Nhiều bệnh nhân chết bất thường: Giám đốc BV Việt Tiệp nói gì?

Google News

(Kiến Thức) - "Bệnh nhân đang làm can thiệp tử vong, chưa làm can thiệp tử vong, làm xong, mạch đẹp vẫn tử vong. Bệnh tim thì không nói trước được”, GĐ Mạch cho biết.

Thời gian qua, thông tin tại Trung tâm Can thiệp tim và mạch máu (Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng) xảy ra nhiều vụ bệnh nhân chết bất thường sau khi điều trị tại đây, khiến dư luận vô cùng lo lắng, hoài nghi về việc các bệnh nhân chết bất thương do làm sai quy trình của bác sĩ, nhất là mới đây, một bác sĩ bị đình chỉ công tác để đợi kết luận của Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng.
Để tìm hiểu rõ thực hư, PV Kiến Thức đã về bệnh viện Việt Tiệp để tìm hiểu những thông tin liên quan trên.
Bác sĩ phẫu thuật bị đình chỉ vì sai quy trình nói gì?
Theo thống kê của Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng về những trường hợp biến chứng tiên lượng nặng, chỉ trong năm 2013, có 14 trường hợp bị biến chứng, nặng xin về khi điều trị tại Trung tâm Can thiệp và mạch máu. Đa số các trường hợp này đều do bác sĩ Lương Văn Thành, nhân viên Trung tâm trực tiếp điều trị. Trong số các trường hợp trên, nhiều trường hợp gia đình nạn nhân bức xúc khi người nhà tử vong đã kéo lên Trung tâm để đối chất, gây lên cảnh hỗn loạn như người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị Chiện phẫu thuật ngày 13/11/2013, bệnh nhân Nguyễn Thị Sắn ngày 18/2/2013…
 Bệnh viện Việt Tiệp nơi rúng động trước thông tin có hàng chục bệnh nhân chết bất thường mỗi năm tại Trung tâm can thiệp tim và mạch máu.
Ngày 22/11/2013, bác sĩ Lương Văn Thành đã phải nhận quyết định số 2054/QĐ-BVVT-TCCB tạm thời đình chỉ công tác viên chức do Giám đốc Bệnh viện Hoàng Đăng Mạnh ký đến khi có kết luận của thanh tra Sở Y tế Hải Phòng. Đồng thời, lãnh đạo bệnh viện cũng yêu cầu bác sĩ Thành cũng phải làm bản kiểm điểm về việc không tuân thủ quy trình chuyên môn kỹ thuật đối với bệnh nhân Lê Đình Thi.
Trong bản kiểm điểm gửi lãnh đạo Sở Y tế Hải Phòng về trường hợp bệnh nhân Lê Đình Thi, bác sĩ Lương Văn Thành trình bày: “Trước khi vào Trung tâm can thiệp, bệnh nhân Thi đã được khám bệnh, xét nghiệm, điện tâm đồ, siêu âm tim ở Bệnh viện Quốc tế và khoa khám bệnh theo yêu cầu. Ngày 9/11, khi làm can thiệp cho bệnh nhân, do bệnh nhân bị đau ngực, sau khi theo dõi điện đồ, huyết áp, SPO2, nhịp thở trên Monitor ở khu lưu bệnh nhân, sau đó kíp làm cùng gia đình đưa bệnh nhân vào phòng can thiệp, có đầy đủ phương tiện cấp cứu, oxi, khí nén để theo dõi trên Mac Lab. Khi chụp động mạch vành xong, tôi đã giải thích tổn thương rất nặng của hệ thống mạch vành, gia đình đã đồng ý can thiệp. Vì đã có kết quả xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm tim của bệnh nhân trước khi vào trung tâm và đang được theo dõi trên Monitor, Mac Lab nên có cơ sở để tôi tiến hành làm thủ thuật trong lúc đợi kết quả chính thức do trung tâm can thiệp cho xét nghiệm. Khi điều trị cho bệnh nhân tôi cũng chưa từng nhận được sự nhắc nhở có sự thiếu xót của đồng nghiệp và lãnh đạo bệnh viện”.
