|
Ảnh minh họa. |
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Đồng 1, trung bình mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 90-100 ca sởi đến khám và điều trị, trong đó khoảng 10% số ca bệnh bị biến chứng nặng phải thở máy. Đa số những trường hợp trẻ nhập viện đều chưa được tiêm ngừa vắc xin sởi.
Còn theo đánh giá của Bệnh viện Nhi Đồng 2 thì dịch sởi đang ngày càng tăng cao và diễn biến phức tạp. Có khả năng bệnh đã lây lan trong cộng đồng. Hiện tại, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho 78 trường hợp mắc sởi, trong khi đó năm 2013 thì hầu như không có trường hợp mắc sởi nào nhập viện điều trị. Tình hình này khiến khoa Nhiễm của bệnh viện trở nên quá tải, nhiều bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang.
Tình hình dịch sởi trên địa bàn TP HCM hiện vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Hiện nay, mỗi tuần tiếp tục gia tăng từ 15-20 trường hợp bệnh nhi mắc sởi. Hầu hết các quận huyện đều có ca bệnh, trong đó nhiều nhất là quận 8 (106 ca), quận Bình Tân (100 ca), quận Bình Chánh (84 ca). Mặc dù, độ tuổi mắc sởi đã mở rộng ở trẻ từ 10 tuổi trở xuống nhưng hiện nay chương trình tiêm chủng quốc gia chỉ áp dụng tiêm ngừa sởi cho trẻ từ 9 tháng – 2 tuổi nên công tác phòng chống vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Đặc biệt, hiện nay còn xuất hiện một số trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi mặc dù chưa đến độ tuổi tiêm ngừa.
Để đẩy nhanh công tác phòng chống dịch sởi, TP HCM đã triển khai công tác tiêm vét vắc xin sởi mở rộng cho trẻ từ 9 tháng đến 3 tuổi nhưng công tác tiêm chủng không đạt hiệu quả cao. Đến nay, sau 5 tuần triển khai công tác này, các cơ sở y tế trên địa bàn chỉ mới tiêm được 37.000 liều so với dự kiến là 100.000 liều.
ThS.BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM cho biết, công tác tuyên truyền cho chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi chưa đến được với người dân. Nhiều trẻ cần tiêm còn nằm ngoài danh sách thống kê của phường xã. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không đưa con đến tiêm ngừa do lo lắng độ an toàn của chương trình tiêm chủng quốc gia bởi thông tin về một số trường hợp biến chứng sau tiêm chủng xảy ra trong các chương trình tiêm chủng quốc gia. Do đó, người dân sẵn sàng bỏ tiền túi để tiêm ngừa theo dạng dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn vắc xin dịch vụ có nguy cơ thiếu hụt do số lượng trẻ tiêm ngừa tăng lên đột biến.
PGS.TS.BS Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế nhận định: Chủng virus sởi chưa biến đổi. Các trường hợp biến chứng nặng, thậm chí dẫn đến tử vong đều mắc sởi trên nền của các bệnh khác. Do đó, để đối phó với dịch sởi biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là đẩy nhanh công tác tiêm vắc xin. Bệnh cạnh đó, cần hạn chế chuyển viện vì bệnh rất dễ lây lan. Những trường hợp nhẹ nên điều trị ở các tuyến dưới, tránh tập trung lên tuyến trên để hạn chế khả năng dịch bệnh tập trung, khả năng lây lan cao. Đặc biệt, là tránh khả năng lây chéo bệnh trong môi trường bệnh viện để hạn chế ca mắc sởi trên nền của các bệnh khác.