|
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội |
Liên quan đến vấn đề nhiều chuyên gia nghi ngờ Bệnh viện Phụ sản hà Nội chuẩn đoán nhầm nhóm máu đối với sản phụ Nguyễn Thị Loan, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho rằngL: Khi bệnh nhân chuyển xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì có hiện tượng rối loạn nhóm máu, bệnh viện có theo dõi và kết luận tại hồ sơ bệnh án là: "Nghi ngờ do truyền nhầm nhóm máu từ tuyến dưới chuyển lên".
“Về nguyên tắc, khi tiếp nhận bệnh nhân, chúng tôi phải xét nghiệm lại ngay tại chỗ. Chúng tôi thấy kết quả là nhóm máu AB nên dừng lại ngay. Chúng tôi đã báo các chuyên gia Viện Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai và chuyển xuống đó”, ông Ánh nói.
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giải thích thêm, khi chuyển viện, các xét nghiệm xác định đó là nhóm máu AB. Tuy nhiên, 2 ngày sau, lần nữa xét nghiệm thì cho nhóm máu B. Với kết quả xét nghiệm cuối cùng như vậy, ông Ánh khẳng định: “Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây truyền nhóm máu B là đúng”.
Theo ông Ánh: “Thông thường, nhóm máu nào cũng bị rối loạn, nếu chảy nhiều đều bị rối loạn hết. Tuy nhiên, dù rối loạn đến đâu thì không làm thay đổi nhóm máu. Vì thế, bệnh nhân Loan là bệnh nhân đặc biệt".
Giải thích về kết luận truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Loan, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cho rằng: “Lúc đầu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chỉ nghi ngờ, chứ chưa khẳng định là truyền nhầm máu. Mình đã có công văn báo cáo lãnh đạo Sở Y tế”.
Về phương diện pháp luật, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh khẳng định: “Trong vụ việc này, sản phụ không bị tử vong là may mắn lắm rồi”.
Theo luật sư Tiến, trong trường hợp kết luận cuối cùng là bệnh nhân bị truyền nhầm nhóm máu thật thì vụ việc này có dấu hiệu phạm tội vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, Vì, nó đã gây ảnh hưởng đến sức khoẻ bệnh nhân.
Trước đó, như Kiến Thức đưa tin, ngày 22/10, bệnh nhân là sản phụ Nguyễn Thị Loan (22 tuổi, trú tại xã Phú Thịnh - Sơn Tây), được các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt tử cung vì bị bệnh lý rau tiền đạo. Trong quá trình phẫu thuật, chị Loan bị mất nhiều máu cần truyền bổ sung. Theo một bác sĩ ở Bệnh viện Đa Khoa Sơn Tây tiết lộ, bệnh nhân Loan đã phải truyền tổng cộng 17 bịch máu. Tuy nhiên, khi đang tiến hành truyền máu cho chị Loan thì các bác sĩ phải chuyển sản phụ lên Bệnh viện Phụ Sản Trung ương.
Tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân Nguyễn Thị Loan bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.
Tính đến hôm nay (5/11), theo công văn hoả tốc số 7024/ BYT-VPB1 của Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội ngày 1/11, vụ việc nghi là truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Nguyễn Thị Loan tại Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây (Hà Nội) phải có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, kết luận về vụ việc trên chưa được công bố rộng rãi với các cơ quan thông tấn báo chí và dư luận.
Trước khi có kết luận cuối cùng, có rất nhiều ý kiến và quan điểm khác nhau về việc có hay không việc truyền nhầm nhóm máu cho sản phụ Loan. Như Kiến Thức thông tin, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, ông Nguyễn Đình Đính cho biết, đúng là có truyền máu cho bệnh nhân Loan khi phẫu thuật cắt tử cung bán phần vì rau tiền đạo do bệnh nhân bị mất nhiều máu. Tuy nhiên, tất cả các bịch máu truyền cho bệnh nhân đều đã được làm phản ứng chéo, kết quả không ngưng kết, đảm bảo để truyền cho bệnh nhân.
Còn GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, bệnh nhân Loan có nhóm máu B và tất cả các đơn vị máu được truyền cũng là nhóm máu B. Vì vậy, không có chuyện Bệnh viện đa khoa Sơn Tây chỉ định nhầm và truyền nhầm nhóm máu cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khi tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Loan, các bác sĩ lại chẩn đoán rằng, bệnh nhân Loan bị đông máu, nghi là do truyền nhầm nhóm máu nên đã chuyển ngay sang khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai để tiến hành cấp cứu.