|
Bác sĩ Trần Tuấn. |
Bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết như vậy. Ông Tuấn nói:
- Tôi thấy có năm điểm cần phải làm sáng tỏ về vụ dịch này. Điểm thứ nhất là số trẻ chết cao bất thường, xảy ra ngay tại bệnh viện đầu ngành nhi ở giữa thủ đô, người dân hoang mang lo lắng, còn bác sĩ điều trị phải nhờ đến mạng xã hội để bày tỏ nỗi bất lực của mình trước một thực trạng đau lòng.
Điểm thứ hai, trái với sự hoang mang lo lắng của người dân và các bác sĩ nhi, từ lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (cơ quan chuyên môn đảm trách công tác theo dõi chất lượng tiêm chủng và nghiên cứu phòng chống dịch), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, tới lãnh đạo Cục Y tế dự phòng và người đứng đầu ngành y tế, tất cả dường như không xem đó là bất thường, cho rằng “chấp nhận được”, vẫn tự tin hoàn toàn dịch sởi trong tầm kiểm soát về số mắc, số tử vong.
Điểm thứ ba, báo chí và truyền hình nhà nước cũng dường như chịu bất lực trước sự bình tĩnh tự tin của Bộ Y tế. Phải chờ đến khi có cuộc thị sát của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Bệnh viện Nhi T.Ư thì thông tin trẻ chết vì sởi lên đến hơn 100 trường hợp mới được công bố cho dân chúng.
Điểm thứ tư, ngay sau khi thông tin dịch sởi bùng nổ, thay vì được nghe một kế hoạch phòng chống dịch cấp tốc, khoa học và toàn diện, cùng lời hứa quyết tâm của những người có trách nhiệm vận hành hệ thống phòng chống dịch, thì dân chúng lại được tiếp nhận thông điệp quy kết trách nhiệm do dân lo lắng, thiếu hiểu biết, không chịu tiêm văcxin và vì chính quyền địa phương không công bố dịch nên... mới ra nông nỗi này!
Điểm sau cùng, đây là nỗi đau lớn nhất, bệnh viện hàng đầu của VN về nhi khoa - Bệnh viện Nhi T.Ư - lại là tâm điểm của dịch sởi, nơi để xảy ra hàng trăm trẻ bị lây nhiễm chéo diễn ra hàng tháng trời mà không một cuộc điều tra nghiên cứu nào được thực hiện nhằm lên phương án cắt nguồn lây.
* Việc không minh bạch thông tin có ảnh hưởng gì đến triển khai các biện pháp chống dịch và huy động sức mạnh cộng đồng?
- Thiếu minh bạch về tầm mức của vụ dịch sởi, theo tôi hiểu, là muốn nói Bộ Y tế có biết chính xác quy mô vụ dịch, biết rõ con số trẻ mắc, số trẻ tử vong do sởi, số điểm dịch xuất hiện bệnh sởi ở các tỉnh thành, nhưng lại không công bố cho công luận đúng như diễn biến thực tế. Bằng chứng là trước và ngay sau chuyến thị sát của phó thủ tướng tại Bệnh viện Nhi T.Ư, số liệu báo cáo vọt từ 25 thành 108 trẻ tử vong do sởi. Cộng thêm vào đó là sự biện bạch của những người có trách nhiệm trong ngành y tế rằng 25 là số tử vong đích thực do sởi, còn 108 là số trẻ tử vong do sởi và các bệnh biến chứng sau khi mắc sởi. Dù như thế nào thì vẫn có 108 trẻ tử vong liên quan đến sởi.
Muốn biết được chính xác quy mô và mức độ nguy hiểm của dịch, Bộ Y tế, ngành y tế dự phòng và các bệnh viện liên quan phải vận hành một hệ thống báo cáo số liệu mắc và chết do bệnh một cách khoa học, trung thực. Phải có quy trình khoa học giám sát dịch sởi ngay từ đầu, các cấp có trách nhiệm phải quan tâm tổ chức kiểm tra đánh giá độ chính xác của số liệu báo cáo. Hệ thống này chỉ hoạt động khi người ta thật sự cần đến nó. Tôi muốn nói người ta cần biết sự thật để làm cơ sở cho những quyết sách thực.
