Kem bôi, thuốc xịt chống muỗi: Coi chừng “dao hai lưỡi“

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều chị em dùng kem bôi, xịt chống muỗi đốt cho con nhưng không khỏi lo ngại việc cho trẻ tiếp xúc với những hóa chất có trong thành phần thuốc.

Vô tư bôi, xịt 
Tầng hầm trong khu chung cư nhà chị Nguyễn Thị Luận (N07 Dịch Vọng, Hà Nội) có đường cống ngầm nên rất nhiều muỗi, mỗi khi xuống hầm lấy xe là y như rằng mấy mẹ con chị lại được "tặng" vài nốt muỗi đốt. Lo ngại muỗi đốt có nguy cơ truyền bệnh cho con nên lúc nào xuống hầm là chị Luận cũng phải xịt thuốc chống muỗi khắp chân tay, mặt, cổ... cho con. Dùng nhiều thành quen, không chỉ đi xuống hầm để xe mà đi chơi tối, đi dã ngoại... chị đều lôi con ra xịt thuốc. Tuy nhiên, nhiều lúc chị cũng thấy lo ngại, không biết xịt nhiều như thế có ảnh hưởng gì không?
Cùng chung lo ngại với chị Luận, chị Trần Thanh Vân (Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) có lần phải đưa con đi khám da liễu chỉ vì  trót bôi kem chống muỗi vào cả những nốt muỗi đốt cũ mà con chị đã gãi trầy cả da, khiến cô bé chưa đến 2 tuổi suốt ngày xuýt xoa kêu đau vì sưng tấy nốt muỗi đốt sưng tấy.
PGS.TS Nguyễn Văn Châu, Khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư cho biết, thực tế trên thị trường hiện nay có nhiều các sản phẩm chống muỗi đốt, từ dạng kem, gel, dung dịch bôi cho đến các loại thuốc nước, thuốc xịt... Sản phẩm của nhiều hãng khác nhau, dù rất đa dạng nhưng đều có chung một thành phần chính là thuốc DEET, với tỷ lệ thấp nhất là 15%, tùy theo từng sản phẩm của từng hãng sản xuất và được pha trộn thêm các thành phần khác. 
PGS.TS Nguyễn Văn Châu cho rằng, tất cả các sản phẩm chống muỗi đã đăng ký đều phải đáp ứng yêu cầu kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bộ Y tế mới được phép lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, dù tỷ lệ thấp nhưng hóa chất DEET không phải là vô hại và người sử dụng cần tuân thủ các hướng dẫn ghi trên bao bì để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả sử dụng của sản phẩm. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng. Không ít trường hợp xịt vô tội vạ, nhất là khi xịt ở mặt, không để ý xịt cả vào miệng vào mắt. 
Khi dùng các sản phẩm chống muỗi cần lưu ý, chỉ xịt thuốc ở chân tay trẻ, tuyệt đối tránh xa vùng mặt cổ. 
Nguy cơ dị ứng, phơi nhiễm hóa chất
ThS.BS Nguyễn Minh Trung, Phòng khám da liễu Hữu Nghị cho hay, bất kể một loại hóa chất nào, dù tỷ lệ nhỏ cũng có nguy cơ gây kích ứng, phản ứng dị ứng với da, nhất là đối với những người có cơ địa da mẫn cảm, hoặc làn da non nớt của trẻ nhỏ. Vì vậy, tốt nhất không nên dùng các sản phẩm thuốc chống muỗi cho trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi. Ngay cả với trẻ lớn hơn, khi dùng các sản phẩm chống muỗi cũng cần lưu ý, chỉ xịt thuốc ở chân tay trẻ, tuyệt đối tránh xa vùng mặt cổ vì thuốc xịt có thể bay hơi, dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp. Cha mẹ nên xịt thuốc ra tay rồi xoa cho trẻ, chú ý tránh vương vào mắt, mũi, miệng. 
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Châu khuyến cáo người sử dụng không nên bôi, xịt thuốc vào các vùng da hở như vết thương, nốt muỗi đốt cũ đã gãi trầy xước, dễ khiến cơ thể có nguy cơ phơi nhiễm hóa chất qua các vùng da hở này, thậm chí có thể dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng, sưng viêm...
Các chuyên gia cho rằng, quan trọng hơn việc bôi, xịt thuốc chống muỗi cho trẻ là vệ sinh nhà cửa, nơi vui chơi, sinh hoạt để đảm bảo sự sạch sẽ, thoáng mát, tránh tạo thành nơi trú ngụ, sinh sản của muỗi. Muỗi là loài hướng quang, vì vậy phần lớn các loại muỗi sẽ xâm nhập vào trong nhà lúc chạng vạng tối. Hạn chế mở cửa vào khoảng thời gian này sẽ giảm thiểu được sự di chuyển của muỗi từ bên ngoài vào trong phòng. Có thể lắp lưới chống muỗi ở các cửa sổ hoặc cả cửa chính, giúp ngăn ngừa muỗi và các loại côn trùng xâm nhập, đồng thời vẫn đảm bảo ngôi nhà có đủ không khí trong lành.
Để chống muỗi, tốt nhất không nên cho trẻ mặc quần áo tối màu. Thường xuyên giữ vệ sinh cho trẻ sạch sẽ. Không nên xịt nước hoa hay dùng các sản phẩm chăm sóc da có mùi thơm, bởi chính mùi mồ hôi hoặc những mùi thơm này sẽ "dụ" muỗi đến gần trẻ.
PGS.TS Nguyễn Văn Châu
Đức Anh

Bình luận(0)