Mổ tại bàn đẻ cứu sản phụ bị nhau cài răng lược

Google News

(Kiến Thức) - Nhau cài răng lược là một sản khoa nguy hiểm làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ. 

Thăm khám sau mổ đẻ cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Định Hóa. 
Tại một bệnh viện tuyến huyện miền núi tỉnh Thái Nguyên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Định Hóa đã phẫu thuật tại bàn đẻ cứu được các bệnh nhân bị chảy máu ồ ạt do nhau cài răng lược (NCRL), đờ tử cung sau sinh...
Chị Âu Thị H. (Đồng Thịnh, Định Hóa, Thái Nguyên) đến Bệnh viện Đa khoa huyện Định Hóa, Thái Nguyên sinh con lần 2. Sau khi sổ thai máu chảy ồ ạt. Nguyên nhân là do NCRL bám vào tử cung chỉ bóc tróc được một phần khiến máu chảy ồ ạt, bệnh nhân tụt huyết áp, sốc... Do rau bám chặt không bóc nhau ra bằng tay, các bác sĩ ngoại được huy động tới phòng đẻ phẫu thuật cắt toàn bộ tử cung, rau, cầm máu và cứu sống được sản phụ. Tổng lượng máu bệnh nhân được truyền là 3 lít.
Ngược lại, chị Nguyễn Thị T. (Định Biên, Đinh Hóa) do sinh khó, con to lại sinh nhiều lần (lần 4) nên sau sinh lại bị đờ tử cung - tử cung không co được, máu chảy ồ ạt, mạch và huyết áp bệnh nhân sụt nghiêm trọng nguy cơ tử vong nhanh chóng. Ngay lập tức bệnh nhân được truyền máu tối đa và kíp mổ được triển khai tại phòng đẻ, phẫu thuật cắt tử cung và cứu sống bệnh nhân.
BSCK I Lương Văn Tiệp, Phó trưởng khoa Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa Định Hóa cho biết, với những tai biến sản khoa này, sinh mạng người bệnh được tính bằng từng giây, từng phút, chậm trễ là nguy tới tính mạng nên đòi hỏi các bác sĩ phải mổ cho bệnh nhân ngay tại phòng đẻ.
NCRL là một sản khoa nguy hiểm góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ. Bình thường khi thai làm tổ trong lớp niêm mạc tử cung (lớp màng rụng) sẽ hình thành bánh nhau để cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi. Sau khi sinh bánh nhau sẽ bong ra một cách dễ dàng. NCRL là tình trạng bánh nhau bám quá sâu vào tử cung, có thể bám rất chắc vào cơ tử cung, thậm chí có thể xuyên thủng cả lớp cơ tử cung, lớp thanh mạc tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang, ruột. 
NCRL không tróc được một cách tự nhiên hay chỉ tróc một phần gây băng huyết sau sinh (chảy máu nhiều ngay sau sổ thai hay sau khi cố gắng bóc nhau bằng tay). Những trường hợp NCRL sau khi sinh nhau sẽ không bong và chảy máu không cầm được nên rất nhiều nguy cơ: Băng huyết sau sinh có thể truyền máu, đe doạ đến tính mạng của sản phụ; sót nhau gây nhiễm trùng sau sinh; sinh non do chảy máu nhiều. 
Để cứu bệnh nhân, ngoài việc truyền máu, tùy theo mức độ nhau xâm lấn mà cắt tử cung bán phần hoặc cản phần. Nếu nhau cài đến bàng quang hay trực tràng thì đôi khi phải cắt bỏ một phần bàng quang hay trực tràng thì mới cầm máu được. Đặc biệt, còn gây hậu quả nặng nề như dò bàng quang, âm đạo, trực tràng... Với những trường hợp này, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên khoa sản, ngoại, huyết học truyền máu, gây mê, hồi sức thì nguy cơ tử vong rất lớn. 
BS Nguyễn Tùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Định Hóa cho hay, trung bình mỗi năm bệnh viện điều trị cho 1.200-1.300 sản phụ, trong đó có khoảng 18 - 22,7% sinh khó được chỉ định bắt thai... nhưng từ năm 2008 tới nay tại bệnh viện không còn tử vong sau sinh.
Thúy Nga

Bình luận(0)