Gặp vị Tiến sĩ “cứu tinh” của bệnh nhân tâm thần

Google News

(Kiến Thức) - Là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điều trị trầm cảm, T.S Tô Thanh Phương đã nỗ lực tạo nên nhiều đột phá trong ngành tâm thần học.

Tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương (SN 1959) - Phó Giám đốc kiêm Trưởng khoa cấp tính nữ - Bệnh viện Tâm thần Trung ương I (Thường Tín, Hà Nội) là Tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực điều trị trầm cảm. Ngày 7/10/2014, ông được chọn là một trong 42 Trí thức nhận Bảng vàng vinh danh “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)...
Luận án Tiến sỹ "Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thầncủa ông được đánh giá là đã tạo ra một bước đột phá đối với ngành tâm thần học.
Phương pháp chữa trị mang tính đột phá trong lĩnh vực trầm cảm của Tiến sỹ, Bác sỹ Tô Thanh Phương là sử dụng thuốc an thần kinh kết hợp với thuốc trầm cảm (Amitriptyline) mà trên thế giới chưa hề có một tài liệu nào đề cập đến. Sử dụng phương pháp điều trị này, Tiến sỹ Phương đã chữa khỏi cho rất nhiều người bệnh trầm cảm ở nhiều mức độ khác nhau (nhẹ, trung bình, nặng (không loạn thần và có loạn thần)... mang lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình.
Nhân “Ngày Thầy thuốc Việt Nam - 27/2”, PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn đối với T.S Tô Thanh Phương về công trình nói trên cũng như những khó khăn trong quá trình đi tìm các phương pháp chữa trị căn bệnh trầm cảm của ông.
Gap vi Tien si “cuu tinh” cua benh nhan tam than
T.S.B.S Tô Thanh Phương người tạo nên bước đột phá trong lĩnh vực điều trị trầm cảm mà chưa nơi nào trên thế giới nghĩ ra.
- Xin Tiến sĩ cho biết, điều gì đã đưa ông đến với công trình nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh trầm cảm bằng “Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần” mà trên giới giới chưa có ai đề cập?
T.S.B.S Tô Thanh Phương: Năm 1986, tôi về làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I. Trong giai đoạn này bệnh viện vô cùng khó khăn, đội ngũ y bác sĩ thì thiếu kiến thức, kinh nghiệm, các cơ sở vật chất thì nghèo nàn lắm dường như không thể đáp ứng được việc chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần được đưa vào. Đặc biệt, khi các bệnh nhân tâm thần được chuyển vào đây họ rất nguy hiểm, một số y bác sỹ còn bị bệnh nhân đánh vỡ quai hàm, bẻ gãy tay… 
Cũng bởi lý do này nên nhiều bác sỹ không dám ở lại công tác mà phải chuyển đi. Nhiều lúc tôi cũng nghĩ rằng: “Chẳng nhẽ cuộc đời mình đến thế này thôi sao?”. Mặc dù rất bi quan, chán nản nhưng tôi vẫn quyết định ở lại.
Từ những cái khó khăn ấy, tôi đã tự mình đi học tiếng Pháp sau đó thi đỗ và sang Pháp học (1995). Từ khi sang bên Pháp tôi nhận thấy phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm của họ rất hay và giải quyết được cho rất nhiều bệnh nhân, còn bên Việt Nam mình lúc bấy giờ tăm tối lắm, trong khi đó bệnh nhân được đưa đến bệnh viện Tâm thần Trung ương I chẳng khác gì đẩy vào nhà tù. Sau 1 năm học tôi đem theo nhiều cuốn sách nghiên cứu chữa trị bệnh trầm cảm đang thịnh hành từ bên Pháp về Việt Nam và áp dụng điều trị cho các bệnh nhân. Theo như các phương pháp điều trị trong sách thì bệnh nhân trầm cảm chỉ dùng thuốc trầm cảm và thấy hiệu quả không cao.
Đến năm 2002, tôi quyết định sang Pháp lần thứ 2 để hỏi thầy giáo đã dạy tôi về phương pháp chữa trị bệnh trầm cảm, sau đó làm thử “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần”.
