Lão nông bốc thuốc cứu người

Google News

(Kiến Thức) - Có người bị bệnh nan y nhờ ông chữa khỏi bệnh, sau này làm ăn kinh tế khá giả đã chụp tặng ông bức ảnh, quỳ lạy và nói ông đúng là "thần y" đã "cải tử hoàn sinh" cho họ. 

Ông Thông chia sẻ nỗi đau của các gia đình có người mất khi ăn nấm độc ở Thái Nguyên và đặc biệt là nạn dịch sởi đang hoành hành. Ông Thông bảo, hai bệnh này chữa rất đơn giản, đối với nấm độc khi ăn phải chỉ cần lấy đất hòa vào nước để uống, có thể cứu được người bệnh. Còn đối với bệnh sởi chỉ cần lấy hạt mùi rang vàng hãm như trà cho trẻ uống là khỏi.
Các cụ từng chữa bệnh cho vua Gia Long
Ông Thông cho biết, theo gia phả của dòng họ để lại, gia đình ông vốn có truyền thống bốc thuốc chữa bệnh cứu giúp cho người dân. Ông là đời 16 làm nghề thuốc. Các cụ trong gia đình ông nhiều đời làm thái y trong triều Nguyễn, từng chữa bệnh cho vua Gia Long. Năm 16 tuổi, ông được bố và ông nội chọn làm người truyền nghề. "Khi đó ông tôi có tới 16 cháu nội, tôi không phải là lớn nhất, nhưng vẫn được ông chọn để truyền nghề. Ông nội bảo chọn người làm thuốc phải có đức tính cẩn thận, không tham lam và hết lòng vì người bệnh. Ông nội nhìn nhận thấy tôi có đầy đủ yếu tố đó nên đã chọn tôi để truyền nghề", ông Thông chia sẻ.
Tuy nhiên, việc học nghề thuốc mới đầu với ông không hề đơn giản, ông phải học từ cách nhận biết các vị thuốc, sau đó phải biết các vị  thuốc đó phân bố ở đâu trên rừng để lấy về. Phải học các công đoạn đó thật thành thục, sau đó ông nội mới dạy cách nấu thuốc và phối hợp các vị thuốc để chữa bệnh. Thời trẻ, ông Thông phải mất từ 6 - 7 năm chăm chỉ học hỏi mới có thể học thành nghề. Khi ông làm xong tất cả các công đoạn để chữa một bệnh nhất định, phải đưa cho bố và ông nội thẩm định các vị thuốc đó xem đã đạt chưa mới cho ông đi hành nghề. Bởi theo các cụ làm nghề y phải thật cẩn thận, nếu xuề xòa có thể giết chết người bệnh bất cứ lúc nào.
Thuốc của ông Thông chữa bệnh là những cây trên rừng. 
Chữa bệnh hiểm nghèo
Ông Thông cho hay, ông có thể chữa được nhiều bệnh, nhưng người bệnh nhớ đến ông nhiều nhất nhờ tài chữa bệnh vô sinh. Ông chưa bao giờ khoe khoang với ai về khả năng chữa bệnh của mình mà ai biết đến và thực lòng muốn nhờ ông thì ông chữa. Người này chữa khỏi, mách cho người kia, dần dần người bệnh của ông có ở khắp nơi. 
"Bệnh vô sinh tôi chữa thành công rất nhiều người, có gia đình vô sinh do chồng, có gia đình do vợ. Khi họ đến cần mang kết quả kiểm tra của bệnh viện đến cho tôi chẩn đoán, từ đó tôi mới bốc thuốc được. Uống một thời gian sau, người bệnh sẽ đi kiểm tra để xác định hiệu quả của việc uống thuốc. Theo kinh nghiệm điều trị, tôi thấy vô sinh hiện có hai loại là vô sinh lần đầu do phụ nữ bị tắc hoặc lép buồng trứng (chiếm 80%) và vô sinh thứ phát do người chồng tinh trùng yếu (chiếm 20%). Những người bị vô sinh đa số ở thành phố, do ăn uống nhiễm hóa chất độc hại", ông Thông cho biết.
Theo danh sách những người bệnh ông Thông từng chữa, chúng tôi tìm đến gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Thị Tứ, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn. Anh Hùng cho biết, trước đây vợ chồng anh cưới nhau mấy năm nhưng không có con, đi khám ở Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa thì được các bác sĩ chẩn đoán vợ anh bị tắc vòi trứng. Sau đó họ giữ lại điều trị bằng phương pháp thông vòi trứng. Điều trị suốt mấy tháng trời không khỏi, vợ chồng anh lại đi ra Hà Nội để chữa trị, nhưng cũng không được. Nhờ người quen giới thiệu, vợ chồng anh đến nhờ ông Thông chữa. "Ngày đó tôi nhờ ông Thông bốc thuốc, vợ chồng tôi uống khoảng 5 thang thì vợ tôi mang thai, mừng rỡ quá, tôi phải nhờ ông ấy cắt thêm mấy thang thuốc giữ thai để cho yên tâm. Thời gian sau, vợ sinh cho tôi một cu cậu kháu khỉnh", anh Hùng kể.
