15% dân số Việt Nam có thể mắc chứng rối loạn tâm thần

Google News

(Kiến Thức) - Tại Việt Nam, hiện có khoảng 15% người dân đối diện với chứng rối loạn tâm thần. Thường xuyên uống rượu, nghiện ngập được xem là nguyên nhân chính gây nên tình trạng này.

Con số bất ngờ trên được đưa ra tại diễn đàn Mạng lưới Nghiên cứu - Đào tạo Quốc tế châu Á-Thái Bình Dương về sức khỏe tâm thần diễn ra ngày 14/4 tại Hà Nội. Trong đó, phổ biến hơn cả là chứng tâm thần phân liệt, trầm cảm, động kinh và mất trí nhớ.
 Trầm cảm, tâm thần phân liệt, động kinh... là những chứng rối loạn tâm thần phổ biến ở nước ta.
Nói về căn nguyên gây bệnh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng chính sự nghèo nàn thông tin về chăm sóc sức khỏe tâm thần và thiếu hụt trầm trọng các công trình nghiên cứu khoa học là rào cản trong việc xây dựng và thực thi chính sách, luật pháp và kế hoạch sức khỏe tâm thần.
Thứ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh tốc độ nghiên cứu và cung cấp các thông tin về sức khỏe tâm thần để thực hiện các mục tiêu của kế hoạch hành động toàn cầu giai đoạn 2013 – 2020.
Đồng thời, ông cũng khẳng định diễn đàn là cơ sở để thiết lập mạng lưới hợp tác khu vực về dịch vụ, đào tạo và nghiên cứu để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần.
Ngoài Việt Nam, diễn đàn còn có sự góp mặt của đại diện các nước Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Myanmar và Philippines. Diễn đàn kéo dài trong vòng hai ngày nhằm mục đích trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về các vấn đề cần ưu tiên trong nghiên cứu sức khỏe tâm thần và tầm quan trọng của sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong khu vực.
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết rối loạn tâm thần chiếm 14% bệnh tật trên toàn cầu. Đáng chú ý, 75% trường hợp mắc bệnh rơi vào các nước có thu nhập ở mức trung bình và thấp.
Thời gian qua, để cải thiện sức khỏe tâm thần, Tổ chức Y tế Thế giới đã kêu gọi các nước phát triển cần xúc tiến thực hiện chính sách, chiến lược, quy định về sức khỏe tâm thần. Đồng thời, khuyến khích sự chung tay của cộng đồng và gia đình bệnh nhân trong việc thực thi pháp luật.
Lê Nguyệt

Bình luận(0)