Ban đầu, khi nghiên cứu "Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần" tôi bị rất nhiều người phản đối song nghĩ về người bệnh phải khổ sở, mức độ nguy hiểm ngày càng bộc lộ ra vì không có phương pháp chữa trị, các bác sỹ thì nơm nớp lo sợ nên tôi quyết định mạo hiểm thực hiện cho bằng được. Khi thành công rồi thì phương pháp chữa trị này được nhân rộng ra... tôi rất vui mừng.
Gap vi Tien si “cuu tinh” cua benh nhan tam than-Hinh-2
 Những cuốn sách trong số rất nhiều cuốn điều trị bệnh trầm cảm mà T.S Tô Thanh Phương đem từ Pháp về Việt Nam được ông lưu giữ rất cẩn thận.
Được biết, ông còn thực hiện khá nhiều đề tài có ý nghĩa và thực tiễn cao trong lĩnh vực điều trị bệnh trầm cảm. Trong đó, đề tài:“Bước đầu đánh giá hiệu quả của kích thích từ xuyên sọ trong hỗ trợ điều trị ảo thanh kéo dài ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể Paranoid” cũng lần đầu tiên nghiên cứu ở Việt Nam và rất thành công. Xin ông chia sẻ một chút về nghiên cứu này?
T.S: Tô Thanh Phương: Đối với lĩnh vực ảo thanh kéo dài ở bệnh nhân trầm cảm và bệnh nhân tâm thần phân liệt có ảo thanh kéo dài trên 6 tháng không có loại thuốc nào chữa được. Đặc biệt ở các bệnh nhân này luôn có tiếng nói trong tai xui làm những điều không ý thức được, nguy hiểm hơn có thể giết người, tự tử, bỏ nhà đi lang thang…
Trước những triệu chứng của người bệnh tôi đã tiến hành làm đề tài này và dùng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ kết hợp với thuốc an thần kinh điều trị ảo thanh kéo dài cho thấy một kết quả đáng khích lệ (52% bệnh nhân hết hoàn toàn ảo thanh). Thành công này bước đầu đã góp phần giải quyết được bế tắc của các thầy thuốc tâm thần khi gặp phải loại bệnh nguy hiểm.
Để có được những thành công to lớn, tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực điều trị bệnh trầm cảm, động lực nào đã giúp ông làm được như vậy?
T.S.B.S: Tô Thanh Phương: Chia sẻ về động lực giúp tôi nghĩ ra những nghiên cứu, đề tài điều trị bệnh trầm cảm có lẽ là từ những người bệnh. Khi bản thân thấy họ khổ sở, vào bệnh viện mà giống như xuống "địa ngục", không có lối thoát... Chính những điều này đã thôi thúc bản thân tôi phải làm sao tìm ra phương pháp chữa trị đúng đắn cho các bệnh nhân.
Gap vi Tien si “cuu tinh” cua benh nhan tam than-Hinh-3
T.S.B.S: Tô Thanh Phương ân cần hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân của mình.
Trong suốt quá trình công tác trong ngành y và làm việc tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, kỷ niệm đặc biệt nào khiến ông nhớ nhất?
T.S. Tô Thanh Phương: Nói về những kỷ niệm từ ngày theo nghề y, có lẽ tôi nhớ nhất lần vừa vào công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I được mấy tháng. Lúc đó có một bệnh nhân nam bị chứng bệnh trầm cảm trốn bệnh viện chạy ra ngoài, điều đặc biệt bệnh nhân này lại là giảng viên võ thuật của trường ĐH An ninh, người rất cao to. Hôm đấy lại thuộc ca trực của tôi, nghe tin bệnh nhân trốn viện ra ngoài tôi và một y tá nữa đèo nhau trên chiếc “xe cá ươn” (mobylette).
