Những phát hiện khảo cổ “độc” nhất VN 2012

Google News

(Kiến Thức) - Năm 2012, các nhà nghiên cứu trong nước đã có những phát hiện “độc”, có ý nghĩa lớn với ngành Khảo cổ học Việt Nam.

Chum tiền cổ ở Tuyên Quang

Nhóm nghiên cứu gồm thạc sĩ Lê Cảnh Lam (Viện Khảo cổ) và thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải (Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang) đã nghiên cứu một chum tiền cổ với lượng tiền tới 10 kg để tìm hiểu lịch sử thương mại địa phương và việc thông thương ở Tuyên Quang ngày xưa.  

Các nhà nghiên cứu cho biết, chum tiền đồng này được mua lại của người dân đào tại huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Lúc đầu, các đồng tiền thuộc một chum nhưng khi bảo tàng thu mua, chum tiền đã không còn nguyên trạng mà bị tách thành những đồng riêng lẻ. 

 Một số đồng tiền được tìm thấy trong chum tiền Tuyên Quang. 

Trong năm 2012, các nhà khảo cổ mới tiến hành tẩy gỉ và đọc được 4 kg trong số trên. Tiền được ngâm tẩm hóa chất tẩy gỉ, chất ức chế gỉ và phủ keo sau đó chụp ảnh, thống kê phân loại. 

Nghiên cứu của các nhà khảo cổ cho thấy trong số 4 kg tiền với tổng cộng 25 loại tiền, có tới 21 loại tiền mang niên hiệu Trung Quốc. Chúng chủ yếu mang niên hiệu thời Tống, không có tiền thời Nguyên. Đầu thời Minh chỉ có 2 loại Hồng Vũ và Vĩnh Lạc (1403-1424). Tiền mang niên hiệu Việt Nam có 4 loại từ thời Lý đến thời Trần (1379). Chưa thấy có tiền thời Lê, Nguyễn. 

Việc sưu tập tiền được những đồng tiền từ cùng một chum có ý nghĩa rất lớn vì tính chất niên đại của tổng thể các đồng tiền là cơ sở để nghiên cứu sâu hơn về tiền cổ. Đây là nguồn tư liệu rất quý để nghiên cứu chuyên sâu về loại hình tiền gián bằng nhiều cách tiếp cận khoa học. Qua đó, việc nghiên cứu sẽ góp phần đánh giá lịch sử thương mại của địa phương. Chẳng hạn, nó cho thấy việc thông thương tại Tuyên Quang đã diễn ra như thế nào. 

Đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam

Tháng 5/2012, Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế phát hiện Quan Tượng đài có tông màu xám của gạch Bát Tràng nung già, sắc vàng sắc xanh của ngói lưu ly khi khai quật khảo cổ. 

Ông Trịnh Nam Hải-người phụ trách khai quật khảo cổ tại di tích này, cho biết, có thể khẳng định đến thời điểm này, Quan Tượng đài là đài thiên văn cổ duy nhất còn tồn tại ở Việt Nam. Do đó, ngoài ý nghĩa giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, Quan Tượng đài còn có giá trị về mặt kiến trúc trong tổng thể kinh thành Huế. 

 Quan Tượng đài, ảnh chụp năm 1949 do nhóm nghiên cứu cung cấp.

Đúng như tên gọi, Quan Tượng đài có nghĩa là đài cao dùng để quan sát, theo dõi diễn biến thời tiết, khí hậu, các hiện tượng thiên nhiên khác hay còn gọi là đài thiên văn của triều Nguyễn.

Sử chép, triều Nguyễn cho xây dựng Quan Tượng đài để cơ quan chuyên theo dõi thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, xem ngày lành tháng tốt là Khâm Thiên giám sử dụng. Những thông tin từ Quan Tượng đài này được chuyển về Khâm Thiên giám xử lý kết quả dự báo thời tiết, làm lịch… Điều này chứng minh sự quan tâm của triều đình nhà Nguyễn đối với đời sống xã hội, cuộc sống nhân dân lúc bấy giờ. 

Đến đầu thế kỷ 20, nhiệm vụ Quan Tượng đài không còn được phát huy nữa, nhưng bản thân di tích này vẫn mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa.

Phát hiện tấm bia cổ nhất Việt Nam?

Tấm bia đá khắc minh văn được ông Nguyễn Văn Đức ở Bắc Ninh phát hiện được trong lúc đào lò gạch. Theo các nhà khảo cổ, nếu chứng minh được không phải là bia ngụy tạo, tấm bia này sẽ trở thành bia cổ nhất Việt Nam. 

Dựa vào những dòng chữ trên bia, một số nhà nghiên cứu cho rằng đây là hiện vật gắn với chùa Thiền Chúng xứ Giao Châu xưa (Bắc Ninh ngày nay), minh chứng cho sự kiện Tùy Văn Đế dựng tháp xá lị năm 601. Theo đó, Tùy Văn Đế đã ban xá lị cho một số nơi, rồi những nơi đó xây tháp cất. Thông thường, tại những tháp đó đều có minh văn ghi rõ về sự kiện, gọi là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”.

 Minh văn tìm được tại Bắc Ninh.

Khi được tìm thấy, bia được úp khít vào một nắp, dính vào nhau bởi một chất liệu đặc biệt nên ông Đức cùng vài công nhân phải rất vất vả mới tách ra được. Theo các nhà nghiên cứu, bản thân việc bia được phát hiện trong hộp chôn dưới đất cũng là chuyện hiếm gặp.

Các nhà nghiên cứu tiến hành so sánh và thấy rằng, minh văn tìm được tại Bắc Ninh có nội dung về cơ bản giống với các minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp” có niên đại 601 đã phát hiện tại Trung Quốc, chỉ tồn tại một số khác biệt nhỏ. Việc bia và nắp bia được kết dính bằng một chất đặc biệt cũng từng xảy ra tại Trung Quốc. 

Từ những phân tích đó, ông Phạm Lê Huy- Khoa Đông Phương ĐH KHXH&NV Hà Nội nhận định, tấm bia tìm được ở Bắc Ninh chính là minh văn “Nhân thọ xá lợi tháp”. Bia được khắc nhân sự kiện xây dựng tháp xá lợi ở Giao Châu năm 601, “là tấm bia hiện còn lưu giữ được có niên đại cổ nhất Việt Nam”. 

Theo các nhà nghiên cứu, minh văn tháp xá lợi tìm thấy tại Bắc Ninh đã thay thế bia Trường Xuân, trở thành tấm bia có niên đại cổ nhất Việt Nam hiện còn lưu giữ được. Cả hai văn bia này giúp chúng ta có nhận thức hoàn chỉnh hơn về hoạt động xây dựng tháp xá lợi và các tín ngưỡng xung quanh trong thời thuộc Tùy - Đường.

Tuy nhiên, có những quan điểm khác cho rằng, đây không phải là hiện vật gốc mà được người sau cho khắc lại, thậm chí là được ngụy tạo. Nếu quan sát trên ảnh chụp với những đường nét khá nguyên vẹn, trông bia có vẻ mới hơn tuổi thọ cổ nhất của mình. Thế nhưng, những người theo quan điểm này lại chưa thể đưa ra chứng minh mang tính khoa học, mà chỉ dựa trên một số lập luận mang tính cảm quan.

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN LIÊN QUAN
Anh Tuấn

Bình luận(0)