Nhắc đến thánh địa mộ đá, chúng ta thường nghĩ ngay đến khu mộ Đống Thếch của xứ Mường Động cổ thuộc Vĩnh Đồng (Cao Phong, Hòa Bình). Nơi đó, từng có một khu mộ đá uy nghi giữa thung lũng, trong rừng thẳm.
Hiện nay, thánh địa mộ đá chỉ còn lại những cột đá chơ vơ, các khu mộ đã bị mộ tặc đào rỗng ruột săn cổ vật từ nhiều năm trước.
Nhưng, ngay cả các nhà khoa học, chuyên nghiên cứu về mộ cổ, cũng ít người biết rằng, ở vùng Mường Động cổ xưa, cũng từng có một khu nghĩa địa quan lang, với những ngôi mộ khổng lồ, chứa ăm ắp các kho báu.
Những ngôi mộ được cắm xung quanh bởi những phiến đá cao bằng nóc nhà, được kè, ốp bằng những phiến đá nặng cả chục tấn… chưa được nghiên cứu, giải mã, thì đã tan tành bởi đám đào mồ cuốc mả.
Giờ đây, còn lại duy nhất trên đỉnh núi thiêng xứ Mường Thàng một ngôi mộ tương đối vẹn nguyên, nơi không ai dám bén mảng đến.
|
Ngôi mộ đá khổng lồ hiện vẫn còn dưới lòng đất, trong vườn nhà anh Bùi Văn Tuấn. |
Nỗi sợ hãi mơ hồ, về sự trừng phạt của thần linh, khiến ngôi mộ được bảo vệ nguyên vẹn, chứ không phải bởi cơ quan chức năng.
Những ngày tìm về thánh địa Mường Thàng, là một trong 4 xứ Mường lớn nhất trong câu “Nhất Bi, nhì Vang, tam Thàng, tứ Động”, chúng tôi không khỏi đau xót cho một di chỉ bị phá tan nát, mà còn kinh ngạc bởi những kho cổ vật, vàng ròng đã bị đám mộ tặc nẫng mất.
Vùng trung tâm Mường Thàng cổ, từng là nơi quan lang ở, với ngựa xe võng lọng, kẻ hầu người hạ vây quanh, giờ là xã Dũng Phong, thuộc huyên Cao Phong (Hòa Bình), vùng đất của cam và mía tốt bời bời.
Chúng tôi có mặt ở UBND xã, gặp mấy lãnh đạo, cả công an, lẫn văn hóa, nhưng khi nhắc đến chuyện đi tìm ngôi mộ đá trên đỉnh núi thiêng xứ Mường Thàng, thì họ đều lảng tránh, không muốn dẫn đi, mặc dù, đứng ở trung tâm xã, nhìn thấy quả núi kia, áng chừng chỉ 2km theo đường chim bay.
Người cáo bận, người kêu không biết đường lên ngôi mộ, người bảo biết đường lên núi nhưng không biết ngôi mộ ấy ở đâu, có người bảo không biết có ngôi mộ nào cả (?!).
Về sau, chúng tôi mới biết rằng, không chỉ cán bộ xã, mà toàn bộ cư dân xứ Mường Thàng này đều sợ quả núi đó. Họ tin rằng, ngọn núi đó là nơi thần ngự, chốn linh thiêng bậc nhất, và ngôi mộ là nơi quan lang yên nghỉ, nên không dám xâm phạm.
|
Cổ vật gốm, sứ thu được trong mộ đá, hiện trưng bày ở Bảo tàng Hòa Bình. |
Đi dạo quanh co, qua giới thiệu nhiều lần, thì chúng tôi tìm đến nhà anh Bùi Văn Tuấn, ở xóm Đồng Mùi. Hỏi đường lên ngôi mộ thiêng trên đỉnh núi, anh Tuấn bảo: “Các anh cần gì phải trèo lên đỉnh núi ấy xem mộ. Ngay vườn nhà tôi cũng có ngôi mộ khổng lồ. Ngôi mộ này to lắm, to nhất xóm, hiện chìm dưới lòng đất”.
Nói rồi, anh Tuấn dẫn chúng tôi ra sau vườn. Khu vườn rộng mênh mông vừa được cuốc xới. Những khối đá xám lớn đổ ngổn ngang, rõ ràng dấu tích của một ngôi mộ đá.
