Bài thuốc chữa ho đờm do giãn phế quản

Google News

(Kiến Thức) - Tùy từng thể bệnh, người bị ho đờm do giãn phế quản có thể tham khảo các bài thuốc chữa ho sau.

Giãn phế quản nên ho nhiều, ho ra máu không chỉ làm tổn thương phế mà còn có thể gây bệnh tâm phế mạn và ảnh hưởng tới thận. Biết nguyên nhân gây bệnh và để áp dụng bài thuốc chữa ho với từng triệu chứng là rất quan trọng. 
3 trạng thái bệnh lý đan xen
Giãn phế quản là trạng thái bệnh lý của các phế quản bị giãn rộng toàn bộ hay từng phần, các lớp cơ đàn hồi của phế quản bị tổn thương do viêm nhiễm hoặc các tác nhân vật lý gây tắc đường hô hấp. Đặc điểm chủ yếu của bệnh là ho đờm thật nhiều, 50 - 100ml/ngày, liên tục, nhất là buổi sáng và dễ ho, dễ khạc khi đổi tư thế. Đàm có nhầy lẫn mủ, có khi chỉ có mủ. Ngộp thở, khó thở, ho ra máu, ngón tay dùi trống. 
Theo Đông y, bệnh thuộc phạm trù các chứng bệnh khái thấu, khái huyết, phát sinh do hai nguyên nhân là ngoại nhân và nội nhân. Ngoại nhân là do cảm phải phong hàn, phong nhiệt, tà nhập vào phế hóa nhiệt, nhiệt đốt tân dịch kết thành đờm lưu tại phế. Mặt khác, cơ thể bệnh nhân vốn tỳ hư, đờm thấp nội sinh cũng tích tại phế gây nên ho đờm nhiều. Ngoài ra, nhiệt tích tại Phế lâu ngày gây tổn thương Phế lạc sinh ho ra máu. Bệnh kéo dài không trị khỏi, tỳ khí hư yếu không nhiếp được huyết, ho ra máu nặng hơn. Bệnh lâu ngày, chức năng thận cũng bị ảnh hướng nên xuất hiện khó thở và phù.
Về bệnh lý, cần chú ý 2 mặt đờm và ứ. Người bệnh thường ho nhiều đờm. Đờm nhiều ứ tụ lâu ngày gây trở ngại khí huyết lưu thông sinh ứ huyết. Ứ huyết cũng gây xuất huyết nên trong điều trị các y gia ngày xưa chú ý nhiều đến dùng thuốc hoạt huyết. Cho nên trong quá trình bệnh, 3 trạng thái bệnh lý đan xen nhau làm cho bệnh kéo dài lâu khỏi.
Biểu hiện: Bệnh bắt đầu thường là ho kéo dài, nhiều đờm, có lúc đờm lẫn mủ, theo sự phát triển của bệnh, ho nặng hơn và đờm nhiều hơn. Dịch đờm để lắng thường chia làm 3 lớp: Lớp trên là bọt, lớp giữa là dịch nhầy, lớp dưới là mủ và các tế bào tổ chức hoại tử, có mùi tanh hôi. Phần lớn bệnh nhân khạc ra máu, ít là sợi máu lẫn trong đờm. Bệnh nhân thường ho có cơn, ho nhiều và sáng sớm và lúc thay đổi tư thế. Trạng thái ho đờm có thể nặng lên lúc thay đổi thời tiết hoặc mắc bệnh ngoại cảm. Bệnh nặng có thể kèm theo phổi xơ, phế khí thũng, khó thở, ngón tay (chân) dùi trống.
Bai thuoc chua ho dom do gian phe quan
Ảnh minh họa. 
Phân biệt bệnh để trị
Giãn phế quản thường gây ho kéo dài, đờm nhiều có mủ (lượng mỗi ngày có thể 60 - 400ml) để lắng chia 3 lớp (bọt, dịch nhầy, mủ), mùi thối, ho ra máu tái diễn nhiều lần, dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn phổi và đường hô hấp, sốt, sụt cân. Thiếu máu, bệnh lâu ngày có ngón tay dùi trống, dị dạng lồng ngực và có thể gây bệnh tâm Phế mạn. Chẩn đoán bệnh cần phân biệt với lao phổi, viêm phế quản mạn tính, áp xe phổi, nang phổi tiên thiên... Chủ yếu biểu hiện khác hình ảnh X-quang và mỗi loại bệnh đều có triệu chứng riêng. Tùy giai đoạn và triệu chứng có cách trị khác nhau: 
Đờm nhiệt ủng phế (thời kỳ cấp diễn): Triệu chứng như ho sốt, đờm nhiều đặc, ho ra máu, khát muốn uống, nước tiểu vàng, táo bón, rêu vàng nhầy, mạch hoạt sác. Pháp trị: Thanh nhiệt, hóa đờm. Phương thuốc dùng bài “Thanh Kim Hóa Đờm” gia giảm tang bì, bối mẫu, ngư tinh thảo, qua lâu, mao căn, hoàng cầm, bạch linh, tri mẫu, mạch môn (mỗi thứ 12g); cát cánh, đông qua nhân, chi tử, trần bì (mỗi thứ 10g), sắc uống. 
Khí âm hư (thời kỳ ổn định): Triệu chứng như ho đờm ít, tiếng ho nhỏ, trong đờm có sợi máu, miệng khô, họng táo, tinh thần mệt mỏi, lười đỏ sẫm, mạch Hư Tế. Pháp trị: Ích khí, dưỡng Phế âm, thanh nhiệt. Phương thuốc dùng bài “Sinh mạch tán hợp tả bạch tán” gia giảm mạch môn 12g, ngẫu tiết 12g, ngũ vị 4g, đẳng sâm 12g, tang bì 12g, quy đầu 12g, trích thảo 4, bạch truật 12g, địa cốt bì 12g, tử uyển 10g, phục linh 12g, tiên hạc thảo 12g, a giao 10g. Sắc uống.
Ngoài hai thể bệnh chính trên đây lúc bệnh tình ổn định, ho đờm không nhiều, nên dùng Lục Quân Tử Thang để kiện Tỳ, hóa đờm.
Lương y Nguyễn Hữu Toàn (Hội Đông y Hải Phòng)

>> xem thêm

Bình luận(0)