Trong bản kiểm điểm, bác sĩ Thành cũng đưa ra một ví dụ để so sánh: “Trường hợp ông Hoàng Song Mỹ (SN 1935, trú tại 268/193 Văn Cao, Hải Phòng) nhập khoa tim mạch bệnh viện Việt Tiệp năm 2009 với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp và đã dùng thuốc tiêu sợi huyết. Sau đó, gia đình bệnh nhân nhờ tôi đưa từ BV Việt Tiệp sang phòng can thiệp của Viện Tim Mạch Việt Nam để can thiệp cấp cứu cùng PGS.TS Nguyễn Quang Tuấn (không làm xét nghiệm, điện tâm đồ và siêu âm tim). Làm can thiệp xong, bệnh nhân mới làm xét nghiệm, điện tâm đồ, siêu âm tim và ông Mỹ được ra viện sau 3 ngày điều trị…Cứu người hơn cứu hỏa, nếu làm đúng khuyến cáo thì ông Mỹ liệu có làm can thiệp cấp cứu khẩn trương và có qua được cơn hiểm nghèo hay không? PGS. TS Nguyễn Quang Tuấn sau đó đã nhận giải nhân tài Đất Việt về can thiệp động mạch vành. Ngày 16/11, gia đình bệnh nhân Lê Đình Thi lên trung tâm can thiệp để cảm ơn chúng tôi”.
Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp lên tiếng?
Sau những thông tin về một số trường hợp chết bất thường tại Trung tâm can thiệp Tim và mạch máu và việc làm sai quy trình trong quá trình can thiệp của bác sĩ Lương Văn Thành, Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, ông Hoàng Đăng Mịch đã trao đổi với Kiến Thức về những thông tin trên.
Về thông tin làm sai quy trình trong quá trình can thiệp của bác sĩ Thành dẫn đến những trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng như trường hợp bệnh nhân Lê Đình Thi, ông Hoàng Đăng Mịch cho biết: “Việc bác sĩ Thành có làm sai quy trình hay không, Bệnh viện đang chờ kết quả từ Thanh tra Sở Y tế bởi Sở cũng thanh tra sâu về nguyên nhân, phân tích các trường hợp đó. Trong quá trình can thiệp đều có thiết bị tự ghi nên có tài liệu để phân tích nguyên nhân. Sau khi xảy ra vụ việc trên, Bệnh viện cũng đã rà soát lại tất cả những trường hợp từ trước đến nay để minh bạch.
 Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp ông Hoàng Đăng Mịch trao đổi với PV Kiến Thức.
Nói về những trường hợp biến chứng và tử vong khi can thiệp, Giám đốc Mịch lý giải: “Khi làm nhiều ca nặng có nhiều rủi ro. Một số ca vượt qua được, bác sĩ đã rất cố gắng. Liên quan đến bệnh tim mạch, 75 -80% tử vong trong khoảng 8 tuần đầu, nhiều trường hợp tử vong trong vòng 4 tuần đầu. Cứu sống được vài người, trong số đó là đã hài lòng nhưng cũng không đơn giản. Khi bệnh nhân bị biến chứng nặng cần can thiệp gấp, bác sĩ dễ bị tâm lý. Do diễn biến tự nhiên của bệnh, nhiều trường hợp khi tiến hành, bác sĩ phải tự quyết định lấy. Nếu chậm bệnh nhân dễ tử vong. Nhiều trường hợp bệnh nhân đang làm can thiệp tử vong, chưa làm can thiệp cũng tử vong, làm xong, mạch đẹp vẫn tử vong. Bệnh tim thì không nói trước được”.
Trả lời câu hỏi của PV về việc trong quá trình phẫu thuật và sau phẫu thuật bệnh nhân tử vong thì bệnh viện sẽ giải thích như thế nào với người thân bệnh nhân, Giám đốc Mịch bày tỏ: “Trước khi làm can thiệp, đã giải thích cho người nhà bệnh nhân về việc rủi rõ khi can thiệp và người nhà và bệnh nhân đã ký vào cam kết. Tuy nhiên, khi bệnh nhân tử vong, do tâm lý đột ngột mất đi người thân, nhiều người không giữ được bình tĩnh, có người bức xúc đập phá, chửi bới bác sĩ, khi đó họ rơi vào tâm lý nặng. Những lúc như thế, bác sĩ cũng bị tâm lý, họ phải lẳng lặng né tránh, giải quyết ngay khi đó là rất khó khăn”, ông Hoàng Đăng Mịch cho biết.
“Chưa rõ ngọn ngành không hiểu vì sao có thông tin nhiều bệnh nhân chết gây tâm lý lo lắng với các bệnh nhân khác. Với bệnh tim khi bị bệnh họ không vào trung tâm can thiệp mà lên tuyến trên thì rất nguy hiểm và rất đáng tiếc”, bác sĩ Mịch băn khoăn.
PV Kiến Thức tiếp tục cập nhật vụ việc khi có thông tin mới nhất…
Hải Ninh

Bình luận(0)