"Ấu trùng lạ" càng ngâm nước càng nở?
Vừa qua, chị Nguyễn Thị Thu Thảo trú tại Khu phố 5, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa (Đồng Nai) phát hiện 4 chiếc khăn bông mà chị ngâm trong thau nước, sinh ra nhiều ấu trùng lạ màu đen, bò loăng quăng và bơi trong nước như đỉa con. Chị Thảo cho biết, những chiếc khăn này chị mua tại chợ Tân Hiệp khoảng tháng nay và có dán mác "Made in China". Chị Thảo khẳng định: "Những chiếc khăn này từ khi mua về tôi chưa sử dụng và cũng không ngâm hay giặt chung với các vật dụng nào khác". Sau khi phát hiện sự bất thường, chị để nguyên các chiếc khăn trong thau nước và thấy ấu trùng phát sinh ngày càng nhiều.
Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng rất hoang mang. Chị Cẩm Hương ngụ phường 16, quận Gò Vấp, TPHCM lo lắng: "Nếu thật như vậy thì những ấu trùng này ẩn nấp ngay trong khăn, rửa lên mặt mà nó chui vào tai, mắt mũi thì nguy hiểm quá?".
BS Cao Trọng Ngưỡng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Nai cho biết, trung tâm đã cử cán bộ đến lấy mẫu ký sinh trùng tại nơi ở của chị Thảo. Trung tâm sẽ gửi mẫu về Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư để xác định đây là loại gì để có hướng xử lý.
|
"Ấu trùng lạ" bám vào khăn trong chậu nước tại nhà chị Thảo. |
Vải không thể nở ra ký sinh trùng
PGS.TS Hồ Sơn Lâm, Viện Vật liệu Ứng dụng TPHCM phân tích, trong các công đoạn sản xuất vật liệu sợi, vải ra thành phẩm đều qua khâu xử lý hóa học như nhuộm, hấp, sấy... Vải sẽ được nấu ở áp suất và nhiệt độ cao trong các dung dịch hóa học và các chất phụ trợ để tách, loại bỏ phần hồ và các tạp chất thiên nhiên có trong sợi. Sợi vải được xử lý bằng thuốc nhuộm, dung dịch các chất phụ gia hữu cơ, thuốc nhuộm tổng hợp... để làm tăng khả năng gắn màu và bắt màu của màu nhuộm.
Như vậy, không thể cho rằng trong vải có thể nở ấu trùng. Trừ trường hợp do vải vóc, quần áo, khăn bảo quản không tốt, quá trình trung chuyển hàng hóa từ nơi này tới nơi kia để bán, qua nhiều trung gian mới tới người tiêu dùng, khâu bảo quản không tốt cũng có thể là nơi ẩn náu của ký sinh trùng hoặc ấu trùng, nhưng thực tế chúng cũng khó có thể sinh sôi nảy nở và sống được ở trên đó.
PGS.TS Trần Thị Kim Dung, Bộ môn Ký sinh học, trường Đại học Y Dược TPHCM thì cho rằng, nếu nói ấu trùng nở trong vải hay ẩn nấp trong vải thì thật hoang đường, không ký sinh trùng hay ấu trùng nào có thể sống ở vật liệu là khăn, vải hay quần áo được. Ấu trùng cũng không thể sống và phát triển như vậy, phải có điều kiện như môi trường nước, ẩm ướt lâu dài thì nó mới tồn tại.
Ký sinh trùng là những sinh vật sống gửi, sống bám hoàn toàn hoặc một phần vào loài khác. Thường thì có hai loại ký sinh trùng là loại sống ở thú và loại sống ở người. Ghẻ, bọ chét, chấy, rận, rệp, giòi ruồi, ve bò là những ký sinh từ ngoài nhảy vào sống ký sinh ở người và vật nuôi như chó, mèo. Ấu trùng của các loại ký sinh trùng nảy nở sinh sôi ở khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, thời tiết lạnh sẽ không có. Ấu trùng này mắt thường không thấy được, phải nhìn dưới kính hiển vi, trừ giòi ruồi hay ấu trùng của muỗi là con loăng quăng mới nhìn được bằng mắt thường. Ký sinh trùng hay ấu trùng của loài ký sinh khi sinh sôi nảy nở đều tìm nơi có thức ăn để tồn tại, ví dụ cơ thể người, các loài động vật như chó, mèo, chứ nó không thể tồn tại ở các chất liệu như vải sợi, trừ khi những vật liệu kia bị ẩm mốc.
PGS.TS Trần Thị Kim Dung cũng cho rằng, vòng đời của sinh trùng rất khắt khe, phải qua nhiều ký chủ, ít nhất là 2 - 3 ký chủ trung gian, khi hội đủ các yếu tố đó nó mới sống được. Trường hợp "ấu trùng lạ" trong khăn mặt có thể là côn trùng nào đó sống ké qua, nhưng thực sự cũng khó mà sống nổi trong thời gian dài trên vải vóc. Cần xem lại môi trường sống trong nhà có ẩm thấp hay không?
Trước thông tin trên, người tiêu dùng không nên hoang mang, nhiều khi côn trùng, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở do ngoại cảnh từ một sinh vật nào đó khi gặp môi trường thuận lợi sẽ bám vào để phát triển. Xét nghiệm phân tích sẽ xác định được tên côn trùng, ký sinh trùng, giống loài và nguyên nhân xâm nhập của chúng...
PGS.TS Trần Thị Kim Dung