|
Ảnh minh họa |
Môn bạc hà là rau gia vị thường nấu canh chua với cá đồng, cá biển, khi dùng phải tước bỏ vỏ xơ ngoài thái ra thành từng lát xéo mỏng để sử dụng.
Theo y học cổ truyền, cọng lá cây môn bạc hà có vị cay đắng, tính bình, hơi có độc. Tác dụng hóa đàm, tiêu ứ, trừ giun, giảm đau, ho đàm khó thở. Củ rễ cây cây môn bạc hà phơi khô, tán bột, uống trị ghẻ lở chảy nước vàng, trong bụng có báng tích...
Theo dược tính hiện đại, trong 100g cây môn bạc hà phần ăn được chứa 95g nước, 0,25g protein, 3,8g carbohydrat (bột đường), 0,5 chất xơ, 25mg phốt pho, 300mg kali, 48mg canxi, 16mg magiê, 0,03mg đồng, 0,4mg sắt, 0,012mg B1, 0,013mg B2, 0,013mg PP, 3mg sinh tố C và cho 14Kcalo.
Kinh nghiệm dân gian còn dùng (thân rễ) cây môn bạc hà làm thuốc chữa phong thấp nhức mỏi, chứng đàm nhiều, ngứa dị ứng ngoài da... bằng cách cạo vỏ ngoài phơi khô, mỗi lần dùng 12 - 14g sắc uống. Củ tươi mài uống trị đàm cho người lên cơn kinh phong ngẹt đàm khó thở.
Nói chung, môn bạc hà là cây nghèo dinh dưỡng nhưng giàu sinh tố, vi lượng, là rau gia vị làm bớt ngán mùi thịt cá, tạo bữa ăn ngon cơm giúp tiêu hoá tốt. Những người, tỳ vị khí hư, người mập phì đang cần giảm cân nên ăn cây môn bạc hà. Tuy nhiên, người đang cần lên cân, đang bị đau gút không nên ăn canh chua nấu cây môn bạc hà.