Nhật ký xúc động của bà mẹ mang thai hộ

Google News

Tôi- một bà mẹ mang thai hộ nằm trên bàn trong phòng khám sản khoa. Vị bác sĩ ân cần hỏi tôi: Chị muốn đặt vào bao nhiêu phôi?

“Tôi đã một lần nữa rơi nước mắt khi viết lại câu chuyện của mình. Lần mang thai này chẳng giống những lần trước. Tôi chẳng có phòng sơ sinh để trang trí, chẳng được chọn xe đẩy hay thậm chí là quần áo sơ sinh”, chị Jenny Brown, 48 tuổi, người Anh tâm sự với tạp chí nổi tiếng Guardian.
Tuần 1
Tôi nằm trên bàn trong phòng khám sản khoa. Vị bác sĩ ân cần hỏi tôi: Chị muốn đặt vào bao nhiêu phôi?
 Ảnh minh họa
Tôi chẳng có ý niệm gì về việc này. Trong đầu tôi lần lượt hiện lên những tình huống. Hai, ba, bốn. Không, chắc chắn không thể là bốn. Em trai tôi và vợ cậu ấy, Jane - người mà tôi đang mang thai hộ- chắc hẳn sẽ rất vui sướng nếu có một cặp song sinh, liệu có đúng thế không nhỉ? Họ không có ở đây.
Những phôi thai này được hình thành từ tinh trùng của Nick và trứng của một người hiến tặng giấu tên vì trứng của Jane (45 tuổi) đã bị suy giảm.
Cuối cùng, tôi thấy rằng ưu tiên hàng đầu là đem đến cho hai vợ chồng em trai tôi một đứa con khỏe mạnh vì tôi đã chứng kiến những vất vả và khổ sở mà cô cậu ấy đã trải qua trong nhiều năm qua. Sau khi trao đổi, bác sĩ gợi ý nên đặt 3 phôi. Chiếc xi lanh đưa vào và tôi quay đầu nhìn màn hình TV để xem những phôi thai được nhẹ nhàng chuyển vào tử cung của mình.
Tuần 2
Giờ đây tôi đang trải qua quãng thời gian “10 ngày chờ đợi”. Giống như đợi kết quả thi vậy, thậm chí kết quả càng quan trọng hơn khi mọi niềm hi vọng của vợ chồng em trai tôi đều đặt vào tôi. Sau 9 lần IVF thất bại và 2 lần sảy thai của Jane, tôi biết họ lo lắng đến nhường nào.
Tuần 3
Tôi đã có thai. Tôi vừa vui sướng lẫn sợ hãi. Tôi đã có hai đứa con nên tôi tự tin rằng mình có thể mang thai, nhưng tôi lại sốc khi thấy mình có thể “đậu” một cách dễ dàng đến vậy trong khi người khác lại vô cùng vất vả gian nan.
 
