Phát ngôn "lạ" của lãnh đạo về giá điện: Dân "dựa" vào ai?

Google News

(Kiến Thức) - Chưa khỏi ngỡ ngàng về giá điện tăng, người dân lại tiếp tục "ngạc nhiên" khi nghe những phát ngôn khó hiểu của lãnh đạo ngành.

TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, từ lâu ngành điện đã có dự định tăng giá. Từ cuối năm 2012, ngành đã có dự kiến tăng 7% giá điện trong năm 2013. Lý do điều chỉnh tăng giá điện EVN đưa ra lần này là để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt, giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 - 41% tùy từng loại than.
 TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Thiếu minh bạch... dân “phản ứng” là đương nhiên
Ông Lê Đăng Doanh cho rằng: “Vấn đề ở chỗ, ngành điện không có báo cáo cơ cấu giá thành, báo cáo việc họ đã nỗ lực làm như thế nào để giảm chi phí đầu vào. Ví dụ, chi phí cho quản lý của họ là bao nhiêu, tổn thất đường dây cụ thể thế nào… Thiếu minh bạch nên người dân “phản ứng” là đương nhiên.
Hơn nữa, thêm điều đáng lưu ý, người ta cứ đem so sánh giá điện Việt Nam với quốc tế, trong khi, thu nhập của Việt Nam thì lại chưa được như quốc tế. Giá điện quốc tế nhưng… lương Việt Nam thì sao phù hợp. Người dân, cán bộ, công nhân viên chức bị giảm thu nhập nên người ta kêu là đúng thôi”.
Ông Doanh cũng chia sẻ: “Với người dân, việc tăng giá điện không chỉ khiến chi phí về điện tăng lên, mà giá thành nhiều các sản phẩm khác tăng lên và đời sống thêm khó khăn. Thế nhưng, ngành điện thì cho rằng, như thế là hợp lý”.
Theo như một chuyên gia kinh tế phân tích, tính một cách sòng phẳng, nếu giá điện tăng bao nhiêu phần trăm thì các ngành hàng khác cũng chỉ được phép tăng số phần trăm tương ứng khi đã tính vào giá thành. Ví dụ, giá điện tăng 10%, thì các doanh nghiệp khác chỉ được phép tăng 1%. Đấy là tư duy tính giá thành từ chi phí sản xuất. Còn nếu đúng tư duy thị trường thì sản xuất điện tăng 5% thì doanh nghiệp sản xuất nước cũng phải tăng 5% nếu không thì DN sản xuất nước sẽ bị thiệt.
Ngoài ra, các mặt hàng, dịch vụ khác trên thị trường còn phải tăng giá để đón đầu. Điện, xăng có lộ trình tăng, còn các mặt hàng, dịch vụ khác như giá taxi, ăn uống… thì thường “tăng luôn một thể” để đón đầu. Và ai sẽ chia sẻ những khó khăn cùng với người dân?!
Nhắc lại tâm trạng Bộ trưởng… khó tả
Chiều 30/7, trong phiên họp báo thường kỳ tháng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, phương án lộ trình tăng giá điện đã được Chính phủ bàn nhiều năm nay; còn lộ trình tăng cụ thể như thế nào phải căn cứ vào nhiều yếu tố.
“Rút kinh nghiệm lần trước, chúng tôi yêu cầu EVN phải có kế hoạch tuyên truyền để giải thích, lấy ý kiến phản hồi của cộng đồng để có điều chỉnh cần thiết về biện pháp cụ thể khi tăng giá điện”, ông Đam khẳng định.
Ngay hôm sau (31/7), cuối giờ chiều, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo điều chỉnh giá điện, thực hiện theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành cùng ngày.
Theo đó, kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân sẽ là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh).
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, đáng lẽ phải tăng giá điện từ lâu.
Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" phát sóng trên VTV1 tối 4/8, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng bày tỏ: “Mỗi khi nghĩ tới vấn đề tăng giá điện thì tâm trạng chúng tôi rất khó tả”. Tuy vậy, ông Hoàng khẳng định rằng “điều chỉnh giá điện không thể không tăng” và “đáng lẽ phải tăng giá điện từ lâu”, đồng thời không quên kêu gọi xã hội cùng chia sẻ với khó khăn của nhành điện. Thế nhưng, Bộ trưởng Hoàng cũng không nói cụ thể “cái khó” của ngành điện là gì.
Đến ngày 5/8, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương, khi phóng viên đặt những câu hỏi liên quan tới việc tăng giá điện thì đều bị các vị lãnh đạo từ chối. Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa trước báo chí nói thẳng, vấn đề giá điện “sẽ không trả lời nữa” do chủ đề này đã được trả lời trước đó.
Việc tăng giá điện lần này được đánh giá là quá bất ngờ đối với người tiêu dùng, bởi người dân tin vào phát ngôn của người đại diện Chính phủ trước đó, rằng việc tăng giá điện cần phải có lộ trình và phải có ý kiến phản hồi từ phía người dân. Chưa khỏi ngỡ ngàng về giá điện tăng, người dân lại tiếp tục "ngạc nhiên" khi nghe những phát ngôn khó hiểu của lãnh đạo ngành.

Tuy nhiên, dù thế nào thì hiện nay, người dân vẫn phải “chia sẻ khó khăn với ngành điện” như Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng “kêu gọi”. Và việc giá điện tăng lần này được các chuyên gia đánh giá là không nhiều nhưng dự đoán giá nhiều mặt hàng khác tăng theo là điều… khó tránh!

Anh Tuấn

Bình luận(0)