Kỳ bí những bộ hài cốt “dị” nhất Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) – Năm 2012, giới khảo cổ đã phát hiện ra những bộ hài cốt cực "độc" và "dị", gây chấn động dư luận trong nước. 

Bộ hài cốt gần như còn nguyên vẹn ở Quảng Bình

Ngày 17/11, lãnh đạo huyện Minh Hóa, Quảng Bình cho biết, người địa phương vừa phát hiện bộ hài cốt lạ lùng. Các chuyên gia của Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã có mặt ở hang Ton để nghiên cứu về hai bộ hài cốt này.

Hai bộ hài cốt gần như còn nguyên vẹn, bởi được phủ một lớp thạch nhũ đá vôi nên chúng gần như hóa thạch. Sau khi quan sát bằng mắt thường, các chuyên gia đã đưa ra giả thuyết, rất có thể đây là hài cốt của người Việt cổ.
 Hài cốt còn nguyên vẹn trong hang Ton ở xã Tân Hóa.

Người dân địa phương cho rằng, đây có thể là hài cốt của nghĩa quân Cần Vương theo chiếu của vua Hàm Nghi từ hơn một trăm năm trước. Bởi sử liệu địa phương còn ghi chép, ở vùng Tân Hóa từng có một đạo quân Cần Vương đóng trại chiến đấu trong nhiều năm ở các hang động quanh thung lũng Tú Làn. Cũng có những ý kiến khác cho rằng, đây là hài cốt của những người đi rừng chết cách đây vài chục năm.

Bộ xương 200 năm vẫn rỉ máu ở Nam Định

Ông Nguyễn Văn Huấn, 65 tuổi, (xã Trực Hùng, Trực Ninh, Nam Định) tham gia vào việc bốc 8 ngôi mộ tại giáo xứ Lác Môn vào tháng 7/2009 kể lại việc bốc một bộ hài cốt kỳ dị. “Hài cốt của ông Đỗ Tựu được bốc cuối cùng. Khi vừa mới đào đến quan tài của ông Đỗ Tựu thì trong đó bỗng chảy ra một thứ dung dịch có màu đỏ và có mùi tanh tanh. Khi phát hiện đó là máu, tôi đã ngất lịm đi", ông Huấn nhớ lại với vẻ mặt còn sợ hãi.

 Nơi đặt ngôi mộ.

Cha xứ Nguyễn Đức Trọng - Chủ tịch Hội đồng giáo xứ Lác Môn cho biết: “Giáo dân Phêrô Đỗ Tựu sống vào thời kỳ vua Tự Đức (khoảng những năm 1838-1867). Thời kỳ đó, theo lệnh vua ban thì những ai theo đạo giáo đều “trái với lẽ tự nhiên” và đều phải chịu tội chết. Đỗ Tựu cùng 7 giáo dân trong vùng không tránh khỏi lời phán xét oan nghiệt đó.

Sau khi chết, ông được đem chôn cất cùng với 7 người bạn của mình tại xã Trực Hùng. Đến năm 1958, hài cốt của ông được đưa sang mộ chôn tập trung nhưng không mở quan tài. Cho đến những ngày đầu tháng 7/2009, giáo xứ Lác Môn có chủ trương mở rộng khuôn viên, mộ của 8 giáo dân này nằm trong dự án đó và phải di dời đến nơi khác".

Người dân nơi đây kể lại, khi thấy hiện tượng lạ, có người đã lấy tay chạm vào dòng nước đỏ, quệt dọc sống lưng thì lưng gù. Một người khác lấy khăn chấm nước đỏ, xoa chân thì khỏi đau khớp... Chuyện bộ hài cốt có lịch sử 200 năm cứ mỗi lần rỉ máu là chữa được bách bệnh được mọi người truyền tai nhau khắp nơi.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa đưa ra được lời giải thích thống nhất nhưng chung ý kiến, việc khỏi bệnh của người dân nơi đây chỉ là lời đồn thổi, thêu dệt.