Trong nhiều năm, nếu mở một trong các ngăn tủ của Nick và Jane, tất cả những gì tôi thấy đều là thuốc. Cuộc sống của họ là những chuỗi ngày dùng thuốc rồi buồn bã bởi thất bại và thậm chí đau đớn khi bị sảy thai. Jane luôn cố gắng gồng mình lên chịu đựng nhưng không ai có thể cầm lòng khi thấy cô ấy đau khổ. Nick cũng cố nén lòng để không làm Jane buồn thêm.
Tuần 4- 5
Tôi đã quên mất rằng mình thực sự không thích mang thai. Tôi chỉ cảm thấy thật đau khổ với ý nghĩ thậm chí mình còn không được mang con về nhà.
Tuần 6
Chúng tôi thỏa thuận không nói cho ai biết khi tôi mang thai qua tháng thứ 12. Tôi bắt đầu nói cho cậu con trai 10 tuổi của tôi. Thằng bé cau mày hỏi: “Vậy ai sẽ là mẹ?”. Hai đứa trẻ này có ba bà mẹ: bà mẹ cho trứng, bà mẹ mang thai và bà mẹ trên danh nghĩa.
Tuần 7 - 8
Tôi bị nghén nặng và thuốc chẳng giúp gì cho tôi. Tôi thường xuyên bị đau đầu và cảm thấy chán nản vô cùng. Tôi tự hỏi mình sao lại chấp nhận mang thai hộ.
Khi tôi đi siêu âm mà trông thấy những sinh linh bé nhỏ, tình mẫu tử chợt trỗi lên trong tôi. “Chúng là con của mình”, tôi thầm nghĩ.
Tuần 9-10
Tôi gặp một người bạn mà chồng của chị ấy đã bỏ đi sau nhiều năm làm IVF. Chị ấy thở dài: “Tôi sắp 50 rồi và chả có con cái gì cả”. Tôi chợt thấy mình thực sự may mắn khi đã có hai đứa con và thêm 2 đứa trẻ đang mang trong bụng.
Tôi cũng nói cho một cặp vợ chồng khác đang làm IVF về chuyện mang thai đôi của mình, anh chồng bảo tôi: “Cho chúng tôi một đứa được không?”.
Tuần 11
Lần mang thai này chẳng giống những lần trước. Tôi chẳng có phòng sơ sinh để trang trí, chẳng được chọn xe đẩy hay thậm chí là quần áo sơ sinh.
Tuần 12-13
Tôi đến phòng khám để biết giới tính của những đứa trẻ. Một trai, một gái. Tôi rời phòng khám với cảm giác sung sướng lâng lâng.
Tuần 14
Tôi đến bệnh viện mà tôi dự sinh để siêu âm. Xung quanh tôi là các cặp vợ chồng hạnh phúc. Tôi chợt cảm thấy cô đơn kinh khủng. Khi về nhà, tôi bật khóc nức nở.
Tuần 15 - 16
Tôi gọi cho mẹ và nói rằng mình mang thai. Bà im lặng một lúc lâu. Khi nghe tôi giải thích toàn bộ sự việc, bà khẽ nói: “Mặc dù mọi chuyện phức tạp đấy, nhưng có hai đứa cháu đáng yêu nữa thì quả là tuyệt”.
Tuần 17
Tôi cảm thấy Jane tỏ ra khá xa cách tôi, chẳng biết cô ấy có hiểu cho những khó khăn của tôi không.
Tuần 18
Khi tôi quyết định mang thai hộ, tôi đã tự hỏi mình có đủ dũng cảm trở về nhà sau khi xuất viện mà không mang theo con không. Và tôi nghĩ mình có thể. Tuy nhiên, mọi thứ không đơn giản như thế.
Khi đi ngang qua hàng đồ chơi, tôi thấy có một chiếc băng đô hình con thỏ rất đáng yêu. Nếu mang thai như các lần trước, tôi sẽ mua ngay. Nhưng lần này, tôi băn khoăn rằng liệu mình có được phép mua không, việc đó sẽ làm Jane buồn và cũng làm mình khó dứt ra hơn. Tôi rời cửa hàng với tâm trạng nặng nề.
Tuần 19 -20
Kết quả siêu âm rất tuyệt vời. Cả hai thai nhi đều khỏe mạnh. Các bác sĩ ở bệnh viện cố che giấu sự ngạc nhiên khi thấy tôi đã có 2 đứa con và không có chồng ở bên cạnh.
Tuần 21-22
Khi đón cô con gái ở trường về, con bé hỏi: “Mẹ không bỏ con chứ?”. Tôi khẽ đáp: “Không con yêu ạ”. Mặc dù quyết định mang thai hộ là của riêng tôi nhưng nó lại ảnh hưởng đến tâm lý của cả gia đình.
Tuần 23
Lần mang thai này, tôi như được quay lại cả một thập kỷ để cùng gia nhập với các bà bầu trẻ tuổi. Quả là thú vị.
Tuần 24 - 25
