Hơn 40 học sinh bị đâm vật nhọn nghi nhiễm HIV, Bộ Y tế vào cuộc

Google News

(Kiến Thức) - Việc một nhóm học sinh Thanh Hóa dùng vật nhọn nghi dính máu HIV đâm các bạn khiến dư luận hoảng hốt. Bộ Y tế đã kiểm tra và tìm giải pháp.

Hoang mang
43 học sinh lớp 9 và lớp 8 của trường Trường THCS Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đùa nghịch đã dùng que thép, nan hoa trêu chọc nhau. 
 
Trò đùa nghịch ban đầu tưởng không có vấn đề gì quá nghiêm trọng vì có em chỉ đau nhẹ, có em hơi sây sát  chỗ bị châm. Tuy nhiên, sự việc trở nên nghiêm trọng khi các cha mẹ học sinh biết rằng trong số trẻ bị đâm vật nhọn đó có một nam học sinh lớp 8 nhiễm HIV do lây truyền từ mẹ. Lo lắng con mình có khả năng nhiễm HIV, một số phụ huynh đã yêu cầu nhà trường giải quyết và xét nghiệm HIV cho các cháu.
Ngay sau sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã chỉ đạo Cục phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Sở Y tế Thanh Hóa và các cơ quan hữu quan kiểm tra vụ việc và kịp thời có giải pháp. Cục phòng chống HV/AIDS đã vào làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa và huyện Thọ Xuân.
Không có nguy cơ phơi nhiễm
Theo kết quả kiểm tra sức khỏe và đánh giá nguy cơ của 38 em học sinh bị châm chọc, Sở Y tế Thanh Hóa khẳng định không có nguy cơ phơi nhiễm HIV/AIDS nên không cần thiết phải điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus (ARV).
Ths.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cũng cho biết, trong sự việc trên, không em học sinh nào cần dùng thuốc dự phòng điều trị kháng virus.
Giải thích rõ thêm, Ths.BS Hoàng Đình Cảnh cho rằng: khả năng lây nhiễm HIV từ người này sang người khác phụ thuộc vào nhiều yếu tố của phơi nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm HIV cao khi: máu của người nhiễm HIV có nồng độ virus cao, tiếp xúc với số lượng máu nhiều, bị đâm sâu trong cơ, thời gian từ khi vật sắc nhọn đâm vào người nhiễm HIV sang người khác ngắn vì HIV rất dễ bị tiêu diệt khi ra khỏi cơ thể người. Trong khi đó kim tiêm có độ rỗng và lượng máu chứa trong kim tiêm sẽ nhiều hơn so với trên vật sắc nhọn không có nòng. Do đó xác suất lây nhiễm trong trường hợp này có thể còn thấp hơn rất nhiều.
“Các em châm chọc nhau một cách ngẫu nhiên nên không phải 43 em đó đều bị phơi nhiễm với HIV từ em học sinh bị nhiễm HIV, thực tế em học sinh bị nhiễm HIV cũng chỉ bị châm chọc có 2 lần và qua quần bò nên khó dính máu nếu có bị tổn thương” Ths.BS Hoàng Đình Cảnh nói.
Học sinh nhiễm HIV đã và đang được điều trị bằng thuốc kháng virus và sức khỏe rất tốt.
Lệ Hà

Bình luận(0)