Vua Gia Long củng cố hệ thống đê điều của đất nước
Lên ngôi năm 1802, vua Gia Long – vị vua sáng lập triều Nguyễn - đã dành một sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống đê điều và hoạt động trị thủy.
Theo sử cũ, sau khi lên ngôi được một năm, vua Gia Long đã có chuyến thị sát đê Hà Nội và chuẩn chi ngay 80.400 quan tiền tu sửa và đắp thêm 7 đoạn đê mới. Đến năm 1806, vua lệnh xuống cho đắp thêm 110 đoạn đê mới ở các nơi như Sơn Nam Thượng thuộc huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Văn Giang.
|
Lăng vua Gia Long ở Huế. |
Năm 1809, vua Gia Long đặt ra Nha Bắc thành đê chánh, cử Binh bộ Đặng Trần Thường làm Tổng lý, Tham tri Công bộ Nguyễn Khắc Thiệu làm Tham lý. Cũng từ năm 1809, vua quy định: Cứ tháng 10 âm lịch hàng năm, các quan, phủ, huyện, trấn phải lần lượt đến kiểm tra lại đê, đê nào nên sửa đắp thì sửa đắp, đều khởi công vào tháng giêng hoặc tháng 2 đến tháng 4 là phải xong.
Theo thống kê, dưới thời vua Gia Long, khối lượng và chiều dài đê được đắp là 120.000 trượng (gần 500 km) và trên 30 cửa cống được xây dựng để điều tiết nước. Điều này khiến công cuộc trị thủy ở Việt Nam có bước tiến lớn so với các triều đại trước đó.
Phạt nặng ăn bớt tiền quỹ đê điều thời vua Minh Mạng
Kế nghiệp vua Gia Long từ năm 1820, vua Minh Mạng tiếp tục đẩy mạnh việc mở rộng hệ thống đê điều. Vào năm 1828, theo đề nghị của các quan, vua Minh Mệnh đã quyết định tăng thêm nhân sự cho Nha môn Đê chính và cho rằng vấn đề đê điều, trị thủy được đặt lên hàng đầu để vỗ yên dân chúng.
Trong 20 năm trị vì của mình (1820-1840), hầu như năm nào vua Minh Mạng cũng cho tiến hành các cuộc trị thủy lớn ở Bắc Thành, thậm chí có những công trình quy mô đến mức triều đình huy động hàng vạn người.
Một thành tựu tiêu biểu là việc đào sông Cửu An để thoát lũ từ sông Hồng. Sau khi sông được đào, tỉnh thần Hưng Yên tâu rằng nhờ thế mà “lúa mùa hè rất được, so với năm trước, được rất nhiều hơn”. Năm 1827 là một năm đặc biệt khi với 28 đại công trường mở ra cùng lúc ở 4 trấn.
|
Lăng vua Minh Mạng ở Huế. |
Về mặt luật pháp, bên cạnh những điều lệ thưởng phạt từ triều Gia Long, vua Minh Mạng còn bổ sung nhiều điều luật chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn sự việc Hiệp trấn Sơn Nam Ngô Huy Viễn bị cách chức, Tham hiệp trấn Vũ Tiến Huân bị đánh 100 trượng và phạt đi làm lính cơ còn Trấn thủ (cũ) Lê Công Lý mặc dù chết nhưng vẫn bị thu lại bằng sắc, tất cả do ăn bớt tiền công quỹ khiến cho đê mới đắp đã bị vỡ hoặc bị sạt lở.
Tính đến năm 1830, chiều dài tổng cộng của hệ thống đê tại miền Bắc đã đo được là 333.616 trượng (khoảng 1.300 km). Dưới triều Minh Mạng, chiều dài đê được đắp mới đã phá vỡ mọi kỷ lục của các triều đại trước đó.
Sau thời Minh Mạng, các vua kế nghiệp như Thiệu Trị, Tự Đức… vẫn hết sức chú trọng đến việc phát triển hệ thống đê điều. Tới cuối thế kỷ 19, theo đo đạc của người Pháp thì hệ thống đê này đã dài tới 2.400km. Hệ thống thoát lũ, phân lũ ở phần hạ lưu, trung du sông Hồng cũng được hoàn thiện trong giai đoạn này.
Có thể nói, những nỗ lực không mệt mỏi trong công tác trị của thủy của các vị vua đầu triều Nguyễn là một thành tựu lớn trong việc trị quốc, an dân của triều đại này.