Còn khi quản lý đã quen với cách làm việc không dựa trên bằng chứng nghiên cứu sẽ không có khát vọng đòi hỏi số liệu thực, không thiết tha củng cố tăng cường chất lượng số liệu thu thập, tất nhiên tình trạng “số liệu... liệu liệu mà ghi” trong các báo cáo sẽ xảy ra. Câu chuyện khác biệt của hai con số tử vong do sởi vừa qua tôi nghĩ cũng không loại trừ khả năng diễn ra theo chiều hướng đó.
* Theo ông, điểm vướng mắc nhất trong giải quyết vụ dịch thời gian qua là điểm nào? Có phải là đánh giá chưa phù hợp về quy mô của dịch, điều trị thiếu kinh nghiệm, chỉ đạo chống dịch chưa dứt khoát, tổ chức chống dịch kém, hay ở đâu nữa?
- Vụ dịch này là hậu quả trực tiếp của ba vấn đề không được giải quyết trước đó. Thứ nhất, không tổ chức điều tra khách quan, độc lập các vụ lùm xùm tai tiếng liên quan tới văcxin từ nhiều năm nay để làm cơ sở cho hành động giải tỏa nỗi ám ảnh sợ hãi của người dân về tai biến văcxin, dẫn đến gây tăng tích lũy số trẻ mắc sởi trong cộng đồng. Thứ hai, không quan tâm đúng mức đến củng cố chất lượng hệ thống giám sát điều tra vụ dịch, tuân thủ theo các nguyên tắc phòng chống dịch nói chung và phòng chống dịch sởi nói riêng, dẫn đến thiếu thông tin làm cơ sở cho sự can thiệp kịp thời hạ thấp số mắc, số chết. Thứ ba, không có hoặc không giám sát việc thực hiện quy trình phòng chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Khi dịch xảy ra, không có phương án đối phó với thực tế quá tải ở bệnh viện đầu ngành.
Nguyên nhân trung gian là sự yếu kém và bảo thủ về mặt quản lý của lãnh đạo khối y học dự phòng, lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh, thiếu các chuyên gia dịch tễ học đích thực trong nhóm chuyên gia tư vấn phòng chống dịch cho lãnh đạo bộ và trên hết là sự thiếu tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu ngành y tế.
Còn nguyên nhân sâu xa là sự duy ý chí trong vận hành một hệ thống y tế “lẫn lộn công tư”, thiếu giám sát đánh giá độc lập trong cấu trúc vận hành hệ thống chăm sóc sức khỏe, cuối cùng là tình trạng tệ hại của hệ thống đào tạo nhân lực ngành y.
Lấy khoa học dẫn đường cho hành động
* Thời tiết và điều kiện môi trường thay đổi sẽ góp phần nảy sinh những vấn đề sức khỏe công cộng như dịch sởi hiện nay và trước đây là dịch cúm, dịch tay chân miệng. Đứng trước mỗi vụ việc như vậy thì nên làm gì trước hết để có lợi cho dân?
- Thực tế luôn biến động, vấn đề bệnh tật phát sinh, phát triển là do nhiều yếu tố cùng tác động. Nguyên tắc phòng chống dịch là đẩy mạnh yếu tố ngăn ngừa bệnh (yếu tố tích cực), ngăn chặn yếu tố thuận lợi cho dịch bệnh xảy ra (yếu tố tiêu cực). Muốn vậy phải bắt đầu với thái độ nghiên cứu khách quan, lấy khoa học dẫn đường cho hành động.
Y học dự phòng không phải chỉ có tuyên truyền, các viện vệ sinh dịch tễ không phải chỉ là nơi sản xuất, cấp phát, tiêm văcxin. Phải thật sự ngộ ra đấy là khoa học phân tích thực tế tình trạng sức khỏe cộng đồng, phát hiện các yếu tố tích cực, tiêu cực tác động tới tình trạng sức khỏe người dân và lên phương án phòng chống dịch cải thiện sức khỏe cộng đồng. Khối y học dự phòng phải được lãnh đạo bởi các cán bộ có tư duy dịch tễ học đích thực. Bộ Y tế phải tổ chức được một đội ngũ chuyên gia tư vấn có tư duy y tế công cộng. Có như thế mới mong vượt qua được những thử thách dịch bệnh và tránh được những “tai nạn” đáng tiếc như trong thời gian vừa qua.