Khi kỹ sư người Pháp Gustave Eiffel xây dựng ngọn tháp này cho sự kiện Hội chợ Thế giới Paris năm 1889, nó đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Cấu trúc bằng sắt của nó tương phản rõ rệt với các tòa nhà bằng đá của thành phố.
|
Gustave Eiffel, “cha đẻ” của toà tháp biểu tượng cho nước Pháp. |
Không những thế, với độ cao 300 m, nó đã trở thành cấu trúc cao nhất thế giới vào thời điểm đó, vượt qua kỷ lục cũ 169,3 m của Đài tưởng niệm Washington ở Mỹ.
Tòa tháp ban đầu chỉ được phép tồn tại có 20 năm. Đó là thời gian hiệu lực được ghi trong giấy phép điều hành công trình của Eiffel, và thành phố có thể cho phá hủy nó.
Thực tế, số phận của tòa tháp có vẻ không mấy sáng sủa. 300 nghệ sĩ và nhà văn danh tiếng đã công khai bày tỏ sự khó chịu với người khổng lồ bằng sắt này. Trong một kiến nghị được đăng trên tờ Le Temps ngay khi công trình được bắt đầu xây dựng, nhóm này đã gọi nó là một “tòa tháp ngớ ngẩn phù phiếm choán hết Paris như một chiếc ống khói màu đen khổng lồ”. Nhà văn người Pháp đương thời, Charles-Marie-Georges Huysmans, thì tuyên bố rằng “khó có thể tưởng tượng” người ta lại cho phép xây dựng một tòa tháp như vậy.
Thế nhưng ngay từ ban đầu, Eiffel đã có một chiến lược để cứu lấy công trình của mình. Ông cho rằng nếu tòa tháp được liên kết với các nghiên cứu khoa học quan trọng, chẳng ai sẽ muốn hạ đổ nó. Vì thế ông lên kế hoạch biến tháp thành một phòng thí nghiệm khoa học khổng lồ.
Các lĩnh vực nghiên cứu thực hiện trên Eiffel gồm có thời tiết, hàng không và liên lạc radio. “Nó sẽ là một đài quan sát và một phòng thí nghiệm mà khoa học chưa bao giờ có”, Eiffel đã khoe như thế vào năm 1889.
May mắn là chiến lược của ông đã thành công. Trong nhiều năm, các nghiên cứu được tiến hành tại đó đã đem lại nhiều kết quả lớn bất ngờ. Chẳng hạn, trong Thế chiến thứ nhất, quân đội Pháp đã sử dụng tháp Eiffel như một chiếc tai khổng lồ để nghe trộm các bức điện radio. Nó thậm chí đã khiến họ bắt giữ được một trong những gián điệp nổi tiếng nhất trong cuộc chiến.
|
Tháp Eiffel được xây dựng cho Hội chợ Thế giới Paris năm 1889. |
Thực ra, các nghiên cứu ở tháp không chỉ dựa trên mong muốn duy trì nó của Eiffel. Năm 1893, không lâu sau khi hoàn thành tháp, Eiffel đã từ chức ở công ty kỹ thuật ông đang làm để dành thời gian và tiền bạc để theo đuổi sở thích của mình là khám phá khoa học của thế giới tự nhiên. Và công việc ấy đương nhiên được thực hiện tại “đứa con tinh thần” bằng sắt đó.
Chỉ một ngày sau khi tòa tháp mở cửa cho công chúng vào ngày 6/5/1889, nghiên cứu khoa học đã được bắt đầu. Eiffel đã cho lắp đặt trạm dự báo thời tiết ở tầng 3 của tháp. Ông nối các dụng cụ của mình bằng dây dẫn tới Cục thời tiết Pháp ở Paris. Bằng những thứ này, ông đã thực hiện việc đo sức gió và áp suất không khí.
Trên thực tế, một trong những dụng cụ đáng chú ý nhất được lắp đặt tại tháp trong những ngày đầu là một chiếc áp kế khổng lồ. Đó là một thiết bị dùng để đo sức ép của khí và chất lỏng. Một chiếc áp kế thường gồm một ống hình chữ U có chứa thủy ngân hoặc một chất lỏng khác ở dưới đáy, một đầu mở còn đầu kia thì kín. Chênh lệch độ cao của chất lỏng ở hai phần của chữ U chính là chỉ số áp lực không khí (hoặc chất lỏng) đối với phần có đầu mở.
Cho tới năm 1900, áp kế đã là một dụng cụ phổ biến. Nhưng chiếc áp kế khổng lồ ở tháp Eiffel ấn tượng ở chỗ nó kéo dài từ trên đỉnh xuống tận nền. Chiều dài của chiếc ống cho phép các nhà khoa học đo các sức ép cao hơn ở mực nước biển 400m.
Giới khoa học Pháp trước đây đã thành công trong việc đo nhiệt độ chính xác đến 1/1000 độ C. Nhưng chưa từng ai thử đưa những số liệu đó lên bất kỳ một loại biểu đồ nào. Eiffel chính là người đầu tiên làm điều đó.
Từ năm 1903 đến 1912, Eiffel đã bỏ tiền túi để cho xuất bản các biểu đồ và bản đồ thời tiết. Chúng đã giúp Cục thời tiết Pháp áp dụng những cách thức đo lường thời tiết khoa học hơn.