|
Ảnh minh họa. |
Trực khuẩn lao được đưa đến da từ cơ quan nội tạng hoặc hiếm hơn từ bên ngoài. Có người bị luput lao ở dái tai vì đã nhờ một bệnh nhân lao phổi xâu tai để đeo khuyên, kim khâu dính nước bọt của bệnh nhân. Các nhân viên phục vụ ở giảng đường phẫu tích, công nhân lò sát sinh có thể bị lây trực tiếp từ những bệnh phẩm qua da bị xây xát.
Tuy vậy, đại đa số trường hợp trực khuẩn lao được đưa đến da từ các phủ tạng bị lao như lao phổi, lao hạch lymphô, lao xương. Chính vì thế, lao da luôn là biểu hiện thứ phát của nhiễm khuẩn lao. Lao da nguyên phát là điều rất hiếm. Từ các phủ tạng (phổi) trực khuẩn lao đến da bằng nhiều đường sau đây.
- Đường lympho: Trực khuẩn theo các khe gian bào và mạch lympho đến trực tiếp vùng tổn thương da, đường lan truyền này thường xảy ra ở lao hạch. Luput lao hay nổi ở mặt vì trực khuẩn lao từ các hạch cổ và hạch dưới hàm được đưa đến da qua đường lympho. Quá trình lao ở hạch trở ngại cho tuần hoàn lymphô, làm cho dịch lymphô chảy ngược chiều vào một số vùng, mang theo cả trực khuẩn lao.
- Đường máu: Một số mạch máu trong ổ lao ở phủ tạng bị phá hủy làm cho trực khuẩn lao lan truyền trực tiếp vào máu, từ đó trực khuẩn chuyển vào khắp cơ thể và vào da. Đường lan truyền này gặp trong luput lao, lao hạch, lao sẩn hoại tử và một số thể lao khác.
- Lan truyền do tiếp cận: Quá trình lao lan truyền dần sang tổ chức lân cận và sau cùng đến một vùng da nào đó. Cách lan truyền này gặp trong lao hạch lymphô và lao xương.
- Tự tiêm truyền: Một ổ lao phủ tạng nặng đang tiến triển có nhiều trực khuẩn, những trực khuẩn này có thể lây nhiễm cho vùng da và niêm mạc. Ví dụ, lao phổi nặng có thể bị lao ở niêm mạc môi và mũi. Lao thận có thể dẫn đến lao da và cơ quan sinh dục.
Về điều trị, bệnh nhân phải điều trị toàn thân, tại chỗ chỉ có tính chất sát khuẩn, theo phác đồ khuyến cáo của Hiệp hội Chống lao và Bệnh phổi quốc tế.