Mộ di cốt 4.000 năm vẫn còn nguyên vẹn

Lần khai quật thứ 7, tại khu di chỉ Đình Tràng, Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội, các nhà khảo cổ đã bất ngờ phát hiện ra những mộ táng đất thuộc văn hoá Phùng Nguyên cách đây 4.000 năm.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho biết, di cốt phát hiện còn nguyên “đẹp” nhất Việt Nam. Những di hài phát lộ, được đánh dấu cẩn thận, xương cốt còn nguyên dưới dạng hoá thạch. Điểm đáng chú ý, sau nhiều năm như vậy nhưng có mộ, răng vẫn còn nguyên, được chải sạch đất vẫn sáng trắng.

 PGS.TS Nguyễn Lân Cường tại hiện trường khai quật.

TS. Lại Văn Tới, người phụ trách khai quật lần này cho biết, các nhà khoa học phát hiện được 11 ngôi mộ, nhưng chỉ có 8 ngôi có dấu vết xương, răng, hầu hết là của trẻ em. Mộ số 9 là ngôi mộ đẹp nhất còn giữ lại được di cốt người của văn hoá Phùng Nguyên tìm thấy ở Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, sở dĩ biết chính xác tuổi của các ngôi mộ táng đất này là nhờ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Qua phân tích tuổi của hoá thạch, nhất là các răng còn lại, các nhà khoa học tính được chính xác tuổi từ đó xác định được niên đại và thời kỳ văn hoá. Hơn nữa, thông qua các di vật với các thời kỳ văn hoá mà nhà khảo cổ có thể khẳng định chính xác tuổi.

Hài cốt Phia Vài 10.000 tuổi với hộp sọ khá nguyên vẹn


Tháng 11/2012, các nhà khảo cổ, Viện Khảo cổ học Việt Nam phát hiện nhiều di vật cổ tại hang Phia Vài thuộc địa phận thôn Cốc Ngận, xã Xuân Tân, Na Hang, Tuyên Quang.

Hang Phia Vài được phát hiện qua truyền thuyết “ma núi” Phia Vài ở khu vực thôn Cốc Ngận. Người dân bản địa cho rằng, đó là một cái hang thiêng có ma và có nhiều người dân địa phương lạc vào hang rồi để lại những di chứng như tâm thần. Được xem như một nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm, nên để vào được đó, các nhà khảo cổ cần sự giúp đỡ, thuyết phục của chính quyền sở tại.

Các nhà khảo cổ đã phát hiện hàng trăm hiện vật, chủ yếu là công cụ ghè đẽo thô sơ, sau đó, phát hiện bộ hài cốt người. Theo PGS.TS Trình Năng Chung, hài cốt Phia Vài có hộp sọ còn khá nguyên vẹn nhưng do bị cột đá nén ép nên bị bẹp ở phần xương đỉnh và chấm bên phải làm cho hai mỏm chũm và má bên phải bị lệch.

 Bộ hài cốt người nguyên thủy phát hiện ở hang Phia Vài.

Khi các nhà khảo cổ dùng thủ thuật nghề nghiệp để khám phá đã làm lộ dần hai con ốc nằm gọn trong hốc mắt của người đàn bà này.

GS. Nguyễn Lân Cường cho rằng, đây là loại ốc biển có tên khoa học Cyprea arabica. Dựa vào vị trí của xương tay, xương sườn và chậu hông, ông Cường cho rằng, đây là di cốt chôn nguyên dạng, chưa qua cải táng. Di cốt thuộc nền văn hóa Hòa Bình, chưa từng được phát hiện. Những hộp sọ có niên đại tương tự phát hiện ở Đông Nam Á cũng không thấy cách khâm liệm đặt ốc vào hốc mắt như ở Phia Vài.

Cách khâm liệm độc đáo - đặt ốc biển vào hốc mắt người chết phát hiện ở hang Phia Vài đã hé lộ những bí mật về cách thức mai táng của người nguyên thủy.

Anh Tuấn (Tổng hợp)

Bình luận(0)