Hormon thay đổi khiến tôi dễ xúc động hơn. Nick hỏi đùa tôi: “Con của em thế nào rồi”. Tôi cáu inh lên: “Chúng là con tao, không phải của mày”.
Tuần 26 -27
Jane bắt đầu thảo luận về việc chăm sóc bọn trẻ. Cô ấy nói sẽ thuê hai vú em vì cô ấy muốn đi làm. Tôi tự nhủ rằng đó chẳng phải việc của mình.
Tuần 28
Tôi bị ngã và vô cùng lo lắng không biết có ảnh hưởng gì đến hai cái thai trong bụng không. Khi tắm, tôi cảm nhận được cô con gái đang “máy” nhưng cậu con trai thì không. Sau một đêm căng thẳng thì tôi đã thấy được cử động của cả hai.
Tuần 29
Nick và Jane đi sắm đồ sơ sinh. Tôi cảm thấy trống trải. Tại sao người mua không phải là mình?
Tuần 30
Nick viết email báo cho tôi là “đã chuẩn bị xong” và đã thuê luật sư thực hiện thủ tục chuyển quyền cha mẹ. Thế nhưng tâm lý của tôi “chưa chuẩn bị xong”. Tôi email lại và nói rằng tôi cần thời gian suy nghĩ.
Jane viết cho tôi: “Chị đáng ra không nên đồng ý làm vậy nếu chị muốn khư khư làm mẹ. Chị làm em đau lòng quá”.
Tuần 31
Tôi không trả lời điện thoại của Nick hay Jane. Tôi cần thời gian suy nghĩ.
Tuần 32
Mẹ tôi đã trấn an Jane và Nick. Tôi nói với mẹ rằng tôi không muốn giữ hai đứa trẻ nhưng tôi cũng không muốn ký vào giấy chuyển quyền cha mẹ.
Tuần 33
Bà đỡ bảo tôi: “Chị ngồi lên xe lăn đi” thì tôi nhận ra rằng mình đang gặp vấn đề. Huyết áp của tôi là 196. “Chị nghĩ là tôi bị đau tim?”, tôi hỏi. “Không, đột quỵ”, bà đỡ đáp.
Tuần 34
Bác sĩ quyết định cho tôi đẻ mổ sớm hơn một tuần vì triệu chứng tiền sản giật. Tôi băn khoăn không biết bác sĩ sẽ trao bọn trẻ cho ai khi chúng chào đời. Jane nói: “Có hai đứa nên mỗi người chúng ta bế một đứa”.
Tuần 35
Khi bác sĩ kéo ra đứa trẻ đầu tiên, họ đưa nó đi ngay vì thằng bé hơi nhỏ. Sau đó, đứa trẻ thứ hai được lấy ra và tôi gợi ý Jane bế nó. Tôi ngạc nhiên là mình không hề ghen tị. Khi tôi được đưa vào phòng hồi sức, tôi bế hai đứa trẻ trên tay và ngắm nghía chúng không chán.
Khi y tá hỏi: “Chị sẽ cho con bú mẹ chứ?”. Tôi nhìn Jane. Tôi biết cô ấy không muốn tôi làm vậy. Tôi khẽ lắc đầu, sống mũi cay xè.
Tuần 36
Hai đứa trẻ phải ở lại viện theo dõi và tôi được về nhà. Tôi đã khóc suốt trên đường về. Nhưng hai đứa con nhỏ ở nhà cũng đang cần tôi.
Vào buổi sáng thứ 7, tôi nhận được tin nhắn của Jane: “Bọn trẻ về nhà hôm nay!”. Cô ấy vui sướng còn tôi cảm thấy tan nát cõi lòng.
Tôi gửi con cho bạn bè và lên xe buýt. Tuyết bay vào cửa kính xe buýt rồi chảy dài như những giọt nước mắt. Tôi thấy lòng mình quặn lên đau đớn.
Khi tôi đến bệnh viện, mọi thứ đã được đóng gói sẵn sàng. Khi Jane ra ngoài mua đồ ăn, tôi đến bên nôi và bế hai đứa bé lên.
Khi Jane và Nick quay lại, tôi thấy rằng mình phải rời những đứa trẻ này. Tôi vội vàng chạy ra cửa nhưng vẫn không cầm được những giọt nước mắt đang lăn dài trên má.
Hai tuần sau
Những ngày đầu rất khó khăn với tôi. Có một khoảng trống lớn ở vị trí của hai đứa trẻ, tưởng như tôi đã sảy thai và chúng đã vĩnh viễn ra đi. Tôi khóc rất nhiều. Hai đứa con của tôi luôn ở bên để tôi có thể ôm chặt và trút mọi nỗi đau khổ.
Dần dần tôi cũng cảm thấy nguôi ngoai. Nick và Jane cũng đồng ý để tôi cùng tham gia nuôi dạy hai đứa trẻ.
Tôi hay nói với những đứa con của mình: “Điều đúng đắn không phải lúc nào cũng dễ dàng”. Và tôi tin điều đó. Tôi đã phải trả giá bằng rất nhiều nước mắt. Nhưng điều quan trọng là tôi đã giúp mang lại hạnh phúc và đưa vợ chồng em trai tôi lại gần nhau hơn để tạo nên một mối quan hệ chẳng thể chia lìa.
Theo GĐVN

Bình luận(0)