Trước tình hình mưa bão có những diễn biến phức tạp, Bộ Y tế Việt Nam mới đây đã có công điện hỏa tốc số 747, yêu cầu các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bà Rịa – Vũng Tàu và các đơn vị trực thuộc Bộ khu vực Bắc Bộ, Bắc trung bộ, Nam Bộ: Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện viện Việt Nam – Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam …cần triển khai ngay các biện pháp ứng phó với tình hình mưa bão.
Theo đó, Sở Y tế các tỉnh thành phố theo dự báo bị ảnh hưởng trong vùng của mưa bão cần chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình mưa bão phát huy phương châm bốn tại chỗ, đối phối kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, thuốc và hóa chất chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong tình trạng sẵn sàng cho tuyến dưới khi có lệnh.
Các đơn vị thuộc bộ chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị, phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra…
|
Siêu bão Rammasun đang tiến gần tới Việt Nam. |
Ngoài ra, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng đưa ra những khuyến cáo về các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau bão lũ.
Theo đó, yêu cầu người dân phải thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc viên Aquatabs hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…Các cơ sở y tế bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết để cấp cứu, thu dung, điều trị bệnh nhân kịp thời.