Anh Tuấn gọi thêm mấy thanh niên, cùng bà hàng xóm, đứng thành 4 điểm để đánh dấu ngôi mộ. Theo đó, ngôi mộ này dài cỡ 10m, rộng 7m. Tính ra, diện tích ngôi mộ đá khoảng 70 mét vuông.
Nếu con số này là thực, thì đây quả là ngôi mộ khổng lồ, lớn hơn rất nhiều so với những ngôi mộ đá lớn nhất hiện còn tồn tại ở Vĩnh Đồng, thuộc xứ Mường Động xưa. Anh Tuấn chỉ tay về phía bắc của khu vườn, nơi ấy rõ ràng còn trồi lên những phiến đá đổ vỡ, xếp thành hàng thẳng.
Theo anh Tuấn, mấy chục năm trước, toàn bộ khu vực xóm Đồng Mùi là nghĩa địa hoang vu. Nghĩa địa này nằm lọt trong rừng rậm. Khi đó, khu vực này toàn những cây sui khổng lồ, to mấy người ôm, không ai dám mò vào. Khu rừng hoang vắng đến nỗi, hổ báo cũng tìm đến trú ngụ.
Năm 1970, chính quyền vận động nhân dân khai hoang, lập xóm, mở rộng đất trồng mía, trồng cam, gia đình ông Tuấn đã di chuyển từ làng dưới vào khu rừng này đốn hạ những cây sui khổng lồ, khai khẩn ruộng đất.
Lúc đầu, chỉ có 7 hộ dân, đều là những người có ít đất cát, lại bạo gan, dựng nhà ở cạnh nghĩa địa. Khi đó, anh Tuấn mới hơn 10 tuổi, nhưng trong ký ức anh, vẫn rõ mồn một về những ngôi mộ khổng lồ.
Sau khi đốn hạ những cây sui lớn, thì ngôi mộ đá hiện ra. Hàng chục phiến đá rộng khoảng 1,5-2m, dày 20cm, chôn sâu xuống lòng đất 2-3m và cao 3-4m.
|
Người dân đứng thành các điểm đánh dấu vị trí và sự khổng lồ của ngôi mộ đá hiện chìm dưới lòng đất. |
Như vậy, những phiến đá này đều dài từ 5-7m, chôn chắc chắn xuống lòng đất, bao quanh ngôi mộ như hàng rào. Tính ra, mỗi phiến đá nặng vài tấn.
Nghi đây là kho báu khổng lồ, nên cuối năm 1979, bố anh Tuấn huy động anh em đào bới ngôi mộ này. Khi vét lớp đất bề mặt, thì ngôi mộ hiện ra.
Ngôi mộ được xếp bằng các phiến đá khổng lồ theo kiểu giật cấp, càng lên cao càng thu nhỏ lại. Ngôi mộ dài tới 8m, rộng 4m. Những phiến đá xếp làm mộ dày 0,4m, rộng 1,2m và dài tới 5m. Phần mộ đá này nằm trọn trong hàng rào đá quây bên ngoài.
Theo anh Tuấn, thời kỳ đó, sức người cũng không làm nổi ngôi mộ kỳ công như vậy, chứ không nói những người đã sống cách nay mấy trăm năm.
Vì ngôi mộ có kích cỡ quá lớn, nên mọi người đồn rằng, đây là mộ của những người khổng lồ, cao từ 5-7m (?!).
Tin rằng có kho báu, nên mọi người đã dùng 2 cây gỗ lớn, to bằng cái phích, làm đòn bẩy bật những phiến đá này lên.
Tuy nhiên, mấy chục người đu vào hai thanh gỗ, gẫy cả hai thanh gỗ mà các phiến đá làm nắp mộ vẫn không hề nhúc nhích. Dùng xà beng đâm, nhưng đâm suốt mấy ngày, phồng rộp cả tay, mới phá thủng được một phiến đá.
Thế nhưng, phía dưới phiến đá khổng lồ đó lại có phiến đá nữa chặn lại. Không phá nổi mộ, gia đình anh Tuấn bèn lấy đất lấp lại.
Còn tiếp...