Theo các chuyên gia, con người có thể tập luyện vào bất kỳ giờ nào miễn là phù hợp với thói quen sinh hoạt, lao động... Tuy nhiên, do nắng nóng ngày hè, phải chuyển đổi giờ tập thì nên bắt đầu với 70 - 75% khả năng so với trước đây, đồng thời xem phản ứng của cơ thể trong vài ngày đầu tiên.
Giờ nào không quan trọng
BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện 354 cho biết, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng, luyện tập thể dục thể thao vào khoảng từ 4 - 6 giờ chiều là cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ chấn thương và đạt hiệu quả vận động tối đa. Lý do vì đó là khoảng thời gian sức mạnh cơ bắp đạt đỉnh cao nhất nên sẽ ít có nguy cơ bị tổn thương, hơn nữa đây cũng là thời điểm mà con người tỉnh táo và linh lợi nhất. Tuy nhiên, thực tế trong việc rèn luyện thân thể thì duy trì chế độ tập luyện nhất quán quan trọng hơn là thời điểm luyện tập. Thời gian luyện tập sáng, chiều hay tối đều tốt, quan trọng nhất là thời gian đó phải thích hợp nhất đối người tập để có thể duy trì sự đều đặn.
Đồng quan điểm, TS Y khoa Nguyễn Văn Phú, Bệnh viện Y học Thể thao khẳng định, quan trọng không phải là tập giờ nào mà điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào thói quen tập luyện và sinh hoạt, lao động, nghỉ ngơi của từng người cụ thể. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người ta có thể tập luyện vào bất kỳ giờ nào miễn là phù hợp với các yếu tố trên. Vì thế, không có chuyện tập buổi tối thì không tốt so với tập vào các khoảng thời gian khác trong ngày. Quan trọng là buổi tối phù hợp với điều kiện của từng người, khi đó, dù có tập vào lúc 23 - 24h thì hiệu quả luyện tập vẫn đảm bảo.
|
Thời gian tập thể dục phải thích hợp nhất đối người tập để có thể duy trì sự đều đặn. |
Phải đảm bảo giấc ngủ sau khi tập
Khẳng định không có chuyện tập thể dục buổi tối gây hại, tuy nhiên, TS Y khoa Nguyễn Văn Phú cũng khuyên, vào buổi tối, đối với người tập luyện thông thường nên nên tránh các môn thể thao thiên về sức mạnh hoặc sức bền. Những môn phù hợp là các môn tĩnh lực, tốc độ phản xạ trung bình, cường độ thấp và thời gian có thể kéo dài 45 - 60 - 90 phút như yoga, thể dục dưỡng sinh, aerobic, taichi... Ngoài ra, người tập phải đảm bảo giấc ngủ về thời gian và chất lượng sau khi tập.
BS Đào Bá Vy cũng khuyên thêm, vào buổi tối cần chú ý chỉ nên đi tập sau khi ăn no 2 tiếng, hoặc chỉ nên ăn nhẹ trước giờ tập khoảng 1 tiếng và chỉ ăn sau khi đi tập về ít nhất 30 phút.
Đặc biệt, các chuyên gia cho biết, vào mùa hè, do thời tiết nắng nóng nên nhiều người đã phải thay đổi giờ tập, ví dụ chuyển giờ tập buổi chiều sang buổi tối. Việc thay đổi thời gian tập ít nhiều sẽ gây ra ảnh hưởng tới quá trình gắng sức cũng như hồi phục của cơ thể. Vì thế, người dân nên tránh việc tiện lúc nào thì tập lúc đó, dậy được sớm thì tập buổi sáng, dậy muộn thì tập buổi chiều mà buổi chiều bận thì chuyển sang buổi tối.
Trong trường hợp bắt buộc phải thay đổi giờ giấc, ví dụ như nắng nóng mùa hè nên chuyển tập từ chiều sang tối, thì cần có một số buổi tập làm nền nhằm tạo ra sự thích nghi dần dần trước khi duy trì cường độ tập với mức độ cao như trước kia. Thông thường có thể bắt đầu với 70 - 75% khả năng so với trước đây và xem phản ứng của cơ thể sau 1 - 3 buổi đầu tiên, sau đó tăng dần tới tối đa trong một tuần.
Nhiều người thắc mắc không biết thời gian luyện tập nào trong ngày thì tốt cho giấc ngủ. Thực tế, nghiên cứu khoa học đã chứng minh, dù tập buổi sáng hay chiều hoặc tối đều có tác dụng tốt với giấc ngủ. Tất nhiên, nếu tập cường độ nặng và tập quá khuya có thể sẽ ảnh hưởng tới ngủ. Tuy nhiên, một bài tập nhẹ nhàng lúc tối muộn trước khi đi ngủ 30 phút hoàn toàn an toàn với giấc ngủ.
BS Đào Bá Vy