Vào mùa hè, giầy bệt thường mang lại cảm giác thoáng, nhẹ, mát chân nên được lựa chọn thay cho giầy cao gót vì gây hại sức khoẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, không phải cứ giầy bệt là tốt. Thực tế, việc lựa chọn không chuẩn giầy bệt cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Bệt cũng gây bệnh
Ông Mike ONeill, phát ngôn viên của Hiệp hội các bác sĩ về chân tại Mỹ cho biết, sau khi các nhà khoa học công bố “hội chứng giầy cao gót” gây ra các hiện tượng như vẹo trục ngón bàn chân gây đau, tạo miếng chai lồi mất thẩm mỹ, hoặc khiến gân ở gan bàn chân bị căng giãn quá mức gây đau, thậm chí là làm tổn thương cột sống và vùng xương chậu cho bàn chân và cột sống, nhiều người đã quay sang lựa chọn giầy bệt.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, giầy bệt không hẳn là một biện pháp tốt. Nhiều người đi giầy bệt vẫn có hiện tượng đau và bị chuột rút ở đường vòng cung bàn chân, gót chân, phần mũi chân. Thậm chí, nhiều người sau một thời gian dài đi giầy bệt, bàn chân sẽ bị dồn lên trên, dẫn tới những ngón chân bị tê dại, bàn chân bị cong gập lại.
BS Đào Bá Vy, nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện 354 cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do đi giầy không phù hợp với kích cỡ, hình dáng của bàn chân. Thực tế, nhiệm vụ của giầy là bảo vệ chân, cơ và khớp toàn cơ thể, bởi nó là yếu tố trung gian giữa chân và mặt đất. Nó có thể tác động lên cơ bắp, khớp quanh cổ chân, cốt sống hay bụng.
Vì thế, việc lựa chọn giày phù hợp với bàn chân là rất quan trọng. Hiện nay, chúng ta đều chọn giầy theo sở thích, xu hướng thời trang, chứ ít để ý đến việc đôi bàn chân của mình hợp với loại giầy nào. Chính việc lựa chọn sai loại giầy đã gây ra hiện tượng mỏi chân, đau chân, đau nhức cột sống chứ không phải do đi giầy bệt hay cao gót.
|
Việc lựa chọn giầy không phù hợp với kích cỡ, hình dáng của bàn chân gây ra hiện tượng mỏi chân, đau chân, đau nhức cột sống. |
Chọn giầy phù hợp không khó
BS Emma Supple, bác sĩ phẫu thuật chân thuộc Trung tâm Sức khoẻ Quốc gia NHS (Anh) cho hay, kích thước của xương cổ chân ở mỗi người là khác nhau về quyết định độ cao lý tưởng cho giầy, dép của bạn. Đối với một số phụ nữ có hốc xương cổ chân ở mức trung bình thì độ cao của giầy từ 2,5 - 5cm là lý tưởng, nhưng một số khác lại cần đi giầy cao khoảng 7,5cm để đưa bàn chân vào đúng vòng cung (đối với những người này, đi giầy cao gót sẽ thoải mái hơn giày đế bằng).
Đối với giầy bệt, các nhà khoa học cho rằng, cũng cần xác định đôi bàn chân của mình thích hợp với những kiểu giầy như thế nào, căn cứ vào hình dáng và khung bàn chân. Lòng bàn chân có độ lõm vừa phải là mẫu bàn chân lý tưởng của những vận động viên chạy bộ, bởi cấu trúc này có thể giúp “hấp thụ” những cú va chạm. Giầy phù hợp sẽ là những đôi có cấu trúc ổn định và các tính năng kiểm soát trung bình, chẳng hạn kiểu đế bán cong, có miếng lót bên trong và miếng đỡ cổ chân (miếng lưỡi gà) gắn ổn định. Bạn có thể dùng thêm miếng lót gót chân giúp ngăn ngừa tình trạng trẹo bàn chân khi di chuyển nhanh.
Đối với lòng bàn chân bằng phẳng, không có độ cong lõm, gần như toàn bộ diện tích lòng bàn chân áp sát mặt đất khi ta đứng thẳng, khi di chuyển cấu trúc của đôi bàn chân sẽ bị đổ dồn về phía trước theo trọng lượng cơ thể, lâu ngày, sẽ gây ra nhiều chấn thương liên quan đến các bộ phận khác của chân. Giầy phù hợp cho bàn chân bằng phẳng cần có sự điều khiển chuyển động và độ ổn định cao với phần lót đế rắn chắc. Chúng sẽ có thêm tính năng điều khiển nhằm làm giảm mức độ quay xấp của bàn chân. Cần tránh những kiểu giày có miếng đệm chân dày, cong, mà thiếu tính năng ổn định lòng bàn chân.
Đối với những bàn chân lõm sâu, giầy phù hợp nên là những đôi có đệm dày, có chức năng làm giảm nhẹ độ sốc, nhằm khuyến khích bàn chân di chuyển. Tất nhiên, nên tránh những đôi giầy cứng, phẳng, với độ ổn định cao sẽ làm giảm tính di động của bàn chân.
Theo BS Đào Bá Vy, bạn cần lưu ý một số điểm khi chọn giầy:
- Giầy vừa vặn sẽ mang lại cho bạn sự thoải mái, đừng phụ thuộc vào một kích thước nhất định nào, vì tùy từng kiểu giầy, kích thước sẽ có sự xê dịch tương đối.
- Gót giầy phải chắc chắn và linh hoạt, bề mặt gót tiếp xúc với mặt đất một cách vững chãi.
- Hiện các kiểu giầy thường có xu hướng thu hẹp phần thân đến mũi. Vì vậy, bạn cần lưu ý không để phần mở rộng của bàn chân bị bó lại trong đôi giầy hẹp.
- Giầy cao gót không nên dùng để đi bộ quá lâu, vì sẽ gây tác hại trong việc làm thay đổi dáng đi, đau khớp và lưng.