Cứu bệnh nhân vỡ gan không cần phẫu thuật

Google News

(Kiến Thức) - Vỡ gan hay các tạng khác như thận, lá lách... là một trong những chấn thương bụng kín xảy ra khi có va chạm mạnh với thành bụng. 

TS Đặng Việt Dũng đang xử lý chấn thương cho bệnh nhân Ánh. 
Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện 103 vừa tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn Ánh (Chương Mỹ, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng tỉnh táo, nhưng huyết áp tụt, đau vùng hạ sườn phải, trướng bụng. Trước đó bệnh nhân bị ngã, bụng va vào tấm bê tông. Khi siêu âm, các bác sĩ thấy nhiều dịch lẫn máu trong ổ bụng, làm xét nghiệm thì hồng cầu giảm. Ngay lập tức, bệnh nhân được xử lý cấp cứu do vỡ gan, chấn thương bụng kín.
TS Đặng Việt Dũng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện 103 cho biết, chấn thương gan là tổn thương thường gặp trong chấn thương bụng kín, đứng hàng thứ hai sau chấn thương lách với tỷ lệ 15 - 20%. Do lực tác động mạnh đến vùng bụng hoặc va chạm do tai nạn giao thông mà nạn nhân có thể mắc bệnh. Tỷ lệ tử vong trong chấn thương gan chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do chấn thương bụng. Tai nạn giao thông là nguyên nhân chủ yếu gây chấn thương gan và thường nằm trong bệnh cảnh đa chấn thương với tỷ lệ tổn thương phối hợp gặp ở hơn 70% các trường hợp.
Sau khi xảy ra những va đập đến thân thể như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, rơi từ trên cao xuống... dù ngay sau đó người bệnh có thể tỉnh táo nhưng những dấu hiệu sau cần phải đề cập đến tình trạng chấn thương gan để xử trí kịp thời gồm: Có những vết bầm tím, đụng dập, sây sát ở bụng ngực bên phải; đau hạ sườn phải và có phản ứng nửa bụng bên phải, đau lan lên vai phải và đau khi ấn vào xương sườn bên phải... Đối với bệnh nhân này, anh bị tổn thương gan độ 3, hạ sườn phân thùy 6 - 8, nếu không xử lý nhanh, bệnh nhân sẽ mất nhiều máu, chướng bụng nhiều do dịch, mủ tích tụ.
Về điều trị, TS Đặng Việt Dũng cho hay, những bệnh nhân vỡ gan, trước kia phải trải qua một cuộc phẫu thuật khá tốn kém và mất nhiều máu, sức khoẻ, nhưng hiện nay chỉ những bệnh nhân có chẩn đoán vỡ gan độ IV, V mất máu nhiều và sốc nặng thì tiến hành phẫu thuật. Còn lại bệnh nhân có thể bảo tồn gan bằng cách chọc dẫn lưu dịch và máu. Trong phương pháp này, biện pháp siêu âm là "đường dẫn" để đánh dấu, xác định điểm chọc hút dịch. 
Các bác sĩ sẽ sát trùng vào điểm chọc hút dịch, gây tê, sau đó dùng kim chọc song song với đầu dò để kim qua phúc mạc, tới ổ dịch, lúc này bệnh nhân sẽ hơi nhói đau, nhưng sẽ xuất hiện cảm giác dễ chịu khi dịch chảy ra. Sau khi chọc dịch ra, bệnh nhân sẽ được xác định lượng máu mất nhiều hay ít để có phương pháp bù máu và sử dụng một số thuốc kháng sinh, chống viêm...
Phạm Hằng

Bình luận(0)