Từ trước đến nay, ngoài tượng hai người cõng nhau thổi khèn, các nhà khảo cổ học rất ít khi phát hiện được tượng tròn tương tự thời văn hóa Đông Sơn. Vì thế, nó được liệt vào hàng cực hiếm và có giá trị về nhiều mặt...
Tượng độc nhất vô nhị
Theo đánh giá của các nhà khoa học trong số các Bảo vật Quốc gia – tượng hai người cõng nhau thổi khèn chỉ mang ý nghĩa trang trí. Nhưng cho đến nay, giới khảo cổ vẫn chưa phát hiện ra pho tượng nào tương tự khiến nó vẫn chiếm ngôi “độc nhất vô nhị” trong nền văn hóa Đông Sơn.
Tuy nhiên, xung quanh hiện vật này vẫn có một số thông tin cần được trao đổi, chẳng hạn như vấn đề xuất xứ của tượng, vị trí đặt tượng cũng như hình diễn tả trên tượng.
Theo tư liệu lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, tượng hai người cõng nhau thổi khèn thuộc văn hóa Đông Sơn có niên đại trong khoảng 2.500 – 2.000 năm cách ngày nay và được nhà khảo cổ học O.Janse người Thụy Điển phát hiện khi khai quật ngôi mộ gạch ở Lạch Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Pho tượng được chuyển về bảo tàng năm 1935. Tượng cao 8,5cm, rộng 9,5cm và được đúc đặc.
|
Cận cảnh phía trước tượng hai người cõng nhau thổi khèn. |
Trên cơ sở các tài liệu đã công bố, nhà nghiên cứu Ngô Thế Phong, Hội Nghiên cứu Khoa học Đông Nam Á – Việt Nam cho biết: Thông tin trên chưa thực sự chính xác. Việc này có thể sẽ làm sai lệch các giả thiết, dẫn đến những suy luận thiếu chính xác về thông tin cổ vật. Cụ thể, pho tượng này không phải do O.Janse khai quật được trong ngôi mộ gạch Lạch Trường, mà do Pajot – một viên thuế quan người Pháp ở Thanh Hóa thu được từ những cuộc khai quật ở di tích Đông Sơn từ năm 1925 - 1927.
Ngoài ra, TS Ngô Thế Phong còn cho rằng, pho tượng miêu tả một người con trai cõng người con gái đang thổi khèn trên lưng như trong hồ sơ hiện vật cũng cần phải xem xét lại. Nếu quan sát kỹ bức tượng sẽ thấy, cả hai người đều đóng khố, một người hạ thấp phần lưng cõng một người khác ngồi trên trong tư thế đang thổi khèn, tạo nên sự cân đối. Trên tai cả hai người này đều có đeo khuyên. Từ đây có thể thấy pho tượng là hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn. Bởi chỉ có đàn ông mới đóng khố và thường chỉ có đàn ông mới thổi khèn.
Khi đề cập đến pho tượng này trong một công trình tổng hợp các tài liệu khai quật của Pajot, V. Goloubew – một học giả của Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp cũng cho rằng, đây là tượng hai người đàn ông cõng nhau. Những nhận xét trên được rút ra từ các tài liệu dân tộc học ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Các phát hiện từ trước đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy đàn bà thổi khèn mà chỉ có đàn ông. Trong các dân tộc còn lưu giữ những tập tục cổ xưa nhất thì cũng không thấy việc đàn bà thổi khèn. Còn phong tục đeo khuyên tai thì cả đàn ông và đàn bà đều có...
|
Tượng tròn giống như tượng hai người cõng nhau thổi khèn rất ít khi được phát hiện trong văn hóa Đông Sơn. |
Tượng bị gãy ra từ một khối khác
Theo cuốn sách “Bí mật cây đèn hình người”, nhà khảo cổ học người Thụy Điển O.Janse sau nghiên cứu pho tượng và chiếc ấm đồng cùng phát hiện trong di tích Đông Sơn do Pajot khai quật, đã đưa ra giả thiết về mối liên quan giữa chúng.
Vì pho tượng này được tìm thấy cùng với một chiếc ấm đồng có hình người ngồi trên vòi mang phong cách giống với hình người thổi khèn, nên O.Janse đã đưa ra giả thiết đây không phải là một pho tượng độc lập, có khả năng pho tượng này bị gãy ra từ một hiện vật khác. Ông cho rằng, pho tượng được gắn trên nắp của chiếc ấm đồng nói trên (mà ông gọi là chiếc đèn). Tuy nhiên, đây cũng mới chỉ là một giả thiết chưa mang tính thuyết phục cao. Lập luận này được dựa trên căn cứ là các vết gãy rõ nét tại điểm hai chân của pho tượng. Cụ thể, O.Janse mô tả các chi tiết của cây đèn gồm có chiếc vòi, nắp, tượng. Tượng được gắn trên nắp của chiếc đèn. Trải qua thời gian, mỗi bộ phận bị gãy nát và thất tán ra nhiều nơi. Khi đưa ra nhận định này, O.Janse đã hình dung tổng thể hiện vật giống với cây đèn của phương Tây.
|
Giả thiết cây đèn có nắp hình người cõng nhau của O.Janse trong sách “Bí mật cây đèn hình người”. |
Theo ông Phong thì nhận định về việc tượng hai người cõng nhau thổi khèn vốn được gắn lên một hiện vật khác đã được nhiều người đồng tình, mặc dù cách lập luận có đôi chút khác nhau. Hầu hết các tượng nhỏ trong văn hóa Đông Sơn chỉ mang tính trang trí, rất ít khi phát hiện được khối tượng độc lập. Nó nhất định phải gắn với một vật gì đó. Chẳng hạn như thạp đồng Đào Thịnh, trên thạp này cũng có 4 khối tượng người đang hoan lạc và một khối khác giữa nắp đã bị gãy.
TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng thừa nhận, tượng hai người cõng nhau thổi khèn và một số hiện vật khác còn có nhiều tranh luận khác nhau về ý nghĩa, cách thể hiện... Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là bản thân hiện vật đã chứa đựng rất nhiều thông tin để giới nghiên cứu đào sâu, tìm kiếm các giá trị văn hóa ẩn chứa bên trong...
TS Phạm Quốc Quân cho biết: “Nhìn vào tượng hai người cõng nhau thổi khèn có thể thấy được sức nặng của người ngồi trên lưng thông qua việc miêu tả động thái của người. Điểm đặc biệt nữa là pho tượng có các khoảng trống để tạo hình khối. Đây là chi tiết mà chúng ta ít thấy trong các tượng khác đồng đại. Điều đó cho thấy kỹ thuật đúc khuôn ở giai đoạn này đã đạt đến mức điêu luyện”.
“Nếu đem so sánh tượng hai người cõng nhau thổi khèn với hình phù điêu in trên trống đồng thì có thể thấy loại hình nghệ thuật là giống nhau, nhưng cách thể hiện lại khác. Điểm giống nhau đó là nó thể hiện nghệ thuật biểu diễn của người Việt cổ. Nhưng khác nhau là một bên sử dụng các phù điêu một bên là đúc tượng”.
TS Phạm Quốc Quân (nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)