Các nhà khoa học xác định được rằng, canxi là nguyên tố hoạt động nhất, ảnh hưởng khá nhiều đến các bộ phận của cơ thể, nhất là quá trình hình thành xương và răng.
Nhân ngày vi chất dinh dưỡng được tổ chức đầu tháng 6 vừa qua, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng thiếu canxi trong bữa ăn của người Việt. Mức tiêu thụ thực phẩm động vật tăng nhanh kéo theo tăng lượng protein khẩu phần nhưng chưa đảm bảo tính cân đối và hợp lý cho việc cung cấp, hấp thu cũng như sử dụng canxi của cơ thể, bởi thịt không phải nguồn canxi tốt.
Mặt khác, trước đây ta quan niệm rằng, vào từng giai đoạn phát triển của cơ thể thì đưa canxi vào để thúc đẩy tăng trưởng nhưng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, duy trì chế độ dinh dưỡng canxi thường xuyên có lợi hơn là chỉ tập trung vào một thời kỳ nhất định.
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ số canxi/phốt pho trong khẩu phần ăn tối ưu nên lớn hơn 1, nhưng ở ta tỷ số này chỉ đạt từ 0,5 - 0,7, do vậy, thiếu canxi ở người Việt thường kéo dài. Tình trạng này càng trầm trọng hơn khi khẩu phần ăn ở các thành phố lớn, trong các gia đình khá giả, việc đưa quá nhiều thức ăn chứa protein vào làm tăng bài xuất canxi trong nước tiểu. Ở nông thôn thì thiếu canxi trường diễn khiến trẻ em thấp còi, phụ nữ, người già dễ mắc bệnh loãng xương.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho hay, người Việt đang thiếu hụt canxi nghiêm trọng. Hiện nam, nữ thanh niên Việt Nam đang có chiều cao thấp nhất trong khu vực: Trung bình là 1,644m ở nam và 1,548m ở nữ. Con số này ở Nhật Bản đang là 1,715m ở nam và 1,58m ở nữ. Trung Quốc có chiều cao trung bình cao nhất trong khu vực, 1,702m ở nam và 1,586m ở nữ. Bên cạnh đó, tình trạng còi xương ở trẻ nhỏ, nhuyễn xương và loãng xương ở người già của Việt Nam cũng là con số đáng lo ngại, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh.
Canxi bị đào thải qua 2 đường: Qua nước tiểu từ 150 ~ 250mg/ngày và qua mồ hôi là 30 ~ 150mg/ngày. Tức là 1 ngày, cơ thể bị hao hụt khoảng 180 ~ 400mg canxi và chúng ta cần bổ sung đủ lượng canxi đã hao hụt, nếu không cơ thể sẽ bị loãng xương do thiếu canxi về lâu dài.
Nguồn cung cấp canxi an toàn, lâu dài và thường xuyên nhất là thông qua thực phẩm (chỉ uống bổ sung canxi trong những trường hợp đặc biệt). Thực phẩm giàu canxi như sữa, phomat, sữa chua, đậu nành, bánh mỳ; các loại rau xanh (rau cải, rau bó xôi); đậu khô, trái cây có múi như bưởi, cam; các loại thức ăn nhiều đạm như cá hộp, sò, ốc.
Hàm lượng canxi (mg) trong 100g thực phẩm không kể thải bỏ như sau: Cua đồng 5.040mg, tôm nhỏ 910mg, cá dầu 527mg, sữa chua 65 - 150mg, đậu tương 165mg, rau đậu 60mg, thịt 50mg, sữa tươi 120mg. Sữa là thức ăn động vật duy nhất có tính kiềm do chứa nhiều canxi và là nguồn canxi tối ưu cho cơ thể. Bên cạnh bổ sung canxi cần quan tâm đảm bảo nhu cầu vitamin D cho cơ thể để canxi phát huy tác dụng tối đa.