Phẫu thuật sa niệu - sinh dục với mảnh ghép đặc biệt

Google News

(Kiến Thức) - Khi bước sang tuổi 40 và đã trải qua vài lần sinh nở, nếu thỉnh thoảng thấy bụng mình “trằn trằn”, đau lưng, bị són tiểu chị em phụ nữ đừng ngại ngùng giấu bệnh...

Theo một khảo sát nhỏ trên 130 bệnh nhân nữ từ 15-60 tuổi trong vòng 3 năm trở lại đây, các bệnh nhân mắc các triệu chứng trên có 90,2% là bị sa bàng quang, sa tử cung chiếm 59,8% và sa trực tràng 30%... Nếu không điều trị sớm, tử cung của bệnh nhân bị sa hẳn ra ngoài, không tự co lên được có thể làm viêm loét nặng, chảy máu và đại tiểu tiện khó khăn…
 Một ca phẫu thuật sa niệu - sinh dục với mảnh ghép đặc biệt.
Triệu chứng “khó nói”
Gần một năm nay, mỗi khi đi lại, chị T.T.D (43 tuổi, Q. Tân Phú, TP.HCM) hay có cảm giác khó chịu vùng bụng dưới, cứ 10 phút lại muốn đi tiểu, thậm chí còn thấy khó khăn khi vợ chồng gần gũi với nhau. Chị cảm thấy buồn phiền, khó chịu nhưng lại không chịu đi khám vì cảm thấy e ngại, xấu hổ và không dám chia sẻ với ai về những “triệu chứng kì cục” của mình. Từ một người vui vẻ, hoạt bát, chị D. trở nên mặc cảm, tự ti và dễ cáu gắt. Chị sẽ còn tiếp tục gặm nhấm đau khổ một mình lâu hơn nếu một ngày chị không hoảng hốt phát hiện thấy một khối “thập thò” lồi ra nơi vùng kín khi nằm, kéo theo đó là việc đi tiểu tiện rất khó khăn, tức nặng nơi “vùng kín” và đôi khi tiểu ra máu. Chị D. đến khám tại Khoa Niệu - bệnh viện FV thì mới biết mình bị sa tạng chậu (sa sinh dục).
TS.BS Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng Khoa Niệu, Bệnh viện FV TP.HCM cho biết, sa niệu- sinh dục hay còn gọi là sa các cơ quan vùng chậu xảy ra do tình trạng suy yếu của hệ thống cơ- dây chằng nâng đỡ của vùng đáy chậu, dẫn đến sự “đi xuống” của các cơ quan vùng chậu vào âm đạo. Theo thời gian và tuổi tác (tuổi mãn kinh), do nhiều lần sinh nở, lao động nặng nhọc sớm sau sinh, sinh khó, sinh con quá to có thể gây tổn thương các cơ vùng tầng sinh môn. Táo bón hay phụ nữ quá mập cũng là những yếu tố thuận lợi cho áp lực trong bụng gia tăng gây “đè nén” vào các cơ quan vùng đáy chậu, từ đó các cơ quan như tử cung, bàng quang phía trước hay trực tràng ở phía sau có thể bị sa xuống và nếu nặng có thể lộ ra khỏi cơ quan sinh dục ngoài.
Kỹ thuật mới trong điều trị sa tử cung
Sau khi thăm khám cẩn thận, TS.BS Michel Lacour, một chuyên gia về phẫu thuật niệu khoa có hơn 25 năm kinh nghiệm, thành viên Hiệp hội Niệu khoa châu Âu cho biết, trường hợp của chị D. khá nặng, không thể chữa trị dứt bằng cách tập vật lý trị liệu vùng tầng sinh môn hay uống thuốc. Nên TS.BS Michel Lacour hội chẩn với TS.BS Nguyễn Ngọc Tiến - Trưởng khoa Niệu, Bệnh viện FV - đã hội chẩn và quyết định cho chị D. thực hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng đem tử cung bị sa trở lại vị trí bình thường trong ổ bụng.
Trước đây, để điều trị bệnh sa sinh dục thường áp dụng phương pháp phẫu thuật Crossen tức là cắt tử cung đường âm đạo, khâu treo bàng quang, làm lại thành trước và sau âm đạo hoặc phẫu thuật Lefort tức là khâu bịt âm đạo. Phương pháp này cũng đồng nghĩa với việc đoạn tuyệt đường chăn gối của người phụ nữ.
Với phương pháp phẫu thuật nội soi có sử dụng mảnh ghép tổng hợp không tan với chất liệu polypropylene, bệnh nhân vẫn có thể sinh con, quan hệ vợ chồng. Đây là phương pháp áp dụng phẫu thuật nội soi với 3 lỗ nhỏ. Từ các lỗ nhỏ, các bác sĩ sử dụng tấm lưới nhỏ polypropylene đính các cơ quan bị sa vào ụ nhô (là cấu trúc xương của vùng chậu). Kỹ thuật này là một phương pháp mổ nội soi hiện đại ứng dụng rộng rãi hiện nay trên thế giới mang lại nhiều ích lợi cho bệnh nhân. Vì là phẫu thuật ít xâm lấn nên vết mổ rất nhỏ, thẩm mỹ, không đau sau mổ và phục hồi nhanh, đảm bảo giúp bệnh nhân sớm trở về cuộc sống sinh hoạt trong gia đình và xã hội như trước.
Thời gian phẫu thuật khoảng 90 phút và có thể xuất viện 3 ngày sau.
Chị D. chia sẻ, sau ca phẫu thuật, tôi không còn mắc tiểu nhiều như trước cũng như không còn “khối thập thò” trong âm đạo, vùng bụng dưới đã hết đau tức, vết sẹo ở bụng hầu như không thấy. Một điều quan trọng nữa là đời sống vợ chồng được trở lại như thưở ban đầu khiến tôi tự tin hơn, hạnh phúc và vui vẻ hơn nhiều…
Từ ngày 1đến ngày 31/5, bác sĩ Michel Lacour sẽ trực tiếp thăm khám và phẫu thuật điều trị cho các bệnh nhân tại khoa Tiết Niệu và Nam khoa, Bệnh viện FV (TP. HCM). Để đặt hẹn với Bác sĩ Michel Lacour, vui lòng liên hệ điện thoại: (08) 54.113.433, hoặc đặt hẹn trực tuyến tại www.fvhospital.com.
Phượng Khanh

Bình luận(0)