|
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình An tuổi ngoài bát tuần vẫn luôn say sưa với nghề. |
Buổi sáng trời thu Hà Nội hơi lạnh, Bảo tàng Hồ Chí Minh lác đác mấy chú cảnh vệ và một số vị trong ban tổ chức buổi lễ phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho TNXP chống thực dân Pháp trên mặt trận Điện Biên Phủ đã bắt đầu vào vị trí làm nhiệm vụ, trong đó có một vị vận bộ quần áo TNXP ôm máy ảnh đứng bên ngoài cửa hội trường, đó là Họa sĩ, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình An, 81 tuổi hiện ở số 235 phố Quan Nhân, Hà Nội. Tuy ngoài bát tuần nhưng tác phong nhanh nhẹn, da dẻ hồng hào, cười nói vui vẻ khi gặp các đồng đội của mình. Nếu ai không biết tưởng ông mới trên dưới 70 xuân.
Khi đoàn quân nhạc và đội thanh niên tình nguyện đã vào hội trường để làm nhiệm vụ, các anh hùng, các đội viên TNXP Điện Biên Phủ chống thực dân Pháp vào để nghênh tiếp các đoàn đại biểu địa phương và trung ương đến dự, lúc này máy ảnh của nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình An họa động một cách nhanh nhẹn, không kém cạnh gì với các ký giả trẻ tuổi.
Sau buổi lễ, tôi gặp ông trong phòng trà với câu chuyện tâm tình đồng đội. Ông kể, rời đội TNXP Điện Biên Phủ và công trường 111 (mở đường chiến lược Mai Châu - Ma Lù Thàng), sang cục doanh trại, Tổng cục hậu cần xây dựng kho vũ khí Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn về Hà Nội xây dựng nhà in Quân đội, nhà máy Dược phẩm 2, Bệnh viện 108. Năm 1962, ông làm báo thuộc Trung ương Đoàn. Năm 1980 làm Báo Nhân dân.
Do có năng khiếu chụp ảnh, nên 40 năm làm báo ông đã gặt hái được nhiều giải ảnh báo chí, nghệ thuật ở trung ương như Giải C của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, ký ức Hà Tây và đã được vào Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam với tước hiệu nghệ sĩ xuất sắc. Năm 2009, ông xuất bản cuốn sách "Một thời với khăn quàng đỏ" kỷ niệm 55 năm với Báo Thiếu niên tiền phong.
Tư liệu của ông qua hai cuộc kháng chiến đến nay vẫn còn nguyên giá trị như Bác Hồ hỏi chuyện mẹ Suốt, Em Hoa Xuân Tứ cháu ngoan Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt binh năm 1965... Qua các tác phẩm của ông đã được đồng nghiệp và Nhà nước đánh giá là có thành tích cao trong lao động, ông đã được tặng thưởng 4 huy chương vì sự nghiệp báo chí - nhiếp ảnh, 2 huân chương kháng chiến và lao động nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam. Năm 1973, ông đoạt giải nhất về tác phẩm "Tình bạn" tại đại hội thanh niên, sinh viên thế giới...
Hỏi về sức khoẻ, ông quan niệm, sức khoẻ là kho báu của đời người, muốn kho báu dồi dào phải thường xuyên luyện tập thân thể, sinh hoạt vật chất, tinh thần phải có khoa học.
20 năm nghỉ hưu, ông vẫn coi sự nghiệp nhiếp ảnh là "chân lý" cuộc sống, giúp ông hòa đồng với bà con lối xóm, với bạn bè đồng nghiệp. Do vậy ai cũng kính trọng ông như một tấm gương sáng.