Không chỉ chữa bệnh vô sinh, ông Thông còn chữa được nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, máu trắng.
Ông Thông kể: "Cách đây mấy năm, cháu Lê Văn Bắc, thị trấn Rừng Thông, TP Thanh Hóa bị căn bệnh u phổi, gia đình đã đưa cháu đi chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Nhờ người quen giới thiệu, gia đình mới đưa cháu đến nhà nhờ tôi chữa. Sau khi xem phim xong, tôi cũng rất ái ngại bởi bệnh của cháu đã ở giai đoạn cuối. Nhìn thấy cháu nằm liệt, tôi thương quá và quyết định nhận chữa. Tôi bốc cho Bắc 5 thang thuốc, đưa cho gia đình về sắc cho cháu uống. Bắc uống một thời gian, sức khoẻ được hồi phục, Bắc đã tự ngồi dậy ăn uống, đi lại được. Thời gian sau, tôi nói Bắc đi chụp phim lại thì niềm vui đã đến với cháu khi khối u đã thu nhỏ lại. Hiện tại, Bắc đã khoẻ mạnh, có thể làm việc bình thường".
Ông Thông bảo, những người bệnh đến với ông nhiều người chỉ còn một phần sống, chín phần chết. Họ đi khắp nơi chữa trị không được thì mới nhờ ông. Ông vẫn còn nhớ mãi trường hợp cháu Nguyễn Văn Linh, 2 tuổi ở phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo xét nghiệm của Bệnh viện Bạch Mai, cháu bị giảm tiểu cầu (bệnh máu trắng), bệnh cháu nặng không chữa trị được nên họ đã trả về. Bệnh viện giới thiệu cho gia đình đưa cháu sang nước ngoài để thay tủy sống. Nhờ người quen giới thiệu gia đình đã đưa cháu Linh đến nhờ ông Thông chữa trị. Hiện sức khoẻ của cháu đã được ổn định.
Để có được miếng cao chữa bệnh vô sinh, ông Thông phải chế biến  rất kỳ công. 
Hơn 10 tỷ đồng vẫn không bán bài thuốc
Theo ông Thông, mỗi loại bệnh ông đều có thuốc khác nhau. Với bệnh vô sinh là bài thuốc bí truyền của gia đình nấu bằng cao. "Việc nấu cao vô cùng phức tạp, phải tổng hợp rất nhiều các cây thuốc Nam trên rừng. Sau khi chế biến sạch sẽ, tôi băm nhỏ cho vào nồi nấu 2 ngày, 2 đêm cho nó cô lại thành miếng cao. Người bệnh đến chỉ cần mang miếng cao về hấp cách thủy ăn một cách dễ dàng. Bình thường người vô sinh chỉ cần ăn khoảng hơn 10 miếng cao là có thể sinh con", ông Thông cho biết.
Còn những bệnh nhân bị khối u, ông bốc thuốc cho người bệnh sắc lên uống. Thuốc đó có tới 16 vị là những cây, củ, lá có sẵn trên rừng. Khi chúng tôi hỏi ông không nói cụ thể tên các vị thuốc mà chỉ nói thuốc đó có tác dụng thông lạc, cường kiện gân cốt và đẩy lùi tiêu diệt các khối u.
Trước đây, ông lấy thuốc rất rẻ, người nào khỏi bệnh thường biếu ông vài cân lúa. Biết ông làm nhiều ruộng mà không có trâu cày, có bệnh nhân đã tặng ông con trâu để cày cấy. Con trâu đó được ông nuôi dưỡng mấy chục năm nay, nó già yếu quá, vừa rồi ông mới bán đi. Ông bảo đó là vật kỷ niệm của bệnh nhân mà ông nhớ nhất trong đời. Giờ ngoài làm thuốc gia đình ông vẫn làm 6 sào ruộng, ông làm thuốc để giúp dân nghèo, cày cấy lấy thóc gạo để sinh sống. Thế nhưng, có đại gia từng trả ông hơn 10 tỷ đồng để ông nhượng lại bài thuốc chữa vô sinh, nhưng ông lắc đầu. 
"Bài thuốc của cha ông truyền lại, sao có thể bán được. Tôi cứ làm thế, ai cần mình giúp thôi, bán đi được nhiều tiền đấy, nhưng tôi không thể truyền bài thuốc cho người ngoài", ông Thông tâm sự.
Ông Thông chữa bệnh cho người dân cũng lâu, cũng có người được ông chữa khỏi bệnh. Để đánh giá hiệu quả của các bài thuốc của ông, cần có sự nghiên cứu của các cơ quan chuyên ngành.
Ông Đỗ Mạnh Tuấn (Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Triệu Sơn)
Đại Cát

Bình luận(0)