Uống thuốc cùng nước trái cây làm tăng độc tính

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều loại thuốc khi uống cùng nước trái cây không những làm giảm hiệu quả thuốc mà còn làm tăng độc tính của thuốc, hoặc sinh ra những chất độc hại cho cơ thể.

Theo Lương y Trần Hoàng Bảo, trái cây có nhiều loại được dùng làm thuốc đông y và là một vị thuốc rất hữu hiệu. Hơn nữa ăn trái cây cũng rất tốt sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên việc nhiều người dùng các loại nước trái cây để uống thuốc tây đã vô tình làm hại cơ thể mình vì thiếu hiểu biết.
Một số loại nước trái cây khi dùng để uống thuốc tây có thể làm giảm tác dụng của thuốc, sinh ra những chất độc hại với cơ thể hoặc làm tăng độc tính của thuốc.
 Tuyệt đối tránh không uống thuốc với nước trái cây.
Lương y Hoàng Bảo cho biết: " Trái cây có bốn tính chính: hàn (lạnh), nhiệt (nóng), ôn (ấm), lương (mát). Tùy từng loại trái sẽ mang 1 trong 2 đặc tính đó. Vì thế uống thuốc với loại nước trái cây không thích hợp sẽ làm thuốc không phát huy hết công hiệu.
Ví dụ khi uống loại thuốc có tác dụng thanh nhiệt thì không dùng chung với những loại nước trái cây có tính nóng như nhãn, vải, sầu riêng…
Ngược lại, khi uống thuốc để trừ hàn thì không nên dùng nước trái cây có tính lạnh, mát như dưa hấu, lê hay dừa...
Phần lớn các loại nước trái cây đều chứa một số chất có thể phản ứng hóa học với thuốc. Những phản ứng hóa học xảy ra có thể làm ức chế hoặc khuếch đại hiệu quả của thuốc.
Nước bưởi, cam hoặc táo ép sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thu dược chất của cơ thể. Do đó, dùng nếu dùng các loại nước đó để uống thuốc sẽ không đạt được hiệu quả điều trị bệnh.
Ngoài ra, nước bưởi còn có thể gây tác dụng phụ. Nếu dùng nước bưởi uống thuốc statin trị rối loạn lipid máu, thuốc atenolol trị tăng huyết áp... sẽ làm tăng độc tính của thuốc bởi vì chất naringin có trong nước bưởi sẽ ức chế men chuyển hóa thuốc ở gan.
Nước cam và nước táo nếu dùng để uống thuốc có thể sản sinh một chất độc hại ở đường ruột làm cản trở sự vận chuyển thuốc vào máu.
Nước chanh có thể làm một vài kháng sinh như: ampicillin, erythromycin, lincomycin mất tác dụng. Điều này không tốt cho sức khỏe bệnh nhân".
Lương y Trần Hoàng Bảo cũng cho biết thêm: "Thay vì dùng các loại nước trái cây, thì nên uống thuốc với nước lọc đun sôi để nguội là tốt nhất.
Nước đun sôi sẽ loại bỏ nhiều tạp chất gây hại cho cơ thể. Mặt khác, loại nước này sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những phản ứng hóa học có thể xảy ra khi uống thuốc.
 
Tuy nhiên, ông Bảo cũng đặc biệt lưu ý người bệnh phải chú ý nước uống thuốc không được nóng hơn 50oC vì một số loại thuốc sẽ gây phản ứng vật lý hoặc hóa học ở nhiệt độ cao, ảnh hưởng đến công dụng của thuốc.
Ví dụ như thuốc hỗ trợ tiêu hóa, vitamin, sirô ho, thành phẩm Đông y nếu uống với nước quá nóng sẽ làm mất đi thành phần hoạt tính của thuốc".
"Ngoài ra cần chú ý không nên uống nước trái cây trước bữa ăn. Chúng ta chỉ nên dùng nước ép trái cây sau bữa ăn khoảng 30 phút. 
Vì thành phần chính của trái cây là đường fructose, không cần tiêu hóa mà trực tiếp hấp thu vào ruột non. Còn cơm, thức ăn chứa protein… cần lưu lại trong dạ dày từ 1 - 2 giờ hoặc lâu hơn để tiêu hóa dần. 
Nếu uống nước trái cây ngay sau bữa ăn, thức ăn có trong dạ dày sẽ hòa lẫn với nước trái cây, khiến quá trình tiêu hóa chậm lại. Hơn nữa, nước trái cây sẽ bị nhiệt độ cơ thể tác động nên dễ hỏng và phát sinh độc tố, gây bệnh", Lương Y Trần Hoảng Bảo cho biết.
Người bệnh nên tránh nước trái cây nào.

- Bệnh nhân tiểu đường hoặc có tiền sử tiểu đường nên hạn chế tối đa uống nước ép nho và các loại trái cây có vị ngọt vì chúng chứa nhiều đường fructose, có thể gây tăng đường huyết.

- Bệnh nhân viêm loét dạ dày, tá tràng hay viêm tuyến tụy tuyệt đối không uống các loại nước ép trái cây có vị chua như: chanh, cam, táo, nho, dâu… vì loại trái cây này có nhiều chất hữu cơ làm tăng a-xít dạ dày, gây ợ nóng.

- Bệnh nhân tiêu chảy không nên uống nước ép trái cây đậm đặc vì có thể làm tình trạng tiêu chảy nặng hơn do làm tăng áp lực thẩm thấu trong ruột.

- Bệnh nhân bị sốt không nên uống nước ép trái cây ngọt vì dễ làm tăng đường huyết, khi đó các tế bào bạch cầu sẽ diệt khuẩn chậm chạp hơn.

- Không nên sử dụng muỗng kim loại để khuấy nước ép trái cây vì kim loại có khả năng phá hủy vitamin C có trong hoa quả tươi.
Ngọc Nga

Bình luận(0)