Khi đi về phía Nam, cách bệnh viện cũng khá xa chúng tôi thấy bóng dáng bệnh nhân nhưng rất sợ vì người này có võ lại to cao. Lúc này, cả hai chẳng biết làm thế nào nếu lao thẳng tới trói lại chỉ sợ bị đánh vì bệnh nhân có võ… Rồi chúng tôi bám từ từ theo phía sau, thấy bệnh nhân mất cảnh giác tôi đã nhảy khỏi xe máy bất ngờ quàng tay qua cổ, ôm lấy bệnh nhân, y tá đi cùng cũng ném xe máy sang một bên lao tới cùng khống chế, vài phút sau bệnh nhân ấy cũng bị trói lại rồi chúng tôi đưa lên xe máy chở về bệnh viện”.
Thưa ông, xin ông chia sẻ một chút về những dự định sắp tới của mình trong năm 2015 cũng như lời khuyên đối với thế hệ trẻ đã và đang theo ngành y, đặc biệt, trong lĩnh vực điều trị bệnh tâm thần?
T.S.B.S: Tô Thanh Phương: Tương lai tới tôi cũng có khá nhiều dự định, những dự định ấp ủ to lớn và tâm huyết nhất là viết một quyển sách về các công thức trầm cảm điều trị các dạng bệnh trầm cảm để lại cho thế hệ sau này.
Tôi chỉ mong thế hệ trẻ hãy cống hiến hết mình, làm việc nhiệt tình, luôn đặt cao trọng trách của người thầy thuốc lên hàng đầu. Đừng thấy chút khó khăn mà từ bỏ người bệnh, vì được chữa trị, chăm sóc cho người bệnh khỏi bệnh đó chính là niềm vui lớn cho những người bác sỹ.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ!
Tiến sỹ, Bác sỹ Tô Thanh Phương, SN 1959, tại Hà Nội. 
- Năm 1982, ông tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội.
- Từ năm 1982-1985, ông về công tác tại Trường sỹ quan Chỉ huy kỹ thuật Tên lửa -  Ra đa
- Năm 1986, ông về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho đến nay. 
- Năm 1995, ông Tô Thanh Phương sang Pháp tiến hành nghiên cứu về chuyên ngành tâm thần. Ngày 18/1/2005, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về chuyên ngành trầm cảm (nặng) và trở thành tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam nghiên cứu về lĩnh vực này.
- Năm 2012, ông là Tiến sỹ, bác sỹ cao cấp - Trưởng khoa Bán tính nam: 3/2012, ông giữ chức vụ Trưởng khoa cấp tính nữ - khoa nhận các bệnh nữ cấp tính, bệnh nhân nặng, bệnh nhân nữ có liên quan đến pháp luật của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho đến nay.
- Ngày 7/10/2014, ông là một trong 42 Trí thức được nhận Bảng vàng vinh danh “Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)...
Ngoài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng rối loạn trầm cảm nặng và điều trị bằng Amitriptyline phối hợp với thuốc chống loạn thần”, T.S.B.S Tô Thanh Phương còn thực hiện rất thành công nghiên cứu “Kích thích từ xuyên sọ trong hỗ trợ điều trị ảo thanh kéo dài ở bệnh nhân tâm thần phân liệt thể Paranoid”. 
Đây cũng là đề tài đầu tiên được nghiên cứu ở Việt Nam bởi phương chữa bệnh này rất mới mà hiện nay ở Việt Nam chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này một cách có hệ thống. Khi áp dụng và thực hiện phương pháp này, các bệnh nhân của T.S.B.S Tô Thanh Phương đều ăn ngủ, sinh hoạt bình thường, họ vui vẻ và dễ chịu hơn. Phương pháp chữa trị này không gây ra nhiều tác dụng cho thần kinh (chỉ buồn nôn trong lần kích thích đầu tiên xong trở lại bình thường...). 
Đặc biệt, nếu trong thời gian bệnh nhân mắc ảo thanh càng ngắn thì hiệu quả điều trị bằng kích thích từ càng cao, trong vòng 6 tháng đến 2 năm  có tới 80-100% chữa hết sau 3 đợt điều trị. Còn thời gian mắc bệnh từ  2 năm đến 5 năm chỉ có 40% hết ảo thanh...
Mạnh Hưng

Bình luận(0)