep ABBank lua dao khien khach hang khiep via?
 Nhiều sếp ABBank lừa đảo khách hàng, ai còn dám tin ABBank? Ảnh: Tuổi Trẻ.
Một buổi sáng ở quán cà phê trên phố núi Pleiku, Nhàn mời anh Bảo đến uống và đưa ra thông tin giả tạo, có người bạn đến kỳ đáo hạn món nợ 3 tỷ đồng nhưng đi xa, không ký được. Nhàn nhờ anh Bảo vay giúp 3 tỷ đồng để đáo hạn lấy lời.
Anh Bảo tin thật nên đã giới thiệu Nhàn cho người quen chuyên cho vay đáo hạn ngân hàng là Nguyễn Thị Nga ở Pleiku để làm việc với Nhàn.
Khi gặp chị Nga, Nhàn nói dối là vay tiền để đáo hạn ngân hàng cho anh Bảo nên Nga đồng ý cho vay 3 tỷ đồng. Sau khi nhận số tiền trên, Nhàn sử dụng trả nợ cho nhiều người mà mình đã vay trước đó.
Theo lời hẹn, 2 ngày sau khi làm thủ tục đáo hạn xong sẽ trả lại tiền nhưng khi chị Nga, anh Bảo đến tìm gặp Nhàn thì không có nên đã tố cáo sự việc với cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật.
Tại cơ quan Công an, Nhàn đã khai nhận toàn bộ hành vi chiếm đoạt tiền của mình. Ngoài số tiền 3 tỷ đồng đã vay của chị Nga, Nhàn còn nợ của nhiều người ở địa bàn TP.Pleiku với số tiền hơn 14 tỷ đồng. Vụ án đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai tiếp tục làm rõ.
Uy tín của ABBank có “giá” nào?
Thời gian trước đó, theo Báo điện tử Chính phủ, cuối năm 2013, Cơ quan cảnh sát điều tra (C48, P8) Bộ Công an có kết luận điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại CTCP chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) và một số ngân hàng ở tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Theo đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị VKSND tối cao truy tố Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng CTCP thực phẩm Phương Nam (một doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu thủy sản) và Trịnh Thị Hồng Phượng, nguyên Phó Giám đốc Công ty, cùng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cùng bị đề nghị truy tố trong vụ án này có 25 bị can nguyên là cán bộ của 5 ngân hàng cùng tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong đó có ABBank.
Đến sáng ngày 06/11/2013, Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Ngân hàng An Bình, Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu và ông Võ Văn Trương, Trưởng phòng Quan hệ khách hàng ngân hàng này.
Các điều tra viên đã làm việc với chi nhánh ngân hàng này tại khóm 2, phường 7 (TP Bạc Liêu) từ lúc 9g đến 10g cùng ngày. Trong thời gian đó chi nhánh vẫn hoạt động bình thường.
Ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bạc Liêu cho báo chí biết hội sở Ngân hàng An Bình tại TP.HCM đã thông báo đề nghị làm việc với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bạc Liêu.
Theo ông Bình, ông Sơn và ông Trương bị bắt liên quan đến việc cho vay đối với Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng), số tiền khoảng 80 tỉ đồng. Thời điểm cho vay, Ngân hàng An Bình chưa có chi nhánh tại Sóc Trăng.
Cũng theo ông Bình, trước đây Ngân hàng An Bình định bán số nợ này cho công ty mua bán nợ thuộc ngân hàng này, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không đồng ý.
Trước việc nhiều đối tượng đang giữ chức vụ quan trọng tại ABBank, lợi dụng danh nghĩa là “sếp” để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt đã ít nhiều “lật tẩy” sự buông lỏng quản lý, dung túng sai phạm của ABBank.
Uy tín của ABBank ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cán bộ ABBank.
Câu hỏi đặt ra lúc này là nếu khách hàng đặt "trọn niềm tin" vào cán bộ của ABBank thì khi họ bị chiếm đoạt, lừa đảo, trách nhiệm của ABBank đến đâu? ABBank có đứng ra bồi thường cho khách hàng hay lại “phủi” trách nhiệm cho cá nhân?
Theo GDVN

Bình luận(0)